(Thethaovanhoa.vn) - Guss Hiddink sẽ không bao giờ thoát ra khỏi cái bóng của chính mình, cái bóng 2002, năm mà ông “đưa” Hàn Quốc vào đến tận bán kết World Cup.
1. Sở dĩ cái chữ “đưa” phải đóng ngoặc lại là bởi sau vụ điều tra ở FIFA gần đây, nhiều thông tin mới được hé lộ ra thêm để củng cố cho nghi vấn đã có những âm mưu để dìu một đội bóng châu Á vào sâu đến thế. Và bởi vậy, quên nhâm sâm đi, quên sự thần kỳ giả tạo nào đó đi, để trả lại cho Hiddink thực tế rằng tầm của ông chỉ đến thế, nhất là dưới tay ông, Hà Lan đã không thể đến Pháp năm sau.
Một HLV tài ba hơn Hiddink nhiều, là Marcello Lippi, người đã từng vô địch cả Champions League lẫn World Cup, giờ đây đang đứng trước tin đồn đàm phán với BGĐ của Lyon để sang Ligue 1 làm việc. Sự kiện đó (nếu có thật) cũng khẳng định thêm rằng một thế hệ HLV đã qua đi, và lạc hậu, và cũ kỹ, và chẳng thể đóng vai trò quyết định gì cho bóng đá thời hiện đại này, khi các cầu thủ đã chơi bóng tốc độ hơn hẳn cũng như triết lý bóng đá đã được nâng cấp rất nhiều với những con người như Pep, Mourinho, Enrique, Simeone và Klopp. Hiddink cũng nằm trong thế hệ đã qua đi ấy, và lần thứ hai làm việc tạm quyền ở Chelsea cho thấy: Ông không còn khiến người ta vững tin rằng ông đủ sức chèo lái một đội bóng lớn ở thời đại này.
2. Khi xuất hiện trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên trên cương vị HLV Chelsea ở lần tạm quyền này, Hiddink lên tiếng phủ nhận “chẳng có bất hòa nào trong nội bộ đội bóng”, thứ lý do mà BGĐ Chelsea đã dùng để công bố việc sa thải Mourinho. Thêm vào đó, Hiddink cũng khẳng định “chẳng có chuyện các cầu thủ chơi bóng bằng khát vọng nghiệp dư”. Hai điều ông nói đó, vô tình thôi, khiến người nghe cảm nhận rằng ông đang công kích thẳng vào người tiền nhiệm của mình, Jose Mourinho.
Khi Hiddink cho người ta cảm giác ông công kích Mourinho trên những “sai lầm” của người tiền nhiệm, điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông đã công kích vào tình cảm bền chặt mà những CĐV Chelsea dành cho Mourinho từ xưa tới nay. Điều đó chắc chắn sẽ khiến các CĐV Chelsea không thể có cảm tình với ông, dù họ biết ông chỉ ở đó 6 tháng mà thôi. Và một khi một HLV không thể giành lấy cảm tình của người hâm mộ, đó sẽ là người HLV khó có thể gắn bó với CLB lâu dài.
“Tôi bắt các cầu thủ tự soi mình vào gương, tự vấn mình về trách nhiệm với đội bóng”, Hiddink rất lý thuyết khi nói ra điều đó, một thứ lý thuyết sáo rỗng. Thực tế, các cầu thủ Chelsea hôm nay chẳng cần soi gương, chẳng cần tự vấn họ vẫn có thể chơi bóng ở phong độ rất cao. Chẳng qua là họ có chịu chơi bóng hay không mà thôi. Mourinho đã bất lực trong thách thức đó. Hiddink thừa biết ông cũng chẳng đủ tầm vóc để vượt qua thách thức như thế nếu có. Mà chẳng nói đâu xa, ở đội tuyển Hà Lan đó thôi, ông đã khiến các danh thủ của mình cảm thấy phải có trách nhiệm với màu cờ sắc áo hay không? Hình như là không.
“Tôi bảo họ, nếu có ai thắc mắc, mời cứ gõ cửa phòng tôi, chúng ta sẽ trao đổi. Nhưng nên nhớ là ngắn gọn thôi nhé”, Hiddink có lẽ đã mạnh miệng quá khi kể lại câu chuyện ấy. Nhưng cũng có khi ông nói thật. Bởi vì nếu không ngắn gọn, nếu cuộc gặp mặt có thể xảy ra ấy kéo dài hơi lâu, chắc ông sẽ phải im lặng bước ra khỏi phòng với tâm trạng đầy xấu hổ vì không thể thuyết phục một ngôi sao Chelsea làm theo ý mình.
3. Tầm vóc của Hiddink chỉ đến thế. Nhận một việc tạm thời trong lúc các thành viên chủ chốt của đội bóng cần thay đổi thì họ mới chơi bóng thực sự; sau đó thuộc lòng những văn vở ở phòng họp báo; ngồi im lặng trên sân quan sát và nhảy lên ăn mừng nếu cầu thủ của mình ghi bàn. Chấm hết. Phần còn lại, đá ra sao, chiến thuật nào, cầu thủ ngôi sao sẽ tự quyết hết.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags