Premier League: Chuyện thủ môn của Pep Guardiola

Chủ nhật, 04/09/2016 13:40 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Một thủ môn phải bắt bóng giỏi, đứng vị trí chuẩn xác, cản phá nhiều nhất có thể. Nhưng thế là chưa đủ, thủ môn phải tham gia vào lối chơi của đội, và bằng đôi chân nữa.

“Đầu tiên hãy bắt bóng, trước khi nghĩ đến việc chuyền bóng cho các đồng đội, khi bạn bắt bóng, bạn không muốn biết các đồng đội đứng ở đâu”, đây là một trong những lưu ý đầu tiên về kĩ năng mà Joe Hart, thủ môn đến đầu tuần này vẫn còn là người của Man City, nói trên tạp chí Four four two, như bất kì một thủ môn nào khác đang thi đấu ở giải ngoại hạng Anh hiện tại. Trước hết phải chắc chắn, sau đó mới đến phản xạ, sức bật và khả năng bắt bóng bổng tốt. Những tiêu chuẩn hết sức thông thường và có thể được coi là chuẩn mực ở xứ sở sương mù, cũng như với bóng đá thế giới nói chung. Khác hẳn với những gì đang diễn ra ở Barcelona và Bayern Munich, đặc biệt là sau những thay đổi mà Pep Guardiola đã thực hiện với Manuel Neuer, biến anh thành một cuộc cách mạng ở vị trí thủ môn của bóng đá hiện đại.

Khởi nguồn từ Hungary

Gusztav Sebes là một trong những “nhà cải cách” vĩ đại nhất của bóng đá Hungary và thế giới, mà cho đến hiện tại, những lý thuyết bóng đá của ông vẫn còn nguyên giá trị, cũng như được tái tạo một cách hoàn chỉnh. Một trong số đó là khai sinh khái niệm “sweeper keeper” – một libero thực thụ trong khung gỗ. “Có rất nhiều khoảng trống phía sau hàng phòng ngự cần được khai thác, và tôi muốn cậu chơi như một người quét thực thụ ở đó”, Sebes nói với Gyula Grosics vào những năm 50 của thế kỉ trước. “Một thế trận tấn công, luôn cần tận dụng mọi cơ hội khi chúng ta kiểm soát bóng”, đó là lí do giải thích cho yêu cầu chiến thuật của cố HLV Sebes, thủ thành Grosics phải chuyền bóng nhiều như bất cứ một tiền vệ nào trên sân,và biến Hungary trở thành một trong những hình mẫu đáng học tập nhất thế giới vào thời điểm đó.


Gusztav Sebes là người đã khai sinh ra khái niệm “sweeper keeper”

Rinus Michel nhanh chóng học hỏi ý tưởng này, ở World Cup 1974, ông quyết định chọn Jan Jongbloed, người có khả năng chơi bóng bằng chân thuần thục như một hậu vệ thay thế cho Jan van Beveren, người chỉ có kĩ năng cản phá bóng thông thường, để phát huy hết giá trị của triết lý bóng đá tổng lực mà ông áp dụng ở đội tuyển Hà Lan. Nhưng sự thật thì vào thời điểm đó, nhiệm vụ đầu tiên của Jongbloed vẫn chỉ là ngăn chặn bàn thua.

Hơn 30 năm sau, khi cố HLV Johan Cruyff, một “nhà khai sáng” khác của bóng đá dẫn dắt Ajax Amsterdam vào mùa bóng 1985/1986, câu đầu tiên ông nói với thủ thành Stanley Menzo là “hãy bước ra khỏi vòng cấm địa và mắc sai lầm”, cuộc cách mạng mới thật sự bắt đầu. Đó là một thông điệp mang đầy tính cách tân và mạo hiểm, cũng như phản ánh đầy đủ cách thức triển khai, kiểm soát bóng và tổ chức trận đấu của Johan Cruyff. Ý tưởng của ông là mỗi thủ môn phải là cầu thủ thứ 11 trên sân, với sự phiêu lưu cần thiết, đồng thời phải có tư duy triển khai bóng như một cầu thủ tấn công thực thụ.


Thủ môn giờ đây không chỉ còn mỗi nhiệm vụ cứu thua

Cứu thua? Rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là tạo ra cơ hội ghi bàn tối đa cho các đồng đội. Một trong hai nhiệm vụ cơ bản mà HLV Frans Hoek, cộng sự của Johan Cruyff thời điểm đó, đặt ra cho các thủ môn của câu lạc bộ, với ba kĩ năng cơ bản: kiểm soát bóng, ngăn đối thủ kiểm soát bóng, và tạo ra thay đổi từ trái bóng. Một hệ thống những bài tập cho thủ môn tỉ mỉ được xuất bản rộng rãi dưới cuốn sách có tựa đề “Phương pháp của Hoek”, và ông đã trực tiếp tạo ra những cái tên như Menzo, Van der Sar, Victor Valdes, Reina, Robert Enke, Łukasz Fabianski, và một cái tên xuất sắc khác: David de Gea.

