(Thethaovanhoa.vn) - MU đã chi rất nhiều tiền để xây dựng đội hình nhằm tìm lại vị thế của mình trong suốt những năm qua nhưng không hiệu quả. Ole Solskjaer quyết tâm thay đổi chính sách chuyển nhượng nhưng liệu đó có phải hướng đi đúng đắn?
Chuyển nhượng sai lầm
Theo thống kê của Footy Base, giá trị thương hiệu của MU năm 2019 đạt 1,47 tỷ euro (tương đương 1,29 tỷ bảng). Giá trị của họ chỉ đứng sau Real Madrid (1,65 tỷ euro tức 1,45 tỷ bảng). Dẫu vậy, điều này không thể hiện mức độ thành công của “Quỷ đỏ” trong thời gian gần đây. Trong 5 năm gần đây, MU chỉ gặt hái được chỉ là 1 danh hiệu Europa League, 1 FA Cup và 1 Cúp Liên đoàn. Tại Premier League, họ thậm chí còn không duy trì được một vị trí thường xuyên trong Top 4.
MU cho tới nay vẫn cứ loay hoay với các chính sách của mình. Họ từng tự hào khi Sir Alex gắn bó với CLB trong suốt 27 năm (1986-2013) nhưng kể từ khi chia tay ông, “Quỷ đỏ” đã thay tới 5 đời HLV (4 chính thức và 1 tạm quyền). Cùng với đó, đội chủ sân Old Trafford cũng đã chi ra tới hơn 700 triệu bảng để chiêu mộ cầu thủ nhưng tất cả đều không đem lại hiệu quả.
MU trong vài năm trở lại đây luôn chuyển nhượng theo tên tuổi cầu thủ, chứ không tính đến sự phù hợp với lối chơi và đội hình hiện thời của CLB. Điển hình nhất có thể kể tới Alexis Sanchez. “Quỷ đỏ” đã giành chiến thắng trong cuộc chạy đua với Man City. Rốt cuộc, không có Sanchez, gã hàng xóm của họ giành được 2 chức vô địch Premier League liên tiếp; còn với “Quỷ đỏ”, họ chẳng thu được gì từ cầu thủ người Chile. Người chịu thiệt chắc chắn là MU khi họ phải trả tiền lương lên tới 350 nghìn bảng/tuần cho Sanchez nhưng chẳng giành được danh hiệu nào kể từ khi anh tới Old Trafford.
Một trường hợp chuyển nhượng có phần sai lầm của MU nữa chính là Paul Pogba. Cầu thủ này thực sự có đẳng cấp nhưng anh lại thi đấu theo cảm hứng. Đôi lúc, thái độ thi đấu hời hợt của anh khiến CLB nhận kết quả tồi tệ nhưng Pogba vẫn không hề có một thay đổi tích cực nào.
Quyết tâm của Ole
Mục tiêu Ole Solskjaer hướng tới xây dựng MU là đặt niềm tin vào các cầu thủ trẻ. Trong những năm qua, hệ thống đào tạo trẻ của “Quỷ đỏ” đã sản sinh ra nhiều cầu thủ chất lượng như Marcus Rashford, Scott McTominay, Andreas Pereira hay Mason Greenwood. Việc những bản hợp đồng tên tuổi như Alexis Sanchez, Angel di Maria hay Radamel Falcao thất bại đồng thời giá trị cầu thủ lúc này bị đẩy lên cao chót vót thì việc tận dụng cầu thủ trẻ là hướng đi hợp lý.
Đầu tư vào cầu thủ trẻ ngoài việc không tốn chi phí chuyển nhượng thì còn có một điểm tích cực nữa là khả năng thích nghi. Các cầu thủ trẻ luôn dễ dàng tiếp thu và hòa nhập nhanh với các yêu cầu đến từ HLV hơn là những cầu thủ trưởng thành, có tên tuổi trên thế giới. Đồng thời, thái độ thi đấu của họ sẽ không bao giờ hời hợt, vô trách nhiệm.
Dẫu vậy, đầu tư vào thế hệ trẻ là công việc đòi hỏi tính kiên nhẫn bởi sự hiệu quả của đầu tư không thể đong đếm hay nhìn thấy ngay được. Kết quả của sự đầu tư này nằm ở tương lai. Xa hay gần thì điều này lại phụ thuộc vào chất lượng cầu thủ và năng lực dẫn dắt cầu thủ của Ole Solskjaer.
Thế hệ huyền thoại 92 của MU không phải giành được thành công ngay trong mùa giải đầu tiên ra mắt. Bọn họ cũng phải mất một khoảng thời gian để hòa nhập giải đấu, tích lũy kinh nghiệm. Thành công cuối những năm 90 và đầu 2000 của MU vì thế không chỉ mang dấu ấn tài năng mà còn là cả sự kiên nhẫn.
VIDEO soi kèo dự đoán bóng đá chung kết Europa League: Chelsea vs Arsenal (2h00 ngày 30/5). Trực tiếp K+PM
Quý Dậu
Tags