Ralf Rangnick từng nhận định MU có thể xây dựng lại một đội hình hoàn chỉnh sau 2 hoặc 3 kỳ chuyển nhượng. Và thực tế, Quỷ đỏ từng làm được như thế trong quá khứ.
1. Không rõ Ralf có tính kỳ chuyển nhượng mùa Đông vào đó không. Trong buổi họp báo ra mắt, ông bảo rằng mùa Đông không phải thời điểm thích hợp nhất để tuyển mộ. Nhưng đến tháng Mười hai, chính ông đề nghị ban lãnh đạo chiêu mộ tiền đạo để bù đắp cho sự vắng mặt của Mason Greenwood (vì sự cố ngoài sân cỏ).
Virgil van Dijk được coi bản hợp đồng quan trọng bậc nhất trong 30 năm qua, và thương vụ này được công bố 5 ngày trước Tết Dương lịch 2018. Ole Solskjaer cũng từng thừa nhận nếu không chiêu mộ được Bruno Fernandes vào cuối tháng Giêng 2020, MU sẽ không thể góp mặt ở Champions League 2020-21. Tương tự là bộ đôi Nemanja Vidic và Patrice Evra, những người cập bến Carrington ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông.
Dưới triều đại Sir Alex, MU cũng có lúc sa sút, nhưng điều quan trọng là họ không mất nhiều thời gian để gượng dậy. Đó là thời điểm chuyển giao giữa giai đoạn thống trị thứ nhất với thế hệ 1999, sang giai đoạn thứ hai với thế hệ 2008. Thời điểm ấy, Beckham đã bị bán sang Real Madrid với giá 17,25 triệu bảng. Fabien Barthez hồi hương trong màu áo Marseille. Còn Laurent Blanc giải nghệ. Đó cũng là khi Chelsea trỗi dậy ở đầu kỷ nguyên Roman Abramovich, và vô địch Ngoại hạng Anh hai mùa liên tiếp dưới thời Jose Mourinho.
2. Công cuộc tái thiết của MU bắt đầu từ năm 2005, với hai bản hợp đồng Edwin van der Sar và Park Ji Sung, những người đã chơi tổng cộng 5 trận chung kết Champions League.
Michael Carrick kế tục chiếc áo số 16 của Roy Keane vào mùa hè 2006, một mùa hè mà giám đốc điều hành David Gill hứa hẹn 2 chữ ký đẳng cấp thế giới, nhưng chỉ có Carrick và Tomasz Kuszczak. Bayern trì hoãn thương vụ Owen Hargreaves đến 1 năm trong khi Sir Alex lỡ hẹn với Marcos Senna (Villarreal). Để so sánh, ĐKVĐ Chelsea bổ sung hai ngôi sao đẳng cấp thế giới là Michael Ballack và Andriy Shevchenko.
Tạp chí FourFourTwo khi ấy đã dự đoán MU cùng lắm chỉ xếp thứ tư. Nhưng họ vô địch với 89 điểm, hơn Chelsea 6 điểm, và bỏ xa Liverpool, Arsenal (68). Đó là chức vô địch đột phá thứ hai dưới triều đại Sir Alex, sau lần đầu ở mùa giải 1992-93, mùa giải mà họ chiêu mộ Eric Cantona từ Leeds.
Sự tiếp quản của nhà Glazer đã không mang đến sự sụp đổ như lo ngại của nhiều người nhờ khả năng quản lý tuyệt vời của Sir Alex. Những người có tiếng nói quyết định của MU đã tin tầm quan trọng của những “tiềm năng” và tin tưởng họ nhiều hơn, kể cả trong mùa giải thất bại 2005-06. Khi ấy, Cristiano Ronaldo mới sang tuổi 21, còn Wayne Rooney 20, Carrick đón sinh thật thứ 25 ba ngày trước khi Tottenham xác nhận vụ chuyển nhượng sang MU. Park Ji Sung, Evra và Vidic đều mới 24.
Tất nhiên, MU bổ sung cả kinh nghiệm nữa. Van der Sar, 34 tuổi, đã chấm dứt sự bất ổn kéo dài 6 năm trong khung gỗ MU. Paul Scholes hồi sinh ở vị trí nhạc trưởng lùi sâu. Gary Neville sắm vai thủ lĩnh và chơi ổn định, còn Ryan Giggs đã chơi thứ bóng đá hay nhất trong nhiều năm dù đã 33 tuổi.
3. MU vào chung kết Cúp FA và bán kết Champions League mùa ấy, nhưng đội hình của họ vẫn mỏng và đó là nguyên nhân của những nỗi buồn tại Wembley và San Siro. Ba ngày trước trận lượt đi gặp Milan, MU chỉ có đủ 12 cầu thủ mạnh khỏe. Và ở trận ấy (thua 0-3), ngồi trên ghế dự bị là Kieran Richardson, Chris Eagles, Kieran Lee, và Đổng Phương Trác.
MU phản ứng rất quyết liệt sau thất bại. Tháng Năm chưa kết thúc, họ đã chốt ba tân binh là Hargreaves, Nani và Anderson. Đến mùa hè, Carlos Tevez gia nhập, còn Pique trở lại sau mùa giải khá ấn tượng cùng Villarreal làm phương án dự phòng. Với đội hình dày dặn ấy, MU lập cú đúp vô địch Champions League và Ngoại hạng Anh. Tóm lại, MU đã chi tiêu khá tiết kiệm trong hai năm 2005, và 2006 khi Sir Alex tin vào những cựu binh và các tài năng trẻ. Nhưng đến mùa 2007, MU mua sắm mạnh mẽ để trở lại là một thế lực thực sự.
Liệu MU hiện tại có làm được như thế?
Tuấn Cương
Tags