(Thethaovanhoa.vn) - Nếu ví Newcastle như một nàng Lọ Lem, họ đang ngây ngất trước viễn cảnh đổi đời sau thương vụ được Quỹ đầu tư công Saudi Arabia mua lại với mức phí 305 triệu bảng. Khoan vội mừng, thực tế khắc nghiệt vẫn chưa buông tha đội bóng này.
Dễ dàng hình dung tâm trạng hồ hởi của các cổ động viên Newcastle. Không có gì khó hiểu, bởi họ đã rủ bỏ được quãng thời gian 14 năm không mấy hạnh phúc cùng ông chủ cũ Mike Ashley.
Quãng thời gian tuần trăng mật ấy chắc chắn sẽ không kéo dài quá lâu, bởi trước mắt ban lãnh đạo mới của Newcastle là một mớ vấn đề cần giải quyết. Steve Bruce vẫn tại vị ở trận gặp Tottenham đêm qua, bất chấp nhiều nguồn tin khẳng định việc HLV 60 tuổi này ra đường chỉ là vấn đề thời gian. Thời gian ấy là bao lâu thì không ai trả lời rõ ràng vì hai trở ngại: 1) Ban lãnh đạo mới vẫn đang mơ hồ về phương án thay thế Bruce và 2) Cấu trúc bóng đá ở Newcastle khá xập xệ, thiếu bài bản như các ông lớn Premier League.
Trở ngại thứ nhất nằm ở tình trạng “cao không tới, thấp không thông”. Tên tuổi của một đội bóng chỉ tầm cỡ trung bình như Newcastle chẳng tài nào thu hút được HLV tầm cỡ như Antonio Conte. Frank Lampard là sự lựa chọn được nhắc đến khá nhiều, nhưng khả năng tương thích giữa đôi bên vẫn là dấu hỏi lớn. Tìm được một HLV đủ tiềm năng nâng tầm Newcastle là chìa khóa để thương vụ chuyển giao thật sự làm đổi đời đội bóng vùng Đông Bắc nước Anh.
Trở ngại thứ hai, Newcastle không có một giám đốc thể thao chất lượng. Một số tuyển trạch viên tiết lộ trong tuần đầu tiên sau khi đổi chủ, họ làm việc không phải với một nhân vật nào đó giàu chuyên môn ở St James' Park, mà lại là ông Mehrdad Ghodoussi, chồng bà Staveley, người chưa bao giờ xỏ giày ra sân trong mỗi lần hiện diện trên sân tập của Newcastle. Rồi còn đó HLV Bruce, người đang bị coi là một bóng ma lởn vởn trong bữa tiệc tại St James' Park, bất chấp một số ý kiến đồng cảm về tình trạng khó tránh khỏi của ông lúc này.
Sẽ không dễ để Newcastle đổi đời trong một sớm một chiều như cách Chelsea hay Man City đã từng làm, bởi bản chất nhân sự của từng đội bóng trong thời điểm họ bắt đầu chuyên giao cho các ông chủ mới rất khác nhau. Chelsea trước khi Roman Abramovich mua lại đã từng hiện diện ở sân chơi Champions League, trong khi Man City ít ra đã vươn mình lên nửa trên bảng xếp hạng trước ngày tập đoàn Abu Dhabi tiếp quản. Còn Newcastle? Họ vẫn chìm ở nhóm xuống hạng, sở hữu một đội ngũ kém chất lượng đến mức cầu thủ hay nhất của họ là Saint-Maximin thậm chí mới chỉ tiệm cận đến trình độ đủ để thu hút sự chú ý từ các đội bóng dự Champions League. Chelsea, Man City có thể chi tiêu thoải mái để mang về hàng loạt ngôi sao bởi những quy định về giới hạn tài chính khi ấy chưa hề hiện diện. Newcastle chắc chắn sẽ bị ràng buộc bởi những hạn định mua sắm trong một mùa giải cũng như đội hình có quá nhiều lỗ hổng. Quá trình thanh lọc đội ngũ sẽ không thể diễn ra ngay tức thì và nếu tính theo kịch bản nhanh nhất, phải tầm hai năm nữa Newcastle mới có thể hiện diện ở sân chơi Champions League (tất nhiên phải là một quá trình thần tốc vượt ngoài kỳ vọng).
Cách tiếp cận đội ngũ nhân sự ra sao sẽ quyết định kết quả công cuộc nâng cấp nàng Lọ Lem Newcastle thành một thế lực mới của bóng đá Anh thành công hay thất bại. Họ cần một chiến lược bài bản, định hướng rõ ràng, thứ Man City đã làm khi đổi chủ, nhưng trái ngọt chỉ bắt đầu hái từ mùa 2011-12 với chức vô địch Premier League dưới thời Mancini. Còn nếu là một kế hoạch nửa vời, nguy cơ cao Newcastle sẽ thành một phiên bản của Everton, đội bóng từng mơ mộng sẽ lên đời khi đổi chủ nhưng rốt cuộc chỉ tiệm cận Top 6 và chấm hết.
Hạnh Nguyên
Tags