(Thethaovanhoa.vn) - M.U đã giành chiến thắng đậm đà 4-1 trước Bournemouth, nối dài chuỗi trận bất bại lên con số 3. Đây là một món quà sinh nhật không thể tuyệt vời hơn cho Sir Alex Ferguson, người bước vào tuổi 77 ngày 31/12 và cũng là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới sự nghiệp bóng đá của HLV tạm quyền Ole Gunnar Solskjaer.
1. Trên khán đài sân Old Trafford trong cuộc tiếp đón Bournemouth ở vòng 20 Ngoại hạng Anh, trong khoảng thời gian cuối trận, ống kính truyền hình đã ghi lại hình ảnh các cổ động viên giơ cao một tấm băng rôn với dòng chữ: 20LEGEND. Đây là một cách ghép chữ của số 20 và từ “Legend” (Huyền thoại), đồng thời Ole cũng là tên của HLV tạm quyền M.U.
Trong những ngày còn thi đấu cho M.U, 20 chính là số áo của Ole Gunnar Solskjaer. Đó cũng là quãng thời gian huy hoàng và nhiều kỷ niệm đẹp nhất với cựu tiền đạo Na Uy. Không chỉ trở thành người hùng trong mắt các cổ động viên hay chinh phục các danh hiệu mà tại đó, ông còn được gặp người thầy tuyệt vời nhất cuộc đời mình: Sir Alex Ferguson.
Ngay sau thắng lợi 4-1 trước Huddersfield Town ở vòng 19 Ngoại hạng Anh, trận đấu đầu tiên mà Solskajer dẫn dắt M.U thi đấu trên sân Old Trafford, chiến lược gia Na Uy đã đi tới khu vực của Sir Alex Ferguson và nhận được những lời khen ngợi từ người thầy cũ. “Đi tới chỗ của thầy, khi bạn được ông khen là ‘làm tốt lắm’, bạn sẽ thật hạnh phúc!”, Solskajer bày tỏ. Và trong một dịp khác, chiến lược gia 45 tuổi khẳng định: “Tất cả những gì tôi biết về công việc huấn luyện đều là những điều tôi học từ ông ấy [Sir Alex]”.
Những câu nói ấy đã gói gọn những tình cảm và sự kính trọng mà Solskajer dành cho Sir Alex Ferguson. Suốt 27 năm dẫn dắt M.U, Sir Alex đã đào tạo ra nhiều lứa cầu thủ khác nhau. Rất nhiều người trong số họ cho đến nay vẫn tôn kính và coi ông như cha, một người cha luôn dang tay bao bọc, che chở những đứa con nhưng đôi khi vẫn biết cách cứng rắn để họ biết rằng “thương cho roi cho vọt”. Solskajer là một “sản phẩm” xuất sắc mà Sir Alex đào tạo nên và cho tới nay dù đã là HLV của đội bóng hàng đầu thế giới, ông vẫn tôn thờ người thầy mình như thưở ban đầu.
Solskjaer tới dẫn dắt M.U với nhiệm vụ cũng giống như những gì mà ông làm suốt 11 năm khoác áo đội bóng này: chữa cháy và giải quyết tình thế nguy cấp. Chiến lược gia người Na Uy sẽ chỉ là HLV tạm quyền cho “Quỷ đỏ” từ nay tới hết mùa giải. Trong khoảng thời gian còn lại, ông sẽ phải dọn dẹp “đống hoang tàn” mà Jose Mourinho để lại và rồi sau đó một vị trí chính thức hay không sẽ hoàn toàn do ban lãnh đạo quyết định. Nhưng Solskjaer vẫn nhận lời, như cái cách ông vào sân từ ghế dự bị và ghi bàn suốt 11 năm, vì đó là M.U: là cơ hội nghề nghiệp, là tình yêu, là Ferguson.
2. Ole Gunnar Solskjaer sinh ra trong một gia đình có bố là nhà vô địch môn đấu vật Greco-Roman. Ngay từ nhỏ, ông đã có khoảng thời gian tập luyện bộ môn này cũng những vận động viên hàng đầu Na Uy nhưng rồi sự khắc nghiệt khiến ông cảm thấy thể lực không thể đáp ứng cho môn thể thao ấy. Khi còn nhỏ, cha mẹ từng đặt biệt danh cho ông là “Ole bé nhỏ” bởi thể hình thấp bé, còi cọc. Trong một cuộc phỏng vấn trên tạp chí FourFourTwo, Solskjaer thừa nhận tới năm 15 tuổi, ông vẫn chỉ cao 1m40 và cơ thể chỉ thực sự phát triển khi đã 20, 21 tuổi. Ông bà Oyvind và Brita Solskjaer cũng từng khuyên cậu con trai nên từ bỏ nghiệp thể thao mà cụ thể là đấu vật sau khi thấy Ole thường bị đối phương hạ đo ván vì quá bé.
Thế nhưng không có đấu vật thì còn bóng đá. Solskjaer khởi nghiệp tại Clausenengen sau 10 năm tập luyện ở đội trẻ. Năm 1994, ông chuyển tới đầu quân cho Molde sau 5 năm khoác áo Clausenengen với thành tích 115 bàn thắng sau 109 lần ra sân chỉ tính riêng tại giải hạng tư và hạng ba Na Uy.
Ở đội bóng mới, Solskjaer ngay lập tức gây ấn tượng khi ghi cú đúp trong trận đấu đầu tiên và có 3 pha lập công chỉ sau 2 trận đấu. Phong độ ổn định và ấn tượng tiếp tục được tiền đạo Na Uy duy trì trong suốt 2 mùa giải. Rất nhiều sự chú ý từ các đội bóng thuộc các giải vô địch hàng đầu châu Âu dành cho tiền đạo trẻ ở Na Uy. Hamburg của Felix Magath, PSV Eindhoven, Bayern Munich đều bày tỏ sự quan tâm. Tại Ý, HLV Giovanni Trapattoni cũng muốn đưa Solskjaer về Cagliari. Tuy nhiên sau cùng chỉ có M.U có được chữ ký của chân sút sinh năm 1973.
3. Cách Ole Gunnar Solskjaer tới M.U cũng thật… đặc biệt. Trong một trận đấu cấp đội tuyển Quốc gia giữa Na Uy và Azerbaijan, Solskjaer lập cú đúp bằng hai cú vô lê đẹp mắt. Chúng lập tức gây ấn tượng với ban lãnh đạo “Quỷ đỏ” và họ muốn thương vụ chuyển nhượng hoàn thành trước khi Chủ tịch thời điểm đó là Martin Edwards đi du lịch.
Không cần mất quá nhiều thời gian, ban lãnh đạo Molde liền thuê một chuyên cơ chở Solskjaer tới Manchester thương thảo hợp đồng. Thật trớ trêu là sau khi tới Manchester, một hướng dẫn viên của đội bóng đã nhầm chân sút người Na Uy là khách thăm quan. Cuối cùng, người hướng dẫn viên đã hoàn toàn bất ngờ khi biết chàng trai trước mặt mình tới đây để ký hợp đồng.
Thực chất, Solskjaer chỉ được chọn khi M.U đã để thất bại trong thương vụ Alan Shearer (chuyển tới Newcastle). Rõ ràng, khi là sự lựa chọn thứ hai, sự kỳ vọng đặt vào bạn cũng giảm đi phần nào đó. Điều này trùng hợp thay cũng như một lời dự báo với sự nghiệp của Solskjaer, ông sẽ luôn chỉ là một người xếp sau và chỉ được sử dụng mỗi khi cần thiết. “Siêu dự bị”, cái tên mỹ miều mà cũng đầy nỗi buồn nhưng với cựu tiền đạo người Na Uy, gạt bỏ tất cả, thành tích của đội bóng vẫn là điều quan trọng nhất.
“Rõ ràng, tôi muốn chứng minh với HLV trưởng [Sir Alex] rằng tôi xứng đáng được thi đấu nhiều hơn nhưng ông biết chính xác khi nào thì muốn tôi vào sân,” Solskjaer bày tỏ. “Ông ấy biết rằng khi xếp tôi dự bị, tôi sẽ không vui nhưng khi vào sân, tôi sẽ cống hiến hết mình. Và điều đó tác động đến đối thủ vì nó trở thành một giai thoại rằng cứ mỗi khi vào sân tôi lại ghi bàn. Tôi thích vai trò đó và để lại dấu ấn hơn là chơi 200 trận đấu nhưng chỉ ở mức trung bình”.
Solskjaer là người mạnh mẽ và quyết đoán. Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về biệt danh “Sát thủ mang gương mặt trẻ thơ”, ông nói: “Khi tới Ngoại hạng Anh, tôi biết mình trông khá trẻ nhưng tôi cũng có thể là một con quỷ - nếu tôi phải tắc bóng vào mắt cá cầu thủ nào đó thì tôi sẵn sàng”. Điều này lý giải cho cú xoạc bóng nổi tiếng của ông vào Rob Lee khi tiền vệ Newcastle đang trong tư thế đối mặt với thủ môn của M.U. Ngay sau đó, là một tấm thẻ đỏ cho Solskjaer và những tràng pháo tay tán thưởng từ người hâm mộ “Quỷ đỏ”.
Nhưng những gì diễn ra sau đó cho thấy triết lý của Sir Alex. Chiến lược gia Scotland đã “sạc” cậu học trò một trận vì đó không phải cách mà ông muốn M.U giành chiến thắng. Solskjaer tuân lệnh và sau này ông cũng không bao giờ cho phép các học trò hành động như vậy.
4. Như đã nói, Solskjaer dành sự ngưỡng vọng rất lớn cho Sir Alex. Ông yêu quý người thầy của mình bởi “ngài máy sấy tóc” luôn tạo ra một môi trường tập luyện thoải mái, các cầu thủ sẽ phải nỗ lực hết sức nhưng không hề cảm thấy như đang phải đi làm. Bất kể là ai cũng đều phải thể hiện hết 100% khả năng, bất kể là cầu thủ đá chính hay dự bị, bởi Sir Alex đề cao một môi trường công bằng.
Ryan Giggs kể lại rằng có một điều giúp HLV tạm quyền hiện tại của M.U tiếp thu được nhiều kinh nghiệm huấn luyện và quản lý từ Ferguson chính là thói quen ghi chép. Huyền thoại người Xứ Wales cho biết cứ mỗi khi dính chấn thương và phải ngồi ngoài, Solskjaer lại lấy giấy bút ghi lại những điều mà chiến lược gia Scotland đã làm.
Solskjaer cũng thừa nhận điều đó: “Từ năm 2000 trở đi, tôi bắt đầu ghi chép lại những buổi tập của chúng tôi. Tôi nhận ra tôi đã được trải nghiệm những thứ mà chỉ các đồng đội tôi mới được trải nghiệm vì ông ấy là duy nhất. Ông ấy không bao giờ nói chuyện hàng giờ nhưng mỗi khi lên tiếng lại là một sự khác biệt”. Từ trước đó, Solskjaer đã hình thành thói quen viết nhật ký sau khi gặp một bác sĩ tâm lý có tên Bill Beswick. Cuốn nhật ký sẽ ghi lại những gì mà Solskjaer nghĩ và cách ông phản ứng với những tình huống khác nhau suốt trận đấu, đây là một cách mà vị bác sĩ tâm lý khuyên ông nên áp dụng để kích thích sự tự tin.
Sau khi giải nghệ, Solskjaer đã nghe lời Ferguson khi từ chối công việc dẫn dắt đội tuyển Quốc gia Na Uy để tiếp tục học việc tại M.U. Công việc đầu tiên chính là HLV cho các tiền đạo với nhiệm vụ uốn nắn cho những chân sút trẻ khi đó như Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney và Carlos Tevez.
Giờ đây 11 năm đã trôi qua kể từ khi treo giày, Solskjaer lại đang trên một hành trình mới cùng đội bóng cũ. Chẳng còn những cái tên kể trên trong đội hình nữa, trong tay ông lúc này là Marcus Rashford, Romelu Lukaku, Anthony Martial,… Kể từ khi ngồi vào chiếc ghế nóng, ông đã thổi một luồng sinh khí mới cho đội bóng xoay quay những cầu thủ trẻ.
Xây dựng đội bóng với Paul Pogba là hạt nhân trung tâm, giúp Rashford tự tin trở lại, Lukaku nổ súng sau một khoảng thời gian. Những gì mà Solskjaer làm được là điều mà người hâm mộ “Quỷ đỏ” đã mong chờ suốt thời gian dài vừa qua. Khi tất cả cùng nhìn về một hướng, “Quỷ đỏ” đang tạo nên một thứ bóng đá phấn khích mà thậm chí nhiều người cảm thấy xa lạ.
“Ole Gunnar Solskjaer sẽ nâng tầm cầu thủ United chứ không hủy hoại họ”, đó là dòng title mà cây viết Jonas Giaever sử dụng trong bài viết trên The Guardian ngay sau khi thông tin chiến lược gia người Na Uy là HLV tạm quyền của M.U được công bố. Đúng, bởi thứ M.U thiếu lúc này không phải chuyên môn mà chính là tinh thần, thứ tinh thần thi đấu phóng khoáng và cùng nhìn về một hướng.
Có thể sẽ chỉ thêm một lần đóng thế nữa nhưng có làm sao, khi nhân vật có thể mang tinh thần M.U - Ferguson trở lại còn ai ngoài Solskjaer, môn đệ hợp lý nhất của Sir Alex thời điểm hiện tại?!
Nguyễn Hồng Phú
Tags