(Thethaovanhoa.vn) - Trong hồ sơ giới thiệu tuyển Anh của tờ Guardian, Rooney được gán cái nhãn “Huyền thoại”. Ở các ĐTQG khác, không có cầu thủ nào được gán hai tiếng ấy cả.
1. Rooney, với người Anh, là một trường hợp đặc biệt. Anh ghi bàn cho đội tuyển nhiều hơn bất kỳ huyền thoại nào khác. Nhưng 13 năm khoác áo tuyển của Rooney cũng là 13 năm đầy tranh cãi. Đó là quãng thời gian Anh không thể đi quá vòng tứ kết ở các kỳ World Cup hay EURO, thậm chí, 8 năm trước, ở Áo – Thụy Sỹ, Anh còn không được đến vòng chung kết. Đó cũng là quãng thời gian mà mỗi lần tập trung ĐTQG cho các giải đấu lớn, nếu không kiệt sức thì cũng rớt phong độ hoặc nhận thẻ đỏ ở những thời điểm rất quan trọng đối với cả đội. Nói chung, người Anh cần 52 bàn thắng Rooney ghi cho đội tuyển nhưng họ có thực sự cần anh cho các VCK hay không thì chưa chắc. Anh luôn cho họ ảo tưởng hi vọng ban đầu và sau đó sụp đổ về sau. Có anh, họ cảm thấy lo lắng và bất ổn thực sự.
Lần gọi tập trung đội tuyển này có thể là cơ hội cuối cùng trong sự nghiệp của Rooney, người từng bị phê phán là nên đến Trung Quốc từ hè 2015. Nhưng thực sự, Hodgson biết mình khó có thể làm nên chuyện nếu trong tay chỉ toàn những cầu thủ trẻ trung, thiếu kinh nghiệm. Bóng đá là trò chơi bằng thể chất, sự khéo léo, cái đầu khôn ngoan và cả tinh thần. Rooney có thể là điểm tựa tinh thần rất lớn cho Tam sư, nhất là khi anh vẫn còn mang băng đội trưởng. Nhưng đặt anh vào vị trí chính thức nào lại là bài toán khó. Ở tất cả các vị trí anh có thể chơi tốt, Hodgson đều có những cá nhân ở phong độ xuất sắc hơn anh.
2. Hodgson thường chơi với sơ đồ 4-3-3 có hoán chuyển từ/thành 4-4-2 với hàng tiền vệ hình kim cương khi cần thiết. Trong sơ đồ ấy, thực sự Rooney chưa bao giờ chơi tốt và khi Harry Kane, Vardy nổi lên, anh trở nên quá lép vế so với họ. Thể chất, Rooney sút kém hẳn so với chính mình, chứ đừng nói đến chuyện cạnh tranh với Kane hay Vardy. Đặc biệt, về tốc độ, cả hai cá nhân kia đều nhanh hơn Rooney rất nhiều. Về kỹ thuật cá nhân, Rooney cũng không thể vượt trội bộ đôi ấy. Có chăng, Rooney chỉ so sánh được với họ một cách ngang tầm ở sự khôn ngoan và tinh thần thi đấu. Nói chung, Rooney đã thắng đàn em chỉ nhờ vào chiếc băng đội trưởng, một nghịch lý đầy mỉa mai và nực cười. Song, có ai lại chơi bóng bằng cái băng tay ấy bao giờ. Nó chỉ là một thứ vô hồn, thể hiện một quyền lực cụ thể của một vị trí cụ thể trong tập thể, không hơn không kém.
Trận thắng BĐN vừa rồi, Hodgson dùng bộ ba Va-Roo-Ka trong sơ đồ 4-4-2, với hai tiền đạo và Vardy và Kane. Rooney xuất phát ở hàng tiền vệ, nhưng anh lại chơi như một số 9 ảo. Song, cái khác của bộ ba Va-Roo-Ka so với bất kỳ bộ ba hiện đại nào hôm nay nằm ở chỗ: trung lộ là đặc quyền riêng của Rooney. Vardy chỉ được chơi ở phạm vi biên trái còn Kane phải gắn chặt ở cánh phải. Hodgson nói “tôi cần tách rời các tiền đạo ra. Chứ để họ cùng di chuyển vào trung lộ, chúng ta sẽ không thể phòng ngự ở không gian hai biên”. Đó là một kiến giải ngụy biện mà ai cũng phải phì cười. Và Liniker, người bênh vực Hodgson trong quyết định gọi lại Rooney, cũng không chịu nổi mà viết trên twitter “Nếu có dùng Kane và Vardy, làm ơn đưa họ vào trung lộ”.3. Hodgson và người Anh thực chất đã cấp cho Rooney một đặc quyền quá lớn, nhờ vào chiếc băng đội trưởng của anh. Và bản thân Rooney, anh cũng nhận lấy cái đặc quyền ấy quá thản nhiên. Nếu anh chịu hi sinh mình, chấp nhận thẳng thắn nói chuyện với Hodgson rằng “hãy cho tôi chơi tiền vệ trung tâm đúng nghĩa, tôi sẽ chơi tốt hơn Milner” hoặc “hãy cứ để tôi dự bị. Tôi sẽ phát huy tốt khi được tung vào sân lúc cần giải quyết bế tắc” thì có lẽ tuyển Anh sẽ vận hành trơn tru hơn nhiều. Nhưng Rooney không xác định được mọi việc rõ ràng đến thế. Có lẽ, anh hiểu là mình chưa quen đá tiền vệ trung tâm như người ta cứ đồn thổi thế. Hoặc cũng có thể, anh tin rằng nếu mình ngồi dự bị, tuyển Anh sẽ chẳng bao giờ bế tắc với Kane hoặc Vardy là mũi nhọn hàng công…
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags