Từ chuyện chiếc mũ, thịt gà, tay trống...
Mới đây, Cech nói rằng anh không muốn đội mũ bảo hiểm nữa. Nó làm anh vướng víu. Chỉ riêng chuyện khó nghe vì tai bị che đã đủ gây phiền toái rồi. Nhưng các bác sĩ phản đối, bảo đây là vấn đề liên quan đến tính mạng. Chấn thương nghiêm trọng hồi năm 2006 khiến Cech phải đội mũ bảo hiểm từ khi trở lại sân cỏ thì ai cũng biết. Chỉ xin nói thêm: đã có ít nhất 2 lần chiếc mũ ấy tỏ rõ tác dụng. Một lần vào năm 2011, trong trận gặp Fulham. Cech không thể ngước đầu, nhìn không rõ đồng đội sau một cú va chạm nẩy lửa. Một lần vào năm 2014, đồng đội Kurt Zouma nằm bất động, máu tuôn ra từ mồm, sau khi đầu anh và Cech va chạm. Chiếc mũ bảo hiểm đã làm giảm tác dụng của lực đập, cứu Cech (lần nữa) và Zouma trong các sự kiện ấy!
Cech không muốn đội mũ bảo hiểm nữa
Hết chuyện chiếc mũ, đến chuyện... bóng bàn. Tài năng của Cech được phát hiện bởi Christophe Lollichon, một HLV "vô danh tiểu tốt", chuyên phụ trách thủ môn, khi họ còn ở Rennes. Sau này, khi đã trở thành ngôi sao, Cech vẫn giữ quan hệ với Lollichon. Ông này bảo Cech chỉ cần tập bắt bóng ở tầm 16m đổ lại, nhưng phải bắt bóng liên tục, đủ kiểu. Anh bắt bóng to, bóng nhỏ, bóng tennis, thậm chí phải dùng một tay để bắt những quả... bóng bàn (được "sút" từ một chiếc máy bắn bóng). Tập thế thì não và mắt luôn vận hành hết công suất!
Còn gì nữa? Báo chí lại kết nối chuyện bắt bóng xuất sắc của Cech với năng khiếu gõ trống và thói quen ăn thịt gà trước mỗi trận đấu! Kể nữa, chắc là phải đến vô cùng. Nhưng tóm lại, tất cả nói lên hai điều quan trọng. 1/Chỉ có những tài năng đạt đến mức độ của một hiện tượng mới làm nẩy sinh các đề tài như vậy. 2/Người ta chỉ muốn bàn xem vì sao Petr Cech quá hay, chứ vấn đề không phải là hay hay đến mức độ nào.
...Đến những con số biết nói
Một cách khác để nói về tài năng của Cech mà không cần dùng mỹ từ, theo kiểu cảm tính: dùng những con số biết nói. Cech đã xô ngã kỷ lục 169 lần giữ sạch mành lưới ở Premier League của David James. Kỷ lục của anh hiện là 172 lần, và chắc chắn còn tăng lên rất nhiều. Đáng lưu ý: Cech chỉ cần 355 trận để có kỷ lục 172 lần giữ nguyên mành lưới trong khi James cần đến 572 trận! Xưa nay, từng có 14 thủ môn giữ nguyên mành lưới trên 100 lần ở Premier League, nhưng chẳng ai đạt được hiệu suất 48% như Cech. Huyền thoại Peter Schmeichel cũng chỉ đạt hiệu suất 42%. Các thủ môn của đội tuyển Anh là Joe Hart (39%), David Seaman (41%), James (30%), Nigel Martyn (37%).
Tất nhiên, Cech có 11 năm khoác áo Chelsea, như mọi người biết. Anh giữ nguyên mành lưới trong 46% số trận ở CLB nổi tiếng về khả năng phòng ngự này. Nhưng trước và sau Chelsea, anh vẫn có tỷ lệ 45% giữ nguyên mành lưới ở Sparta Prague, Rennes và Arsenal. Ổn định đến thế là cùng!
Cech đã xô ngã kỷ lục 169 lần giữ sạch mành lưới ở Premier League của David James
Đồng đội cũ John Terry bình luận hồi đầu mùa: "Cech giúp Arsenal lấy thêm 12-15 điểm trong mùa bóng này". Những gì thể hiện trước Liverpool, Everton, Leicester, Norwich, Newcastle, Stoke... cho thấy Terry nói đúng. Mới đây nhất là trận gặp Stoke: Cech có 5 pha cứu nguy, nâng tổng số lần cứu nguy mùa này lên con số 73 lần/22 trận. Chỉ có Jack Butland (Stoke, 80) và Tim Howard (Everton, 75) cứu nguy nhiều hơn Cech, nhưng họ đều để lọt lưới nhiều hơn, riêng Howard thủng lưới nhiều gấp rưỡi Cech. Cứ 100 lần đối phương tung cú dứt điểm chính xác thì Cech ngăn cản 80 bàn thua cho Arsenal!