Nghệ thuật của Pep Guardiola

World Cup 2014, trong vai trò bình luận viên của Sky Sport, cựu tiền đạo Alan Shearer gần như là kinh hoàng vì những gì đã được thấy trong cabin, giọng anh khẩn khoản chờ đợi các tiền đạo của Pháp làm một điều gì đấy như là lốp bóng vào khung thành của Đức, khi nhận thấy Manuel Neuer đã rời xa khung gỗ và tiến tới gần vòng tròn giữa sân. Còn nếu cựu tiền đạo này xem lại trận Đức gặp Algeria, chắc hẳn Shearer đã phải ngất vì Manuel Neuer chủ yếu hoạt động bên ngoài vòng cấm địa, và một mình anh thực hiện nhiều đường chuyền hơn 8 cầu thủ khác của đối thủ.

Anh rời khỏi vùng an toàn, thực hiện những pha cắt bóng bên dưới các hậu vệ, những người đã đẩy lên gần vạch ngang giữa sân. Ở khu vực của mình, Neuer thực hiện những pha chuyền dài, điều bóng tới các khoảng trống, và di chuyển theo tuyến nghiêng như một hậu vệ thực thụ. HLV Joachim Loew nói rằng Neuer có thể chơi ở hàng tiền về, còn Toni Kroos thì chỉ nói đúng một câu duy nhất, “anh ấy là cầu thủ thứ 11 mà tất cả đều cần”.


Thủ môn phải thực sự là cầu thủ thứ 11 trên sân

Khi chúng ta ca ngợi Manuel Neuer thì cũng là lúc bắt đầu nói về cuộc cách mạng mà Pep Guardiola tạo ra ở Bayern Munich thời điểm này. Người đã khiến Manuel Neuer trở thành biểu tượng của quá trình nâng cấp đội bóng vừa mới giành cú ăn ba trước đó với Jupp Heynckes, biến anh từ một thủ môn thông thường trở thành một cầu thủ, một mắt xích của quá trình luân chuyển bóng, dịch chuyển đội hình và tấn công toàn diện.

Số lần chạm bóng của Neuer dưới thời Heynckes từ 35% lên tới 80% dưới thời HLV người Tây Ban Nha. Nếu gọi cách thức Pep Guardiola tạo ra Messi kì diệu ở vai trò số 9 ảo, thì Neuer phải là số 1 ảo ở đúng vị trí đã tạo ra tên tuổi cho tiền đạo người Argentina. Khi anh biết cách khai thác khoảng trống thế nào sau lưng hệ thống phòng ngự, điều khiển các hậu vệ và tiền vệ ra sao, tạo ra các không gian hợp lý trước mặt để làm tốt nhất nhiệm vụ trong khung gỗ, cách mà Neuer gọi là “xây cầu” cho đội bóng.

Vì sao Neuer có thể làm được điều đó, khác biệt với hầu hết các thủ môn hiện tại? “Bởi vì tôi suy nghĩ”, thủ môn 30 tuổi này trả lời kí giả Andrew Corsello của ESPN vào tháng 6 vừa rồi. Tư duy như một chân chuyền là cách Neuer gây kinh ngạc cho thế giới, tất cả đều theo yêu cầu chiến thuật của Pep Guardiola.

Ở Barcelona, hoặc các đội bóng của Guardiola, thủ môn là cầu thủ thứ 11 trong triết lý của HLV 45 tuổi này. Kể cả khi đã mắc sai lầm, hoặc bị pressing dữ dội, họ vẫn phải thực hiện được tối thiểu 10 đường chuyền trong vòng 60 giây, để đưa bóng từ sân nhà lên phía trên. Trong trận gặp Bilbao ở vòng 2 La Liga mới đây, Ter Stegen đã chạm bóng đến 77 lần, nhiều hơn 8 đồng đội của anh (kể cả Leo Messi) và hơn cả đội Bilbao, tiền vệ Benat là người chạm bóng nhiều nhất, còn kém Stegen đến 12 lần.


Neuer luôn là thủ môn yêu thích của HLV Pep Guardiola

Cần nhớ rằng, chuyền bóng là việc lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong một trận đấu với các thủ môn của Barcelona và Pep, và để làm được điều đó, họ không chỉ cần có đôi chân tốt, mà còn cần có sự bình tĩnh và tầm nhìn thật tốt để tạo khác biệt.

Joe Hart có thể là một thủ môn lý tưởng ở giải ngoại hạng, nhưng không ai tin, anh có thể luân chuyển bóng trơn tru khi bị gây áp lực trong vòng cấm địa. Anh cũng như phần lớn các thủ môn khác, đều muốn giải quyết khó khăn bằng một pha phá bóng an toàn, hơn là tìm kiếm các đồng đội xung quanh.

Và dĩ nhiên, sự khác biệt giữa một thủ môn như Buffon và Neuer là tất cả đều có thể chơi như Buffon, nhưng ai cũng ao ước làm được như Neuer.

Thể Thao & Văn Hóa cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›