Pep vs. Mourinho: Ai quan tâm đến bóng đá tấn công?

Thứ Bảy, 10/09/2016 06:38 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Từ sau trận chung kết Champions League 2004, khi Mourinho chính thức bước ra sân khấu của những siêu sao, người hâm mộ vẫn luôn quẩn quanh với một định kiến về ông, kể cả là những người yêu mến ông.

1. Họ nhận định thứ bóng đá mà Mourinho theo đuổi là tiêu cực, chủ trương phòng ngự chắc chắn, thậm chí còn có người nặng lời rằng thứ bóng đá ấy là phản bóng đá. Để rồi mấy năm sau đó, khi Pep Guardiola bắt đầu lộ sáng với một dàn hảo thủ tuyệt vời khiến Barcelona bất khả chiến bại cùng sự tôn vinh thái quá mang tên tiqui-taca, định kiến về Mourinho càng nặng nề hơn khi có một đối trọng lớn.

Nhiều người so sánh, lối đá mà Pep Guardiola xây dựng mới là nghệ thuật, mới là trình diễn, mới là đẹp mắt. Và tất nhiên, ở chiều ngược lại, triết lý của Mourinho ngày càng xấu xa hơn rất nhiều lần.

Trên thực tế, trả lời câu hỏi rằng “định kiến kia, và so sánh kia liệu có chính xác?” đòi hỏi một quá trình rất dài, và cả sự công tâm, khách quan cũng như chấp nhận cả những chỉ trích nếu có. Nhưng nếu chúng ta chuẩn bị tâm thức với đầy đủ các yêu cầu kể trên, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng chính thứ bóng đá của Mourinho lại hướng đến tâm thức tấn công nhiều hơn là thứ bóng đá của Pep Guardiola. Có thể nói, bóng đá mà Pep gầy dựng chỉ là thứ bóng đá tấn công “giả cầy”.

2. Mourinho chủ trương (và ông nói ra) phải không được thua trước đã. Trận El Clasico đầu tiên của ông với Pep cũng diễn ra với tâm thức Real chủ trương không để thua, và rồi thua tan nát 0-5. Kết quả ấy có thể sẽ là cái tát với kết luận về bóng đá tấn công giả cầy nói trên của Pep. Đúng là làm gì có thứ bóng đá tấn công giả cầy nào mà lại ghi đến 5 bàn vào lưới đội bóng có hàng công cũng như tuyến thủ rất mạnh. Nhưng chúng ta đừng vội vã quá. Ngay cả một đội bóng chơi phòng ngự chặt, phản công nhanh, trong một ngày đẹp trời Chúa để mắt tới họ cũng có thể ghi trên 5 bàn vào lưới đối phương. Vì thế, bàn thắng chỉ là hiện tượng, không thể quyết định bản chất được.

 Derby Manchester: Mourinho đã có cách hạ Man City bằng một miếng đánh

Derby Manchester: Mourinho đã có cách hạ Man City bằng một miếng đánh

Man City của Guardiola toàn thắng 3 trận Premier League đầu mùa nhưng Man United vẫn có thể đánh bại đối thủ trong trận derby thành phố vào cuối tuần nhờ có nhiều phương án giải quyết trận đấu.

Mourinho không thích đội quân của ông kiểm soát bóng, mà thay vào đó đề cao kiểm soát thế trận. Ông tuyên bố rằng “đội nào cầm bóng nhiều thì cũng có khả năng mắc sai lầm nhiều” và tuyên bố đó rất đúng. Cầu thủ vốn vẫn thích biểu diễn, và dễ hưng phấn để tiến hành hành vi trình diễn kỹ thuật trên sân. Nếu đối thủ tỉnh táo, người trình diễn đó có thể sẽ mắc sai lầm. Và đội bóng của Mourinho đi săn tìm những sai lầm như thế, để tổ chức tấn công ở tốc độ cao. Đó là tâm thức tấn công chủ động hoàn toàn, chứ không phải rình rập để phản công như chúng ta vẫn nghĩ. Có thể nói, Mourinho hướng tới bóng đá tấn công, dưới cái mác là tấn công có kiểm soát.

3. Pep có thay đổi Man City không, so với thời Pellegrini? Thay đổi hoàn toàn. Chúng ta có thể khẳng định như vậy. Man City dưới tay Pellegrini chơi rất dễ đoán biết. Họ có thiên hướng tấn công hơi hồn nhiên, và khá cẩu thả trong phòng ngự. Chính vì thế, khi tấn công, hiệu quả của họ không được cao bởi các cầu thủ tuyến trên vẫn canh cánh về độ chắc chắn ở tuyến dưới. Pep đến, Man City chơi có tổ chức hơn hẳn. Bởi thế, Sterling phát huy tốt hơn trong vai trò tự do.

Pep đề cao kiểm soát bóng, đặc biệt là kiểm soát có tổ chức ở tuyến dưới. Ông không muốn mạo hiểm để đội bóng sẽ bị tổn thương vì những mạo hiểm như thế. Bởi vậy, ông luôn chú trọng xây dựng một hàng thủ cực chắc chắn, với bộ tứ vệ và tiền vệ phòng ngự xuất sắc. Thậm chí, ông ưa thích việc đưa một tiền vệ đánh chặn giỏi về đá trung vệ, bởi ông cần anh ta biết giữ bóng. Lý thuyết của ông quá rõ: chúng ta không cho đối thủ có bóng, chắc chắn họ không thể làm hại ta.

Người ta ca ngợi Pep ở Barca hay Bayern chẳng qua vì ở hai đội bóng đó, văn hóa và truyền thống của họ là tấn công. Thế nên cái mạnh của tuyến tấn công đã loè đi cái tố chất Pep gầy dựng: hàng thủ vững bền. Đó cũng là lý do tại sao khi sang Man City, Pep muốn thay Hart, mua lập tức Stones và vẫn ngong ngóng Laporte ở Liga.

Pep là con người phòng thủ. Nhưng ông may mắn khi được làm ở những đội bóng chủ trương tấn công.

Còn Mourinho thì không…

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›