Annette Herfkens và bản năng của một người mẹ

Thứ Bảy, 16/08/2014 07:31 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua, Annette Herfkens - tác giả của cuốn hồi ký 192 hours – Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh - có cuộc giao lưu trực tuyến với độc giả Việt Nam.  Người ta thấy còn một góc khuất khác đáng trân quý nơi người phụ nữ này- cách bà dạy dỗ những đứa con bé bỏng của mình, trong đó có cậu con trai mắc bệnh tự kỷ. Hành trình giúp cậu dần trở nên bình thường cũng là một chiến tích thực sự của người phụ nữ Hà Lan.

1. Bốn năm sau vụ tai nạn khủng khiếp, Annette Herfkens kết hôn với một đồng nghiệp tên Jaime và có cô con gái nhỏ Joosje năm 1997. Hai năm sau, bà có thêm một bé trai, tên thường gọi là Maxi. Khi được 2 tuổi, Maxi bị mắc chứng PDD (tức là Hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa), hay nói một cách dễ hiểu hơn là Maxi mắc chứng tự kỷ. “Trống rỗng, tôi thấy như có một bàn tay giá lạnh sờ đầu mình. Tương lai của Maxi đã tuột khỏi tay hai vợ chồng tôi rồi sao?”, Annette viết trong cuốn hồi ký. Bệnh tình của Maxi ngày càng trầm trọng, mặc dù Annette đã dùng mọi cách để chữa trị, từ dùng các phương pháp trị liệu đến học ở một trường dự bị mầm non cho trẻ tự kỷ. Càng lớn, Maxi không thể biết rẽ trái dù học cả mấy tháng trời, nửa đêm thức dậy bật đèn khắp nhà và vặn ti-vi với âm lượng to nhất với lý do “ban ngày mà”.


Annette (trái) và con gái thăm lại Khánh Sơn - nơi xảy ra tai nạn máy bay 22 năm trước

“Khuất tầm mắt tôi chừng một chút, Maxi sẽ làm mọi chuyện rối tung lên, khi thì đập trứng vào giày hay nhúng đồng hồ của tôi vào bồn cầu…”, Annette chia sẻ. Cuộc sống của Annette thực sự khó khăn nhưng Annette vẫn không nản lòng, vẫn không ngừng yêu thương Maxi, vẫn tiếp tục “suy ngẫm và hy vọng”. “Với tôi, cuộc sống là đương đầu với những điều đang tồn tại…Mọi điều bất hạnh đều có thể xảy ra…Nhưng tôi không để Maxi thua cuộc hay từ bỏ hy vọng. Tôi đã làm hết mức có thể, và tôi sẽ làm nhiều hơn nếu cần”.

Những cố gắng của Annette đã được đền đáp, bệnh tình của Maxi đã thuyên giảm rất nhiều. “Thằng bé cũng học được nhiều thứ, từ việc lắng nghe, trượt băng, đi xe đạp, không giành đồ ăn hay ăn bậy bạ. Và cuối cùng, con trai tôi cũng học được cách xếp hàng và rẽ trái.”

Trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả sáng ngày 15/8, bà Annette Herfkens đã chia sẻ kinh nghiệm với một độc giả cũng có con bị mắc chứng tự kỷ: “Trước hết, chúng ta phải thừa nhận con mình bị tự kỷ chứ không trốn tránh thực tại. Và phải biết rằng đây là một khuyết tật của trẻ chứ không phải là một bệnh gì ghê gớm. Và khi đã thừa nhận con mắc bệnh tự kỷ, các bà mẹ nên liên kết thành một cộng đồng để chiến đấu, giành quyền cho con mình. Tất cả phải nhờ vào hoạt động nhóm, tôi mới giúp cho con tôi được như bây giờ”. Với tình yêu thương bao la, với niềm tin mãnh liệt và những cố gắng không mệt mỏi, Annette đã giúp cho Maxi hòa nhập được với cuộc sống. Với bà, đó là chiến thắng lớn nhất của cuộc đời bà chứ không phải là chiến thắng số mệnh sau 8 ngày ở Ô Kha.

2. Câu chuyện của cô con gái Joosje thì theo một hướng khác hơn. Joosje xinh xắn, thông minh, là người biên tập cuốn sách của Annette Herfkens. Bà cố gắng định hướng cho Joosje nhìn cuộc sống một cách nhân văn, lạc quan. Khi dẫn cô con gái bé nhỏ của mình ra bờ suối ở thôn Mò O, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, chỉ về nơi thung lũng Ô Kha cách đó 6 tiếng đường rừng, bà Annette ôm chặt Joosje vào lòng và nói: “Núi rừng nơi này đã cứu sống mẹ trong 8 ngày khó khăn ấy. Những con người ở đây đã cứu sống mẹ bằng tất cả những gì họ có. Họ chính là đấng cứu thế của mẹ con chúng ta, vì nếu ngày ấy họ không cứu được mẹ, sẽ không có con ngày hôm nay. Vì thế họ là người thân của chúng ta, nơi đây là nhà của chúng ta”. Chính những lời nói như thế, những hành động như thế đã gieo mầm nhân ái trong Joosje.

Trong cuộc giao lưu trực tuyến sáng 15/8, có một độc giả đã hỏi bà Annette “Trong một câu nói trước báo chí, bà đã nói: "Bà xem thung lũng Ô Kha là nơi sinh ra lần thứ 2". Vậy liệu chúng tôi có thể hiểu Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung là quê hương thứ hai của bà được không? Joosje đã trả lời thay mẹ mình: “Tôi xin phép trả lời thay mẹ mình câu hỏi này. Mẹ tôi nói rằng “có lẽ”. Còn tôi thì cảm giác đó mạnh hơn. Bởi vì tôi từng nói tôi xem núi rừng Ô Kha như “ông bà” của mình, vì nơi đây mà mẹ tôi đã tái sinh. Do vậy, nếu hỏi tôi có xem VN là quê hương thứ hai của mình không, tôi sẽ trả lời là có”. Một câu trả lời rất nhân văn, nghĩa tình.

Người Việt chúng ta có câu “Phúc đức tại mẫu”, chính cách sống bản lĩnh, lạc quan, không oán trách cuộc đời mặc dù cuộc đời đôi lúc đẩy Annette vào những nghịch cảnh tuyệt vọng, đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành tính cách của Joosje và Maxi. Cách dạy 2 người con của Annette rất khác nhau, nhưng qua đó có thể thấy phẩm chất của người phụ nữ này, mạnh mẽ, kiên quyết, bản lĩnh nhưng cũng vô cùng nhân hậu. Điều đó khiến cho Annette càng có sức hút đặc biệt, không chỉ là câu chuyện bà đã đấu tranh để giành giật sự sống ở Ô Kha năm nào.

Thanh Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›