Vì sao Thế hệ vàng của tuyển Anh thất bại?

Thứ Sáu, 20/11/2020 06:33 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Đội tuyển Anh đã vô địch FIFA World Cup năm 1966 và đã cố gắng tái tạo chiến tích tuyệt vời đó trong vài thập kỷ qua, nhưng điều đó không xảy ra. Khoảng thời gian từ năm 2001 đến 2010 là lúc các cổ động viên tin rằng đội bóng có thể chấm dứt cơn khát danh hiệu.

Ngoại hạng Anh oằn mình trong bão chấn thương và dịch bệnh

Ngoại hạng Anh oằn mình trong bão chấn thương và dịch bệnh

103 ca chấn thương xuất hiện sau 8 vòng đấu đầu tiên, cộng hưởng với sự lây lan của dịch Covid-19, nhiều đội bóng ở giải bóng đá Ngoại hạng Anh đang oằn mình trong cơn bão của nạn chấn thương và dịch bệnh.

Trong giai đoạn này, đội tuyển Anh có rất nhiều ngôi sao đẳng cấp thế giới đang thi đấu cực kỳ xuất sắc ở Premier League và Champions League.

Đây là thời kỳ mà các đội Anh thống trị châu Âu. Liverpool, MU, Arsenal và Chelsea đã tạo thành bốn ông lớn ở Anh. Các cầu thủ của họ cũng đã góp mặt phần lớn đội tuyển Anh trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, mọi thứ đã không diễn ra suôn sẻ. Thế hệ Vàng không thể đạt được những điều mà họ đã cố gắng đạt được dù có chất lượng và tài năng. Tại sao?

Kỳ vọng càng lớn càng dễ thất bại

Khi nòng cốt của đội tuyển Anh được thành lập, nhiều người nghĩ rằng đây là những cầu thủ sẽ mang về vinh quang cho quê hương của bóng đá. Những ngôi sao như Beckham, Gerrard, Lampard và Rooney đã nhận được sự ủng hộ to lớn và kỳ vọng sẽ làm nên chuyện ở các giải đấu lớn.

Tuy nhiên, sự quan tâm quá mức của giới truyền thông Anh đã ảnh hưởng đến phong độ của các tuyển thủ. Sự thổi phồng mà truyền thông Anh dành cho Tam sư đi đôi với sự chỉ trích mà đội tuyển nhận được sau một giải đấu không thành công.

Sức nặng từ sự kỳ vọng của cả một quốc gia và rất nhiều người hâm mộ là quá nặng nề đối với ngay cả những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Họ cảm thấy bị áp lực và không an toàn từ chính truyền thông nước nhà. Rất khó để đá tốt khi viễn cảnh bị người hâm mộ quay lưng lúc nào cũng lởn vởn trong đầu. Đội tuyển Anh luôn thi đấu xuất sắc ở vòng loại nhưng lại gây thất vọng ở đấu trường lớn.

Bằng chứng lớn nhất của điều này là FIFA World Cup 2010. Rooney đã có một chiến dịch vòng loại xuất sắc, nơi anh là một trong những chân sút hàng đầu, nhưng tiền đạo của MU lại không ghi được bàn nào ở Nam Phi.

Chú thích ảnh
Thế hệ vàng của Anh chưa bao giờ vượt quá tứ kết một giải đấu lớn

Đen đủi ở loạt luân lưu

Đá luân lưu là một trò xổ số may rủi, kết hợp giữa sự bình tĩnh và kinh nghiệm. Đây là gót chân Achilles của nước Anh trong quá khứ. Đúng vào thời đỉnh cao của kỷ nguyên Thế hệ vàng, họ đã bị loại khỏi 2 giải đấu liên tiếp ở tứ kết trước Bồ Đào Nha. Cả hai đều xảy ra trên loạt đá luân lưu may rủi.

EURO 2004 chứng kiến ​​Beckham đá hỏng một vài quả phạt đền trong trận đấu với Pháp và Bồ Đào Nha. Trận hòa 2-2 căng thẳng trước đội chủ nhà BĐN đã tạo ra một màn trình diễn quả cảm từ Tam sư, nhưng một số quả penalty kém cỏi đã phá hỏng giấc mơ của họ. Lịch sử lặp lại hai năm sau đó, khi những quả phạt đền thậm chí còn tệ hại hơn khiến tuyển Anh bị tổn thương. Gerrard, Lampard và những người còn lại không gặp khó khăn gì trong việc vượt lên trong các tình huống có áp lực cao với câu lạc bộ của họ. Danh sách các danh hiệu CLB giành được của tất cả các cầu thủ trong đội cho thấy rằng họ có thể vượt qua áp lực. Tuy nhiên, một lần nữa may mắn lại nghiêng về phía người Bồ Đào Nha. Rooney đã bị đuổi khỏi sân trong thời gian thi đấu chính thức ở trận tứ kết, điều này đặt ra câu hỏi liệu Anh có thể giải quyết trận đấu trước khi xảy ra thảm họa đá phạt đền hay không.

Không tìm được HLV phù hợp

Eriksson trở thành huấn luyện viên đội tuyển Anh vào năm 2002 và dẫn dắt Tam sư vào đến tứ kết World Cup năm đó. Tuy nhiên, đây vẫn là thành tích đáng thất vọng nếu xét tới đội ngũ mà HLV này có trong tay. Eriksson không được đánh giá cao vì cách tiếp cận thận trọng và không truyền được cảm hứng cho các cầu thủ của mình từ đường biên.

HLV người Thụy Điển đã ra đi sau lần thứ ba liên tiếp bị loại ở tứ kết một giải đấu lớn năm 2006. Nhưng điều xảy ra tiếp theo mới là thảm họa. McClaren được giao nhiệm vụ đảm bảo rằng đội tuyển Anh sẽ đủ điều kiện tham dự EURO 2008. Với phần lớn các cầu thủ xuất sắc nhất của đội tuyển Anh sắp bước vào những năm tháng đỉnh cao như Gerrard, Ferdinand và Lampard, họ biết rằng đây sẽ là cơ hội tốt nhất của Thế hệ vàng.

Nhưng họ đã không thể vượt qua vòng loại giải đấu sau thất bại 2-3 trước Croatia. Một đội bóng với những cầu thủ tuyệt vời như vậy sẽ có thể vượt qua vòng loại mà không gặp bất kỳ vấn đề gì, nhưng Anh thì không. Tam sư đã ổn định phần nào khi Capello đến và dẫn dắt đội tuyển đến với World Cup 2010. Một lần nữa, khi kỳ vọng quá cao, Anh lại không thể làm nên chuyện. Một lý do rõ ràng khiến Thế hệ vàng thất bại là do thiếu một HLV có khả năng làm hài hòa những cái tôi quá lớn trong đội.

Chú thích ảnh
Sự hào hùng của những chức vô địch Champions League của bóng đá Anh không truyền được cảm hứng chiến thắng cho đội tuyển Anh

Những cái tôi quá lớn

Một đội hình tràn ngập những cầu thủ đẳng cấp thế giới rõ ràng sẽ có vấn đề. Có nhiều cầu thủ có thể đá chính cho cùng một vị trí ở đội tuyển Anh. Việc thiếu một đội hình xuất phát rõ ràng và dứt khoát đã khiến Tam Sư bị tổn thương. Terry, Rio Ferdinand, Carragher và Campbell đều đang thi đấu cực tốt cho các câu lạc bộ của họ, nhưng chỉ có hai người trong số họ được đá chính. Hàng tiền vệ của Anh cũng tương tự, với Beckham, Gerrard, Lampard và Scholes trong đó. Scholes đã nghỉ thi đấu quốc tế sớm vì anh không thể lọt vào hàng tiền vệ của đội tuyển Anh vốn do Gerrard và Lampard chiếm giữ. Tuy nhiên, Gerrard và Lampard không thể kết hợp tốt với nhau như một bộ đôi ăn ý. Ngay cả với những cầu thủ giỏi nhất, vẫn phải có một chất xúc tác cho họ nếu không sẽ không có hiệu quả.

Một vấn đề khác là sự hòa nhập của dòng máu trẻ vào một đội bóng với những tên tuổi lớn. Những cầu thủ như Wright-Philips, Lennon và Walcott đã phải vật lộn để được gia nhập đội trong những năm đó. Chỉ sau khi Beckham, Lampard và những người khác giải nghệ, họ mới có một vài lần ra sân.

Sự kình địch ở cấp CLB

Những cái tôi quá lớn này có thể bắt nguồn từ yếu tố lớn nhất dẫn đến sự thất bại của Thế hệ vàng. Các cầu thủ không bao giờ thực sự ưu tiên đội tuyển trong các trận chiến căng thẳng của họ trong Top 4 của nước Anh. Họ đã khắc cốt ghi tâm với các câu lạc bộ của mình đến nỗi luôn luôn có cảm giác có sự khác biệt lớn và thiếu thống nhất trong nội bộ đội tuyển Anh.

Các cầu thủ Liverpool, Chelsea và MU sẽ ngồi riêng và gắn kết với nhóm của họ thay vì hòa nhập như một nhóm. Họ quá cạnh tranh ở cấp độ CLB nên không tạo ra bất kỳ loại liên kết nào với các đối thủ của họ khi lên tuyển.

Điều này càng rõ ràng hơn sau năm 2004 khi Liverpool cuối cùng đã khẳng định mình là một thế lực ở châu Âu. Mỗi năm, ngoại trừ 2010, từ năm 2005 đến năm 2012 chứng kiến ​​ít nhất một đội bóng Anh lọt vào trận chung kết Champions League. Liverpool, MU và Chelsea đều thường xuyên vào bán kết giải đấu số 1 châu Âu, nhưng phong độ tuyệt vời đó không thể chuyển sang đội tuyển Anh.

Đây là vấn đề kỳ lạ vào thời điểm đó, vì sự cạnh tranh gay gắt ở CLB dường như không ảnh hưởng đến các đội khác. Ý vô địch World Cup cùng năm mà Juventus xuống hạng vì dàn xếp tỷ số. Tây Ban Nha đã có thời kỳ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá của họ từ năm 2008 đến năm 2012, với ít nhất 80% đội bao gồm các cầu thủ từ Real Madrid và Barcelona.

Vũ Mạnh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›