(Thethaovanhoa.vn) - Premier League có thể giàu có nhất thế giới, nhưng các đội bóng ở đây vẫn lo sợ cho tương lai của họ trong thời điểm bóng ngừng lăn vì đại dịch Covid-19.
Lợi ích riêng
Mùa giải trước, doanh thu của các đội bóng tại Premier League đạt mức kỷ lục là 4,8 tỷ bảng. Không có gì ngạc nhiên khi giá trị của các CLB tăng lên, còn tiền lương cầu thủ phi mã. Thế nhưng, khi virus corona quét qua thế giới, giờ là lúc các giám đốc điều hành, những ông chủ giàu có và các cầu thủ triệu phú phải gồng mình đối mặt với những tổn thất phát sinh từ việc bóng dừng lăn ở mọi giải đấu.
Hiển nhiên thì Premier League muốn cắt giảm các chi phí. Theo hãng kiểm toán Deloitte, lớn nhất là lương nhân viên, vào khoảng 2,9 tỷ bảng và chiếm 59% tổng doanh thu. Vì thế, ở một số đội bóng, vấn đề đã trở nên trầm trọng. Chủ tịch của Burnley, Mike Garlick, thừa nhận họ sẽ hết tiền vào tháng 8 nếu tình hình kéo dài.
Rắc rối là các cuộc đàm phán về việc cắt giảm lương giữa Premier League, Football League điều hành các hạng dưới, và Hiệp hội Cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp (PFA), công đoàn cầu thủ, đã sa lầy trong sự nghi ngờ giữa các bên.
Theo một nguồn tin thì sự can thiệp của các chính trị gia - Bộ trưởng Y tế Anh là Matt Hancock là một trong số các quan chức kêu gọi giới cầu thủ thể hiện vai trò của họ và chấp nhận giảm lương - đã khiến các cuộc đàm phán trở nên bế tắc. Bởi thay vì đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, cầu thủ giờ tập trung vào việc bảo vệ danh tiếng của họ.
Như đã biết thì Premier League đã kêu gọi các cầu thủ chấp nhận giảm lương trị giá tới 30% thu nhập hằng năm. PFA, dẫn đầu là giám đốc điều hành Gordon Taylor, phản ứng bằng tuyên bố điều đó sẽ khiến Dịch vụ Y tế quốc gia mất 200 triệu bảng tiền thuế. Còn Jordan Henderson, đội trưởng của Liverpool, kêu gọi các cầu thủ của Premier League dành tiền cho các hoạt động từ thiện và về điều này, Premier League lo sợ nhiều đội bóng sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Thực ra thì quan điểm của PFA là không muốn cầu thủ cắt giảm lương, thay vào đó là hoãn thanh toán để hợp đồng của cầu thủ được thực hiện đầy đủ sau mùa giải. Công đoàn cũng đang đòi hỏi có sự hỗ trợ cho các đội bóng ở những hạng thấp hơn, đồng thời yêu cầu công khai thông tin chi tiết về tình hình tài chính của mỗi đội để đánh giá.
Tuy nhiên, do chưa có thỏa thuận nào xuyên suốt giữa Premier League và PFA, các đội bóng như MU và Arsenal đã bắt đầu đàm phán với cầu thủ của họ.
Giải pháp
Premier League không phải là giải đấu duy nhất vật lộn với những khó khăn về tài chính do đại dịch Covid-19. La Liga cho biết họ sẽ mất 150 triệu euro doanh thu từ việc phong tỏa kéo dài và con số này tăng lên 1 tỷ euro nếu mùa giải không thể hoàn thành. Thế nhưng, nếu La Liga không đạt được thỏa thuận cắt giảm lương với công đoàn cầu thủ thì 8 đội bóng, trong đó có Barcelona, đã sử dụng các điều khoản khẩn cấp trong luật địa phương để giảm lương cầu thủ tới 70%. Nói như La Liga thì “chúng tôi phải tồn tại vì tương lai”.
Hay Bayern Munich của Đức cắt giảm 20% lương, còn cầu thủ Juventus tại Italy chấp nhận không lấy lương trong 4 tháng.
Với Premier League, các cuộc đàm phán cắt giảm lương đã được tiến hành từ tháng 3 trước lo ngại mùa giải sẽ không diễn ra những vòng đấu còn lại và Premier League mất 762 triệu bảng doanh thu hay 1,1 tỉ bảng nếu tính doanh thu tiền bán vé.
Hiện giải pháp mà Premier League đưa ra là cắt giảm 10% lương ngay lập tức để bù đắp cho doanh thu những ngày có trận đấu bị mất, và 20% nữa sẽ hoãn lại cho đến cuối năm nay và chỉ được trả nếu các trận đấu được hoàn thành trong sân không có khán giả vào mùa hè này. Ở đây, thi đấu trong sân không có khán giả buộc các đội bóng phải hi sinh doanh thu những ngày có trận đấu nhưng bù lại, cho phép Premier League bảo vệ hợp đồng truyền hình. Xem ra, đây sẽ là giải pháp tối ưu, đặc biệt khi Sky và BT dự kiến sẽ thực hiện các khoản thanh toán tiếp theo của họ cho Premier League vào tháng 7 tới. Còn không thì như Ligue 1 khi các đài truyền hình beIN và Canal + đã tạm dừng thanh toán do giải đấu không được tổ chức.
Mạnh Hào
Tags