Tất nhiên, bóng đá chẳng bao giờ là môn thể thao khô cứng của số liệu. Dù sao đi nữa, chỉ cần nhìn vào số liệu thống kê và nghe giới bóng đá, thuộc mọi phía khác nhau, nói về Petr Cech, là đủ thuyết phục. Khi Sky Sports phỏng vấn Didier Drogba liệu Arsenal có thể vô địch Premier League, anh nói: "Quá rõ, vì họ có Petr Cech". Frank Lampard: "Cech giúp toàn đội Arsenal chơi hay hơn, chứ không chỉ giúp cho hàng phòng ngự". Rio Ferdinand phán từ đầu mùa: "Petr Cech sẽ là bản hợp đồng thành công nhất Premier League trong mùa hè 2015". Gianluigi Buffon: "Trong thời đại này, tôi thấy Petr Cech là thủ môn xuất sắc và toàn diện nhất". Ở đây, chúng tôi chỉ trích dẫn ý kiến của các thành phần bên ngoài Arsenal. Cựu HLV Chelsea Jose Mourinho đã sai lầm khi bán Cech? Ông gỡ gạc: "Cech thật tuyệt vời. Điều này cho thấy Chelsea rất đàng hoàng, không hề chơi bẩn trên thị trường chuyển nhượng"!
Cech làm thay đổi cả Premier League
Lúc này hoặc lúc khác, Arsenal vẫn luôn có các ngôi sao gây ảnh hưởng rõ ràng ở phía trên, kiểu như Cesc Fabregas, Alexis Sanchez hoặc Mesut Oezil. Nhưng đã quá lâu kể từ khi đội bóng của Arsene Wenger còn được xem là ứng cử viên vô địch ở Premier League. Bây giờ, hy vọng bùng lên cho các"pháo thủ", như mọi người đã biết. Đấy là thay đổi lớn ở toàn bộ Premier League, chứ đâu riêng gì Arsenal!
Vì Cech quá hay nên cả hệ thống phòng ngự trở nên vững vàng hơn
Về mặt bản chất, Wenger xưa nay chỉ giỏi huấn luyện tấn công. Hồi Arsenal tranh hùng với M.U (cuối thập niên 1990), ông thừa hưởng hàng hậu vệ quá chắc chắn mà người tiền nhiệm George Graham để lại. Từ cá nhân đến tập thể, rõ ràng Tony Adams, Martin Keown, Lee Dixon, Nigel Winterburn, Steve Bould đều không phải là "sản phẩm" của Wenger (hình như đây là chi tiết ít được bàn đến). Bây giờ, đẳng cấp của bộ tứ Hector Bellerin - Per Mertesacker - Laurent Koscielny - Nacho Monreal là như thế nào? Tiền vệ trụ Francis Coquelin ở đẳng cấp nào? Không có nhiều người ngưỡng mộ họ. Vì Cech quá hay nên cả hệ thống phòng ngự trở nên vững vàng hơn, tâm lý tinh dấu tốt hơn và tất cả cùng tiến bộ. Cặp trung vệ Koschielny - Mertesacker không còn những tình huống "hại đội nhà" nữa. Bellerin và Monreal còn yên tâm phát huy năng lực tấn công.
Mùa trước, Arsenal thủng lưới 18 bàn từ 46 cơ hội "rõ rệt" của đội phương. Với Cech mùa này, Arsenal chỉ thua 4 bàn trong 17 tình huống như vậy. Hãy so sánh với Joe Hart bên Manchester City: 10 bàn thua trong 22 lần gặp nguy! Thật ra, Cech không chỉ bắt bóng giỏi. Hậu vệ huyền thoại Paolo Maldini từng nói: "Nếu tôi phải lao vào tắc bóng thì dù thành công, đấy cũng là thất bại rồi". Nguyên tắc này cũng đúng với các thủ môn. Cech không bay người cứu nguy để trình diễn tài nghệ. Anh luôn làm mọi cách để không phải đối diện với hoàn cảnh ấy. Koscielny nói: "Cech chọn vị trí rất hay, miệng thì luôn nói, để chỉ huy hậu vệ". Mertesacker nói thêm: "Dù sao đi nữa, chúng tôi luôn yên tâm rằng nếu để đối phương tạo ra cơ hội, Cech cũng sẽ cứu nguy".
Giống như tài năng của Cech, ảnh hưởng lớn mà Cech gây được ở Arsenal mùa này cũng đã... cũ từ đầu mùa. Đã có cơ man những phân tích, so sánh với Ospina, Szczesny, Fabianski, Mannone, Almunia... Jens Lehmann xem ra cũng không thể bằng Cech. Có khi, còn phải bàn về cả một trào lưu lớn trong bóng đá đỉnh cao, chứ không riêng gì Arsenal hoặc Premier League. Hiếm khi bóng đá đỉnh cao có sự luân chuyển thủ môn nhiều như trong mùa hè 2015. Phải chăng, thủ môn bây giờ là vị trí quan trọng nhất trên thị trường chuyển nhượng? Có thể nhắc HLV hãnh tiến Juergen Klopp ở Liverpool: muốn trở lại đỉnh cao, cứ phải chọn thủ môn như Petr Cech. Thủ môn mà như Simon Mignolet thì, hãy khoan bàn chuyện triết lý!
Cech là một chuyên gia ngôn ngữ Thủ môn của Arsenal đã phải dùng tới 4 thứ tiếng để chỉ huy hàng thủ của Arsenal: Anh nói với Mertesacker bằng tiếng Đức và Anh, Koscienly bằng tiếng Pháp, với Bellerin và Monreal bằng tiếng Tây Ban Nha. Cech lý giải, phải nói bằng các ngôn ngữ khác nhau, và bằng tiếng mẹ đẻ của đồng đội thì mới chắc chắn là họ hiếu ý của anh nhất. |
Tân Gia
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags