(Thethaovanhoa.vn) - Tròn 70 tuổi hôm 2/10 vừa qua, sau hơn 5 thập kỷ cầm máy, nữ nhiếp ảnh gia người Mỹ Annie Leibovitz là cái tên gắn kèm với hàng loạt bức ảnh đã đi vào lịch sử.
Hồi đầu năm, Leibovitz đã chọn ra 4.000 bức ảnh bà chụp từ năm 1970 đến năm 1983 để tổ chức cuộc triển lãm Annie Leibovitz, the Early Years, 1970 - 1983: Archive Project No. 1 tại ở Los Angeles. Bà kể về thời điểm bắt đầu sự nghiệp của mình: “Đó là năm 1967, 1968, tại San Francisco. Tôi đã mua một chiếc máy ảnh và bắt đầu chụp vài bức”.
Khởi nghiệp từ chân dung John Lennon
Sinh năm 1949 ở Waterbury, bang Connecticut, Leibovitz đã theo học nghiên cứu hội họa tại Viện Nghệ thuật San Francisco. Nhưng phải đến khi đi du lịch Nhật Bản cùng mẹ, cô sinh viên năm thứ 2 đại học lúc ấy mới bắt đầu quan tâm tới việc chụp ảnh.
Khi trở về San Francisco mùa Thu năm đó, Leibovitz bắt đầu tham gia các lớp học tối về nhiếp ảnh. Thời gian “tác nghiệp” tại một khu định cư ở Israel đã giúp Leibovitz mài giũa thêm kỹ năng chụp ảnh của mình.
Năm 1970, Leibovitz tiếp cận Jann Wenner, chủ bút sáng lập của Rolling Stone. “Tôi mang nhiều bức ảnh vừa chụp từ một cuộc biểu tình phản chiến tới đây. Bạn trai đi cùng nhưng lại đã bỏ rơi tôi ở văn phòng tạp chí, do vậy tôi vô cùng lo lắng. Nhưng các phụ trách của tạp chí thích những bức ảnh đó và dùng ngay lập tức” - Leibovitz kể.
Ấn tượng với những bức ảnh của Leibovitz, ông Wenner đã giao cho tay máy trẻ này công việc đầu tiên: Chụp ảnh John Lennon. Bức chân dung đen trắng chụp thành viên The Beatles râu ria bờm xờm của Leibovitz đã được đăng trên trang bìa tạp chí ra ngày 21/1/1971. Hai năm sau, Leibovitz trở thành phóng viên chính của Rolling Stone.
Năm 1974, khi Rolling Stone bắt đầu in màu, Leibovitz đã phải làm quen với cách chụp phim màu để thích hợp với công việc. “Khi ở trường, tôi không hề được dạy về ánh sáng mà chỉ được dạy chụp đen trắng” - Leibovitz nói với ARTnews hồi năm 1992 - “Bởi vậy tôi phải tự học chụp phim màu”.
Những bức ảnh xuất sắc trong 5 thập kỷ
Trong số những đề tài Leibovitz chụp thời điểm đó có các ngôi sao Bob Dylan, Bob Marley và Patti Smith. Leibovitz còn là nhiếp ảnh gia chính thức trong tour diễn của ban nhạc rock Anh huyền thoại Rolling Stones hồi năm 1975. Trong thời gian “rong ruổi” cùng ban nhạc, Leibovitz đã cho ra đời những bức ảnh chân dung đen trắng biểu tượng chụp các thành viên Keith Richards và Mick Jagger cởi trần, trông đầy gai góc.
Sự nghiệp cầm máy đã giúp Leibovitz tiếp cận được tới những nghệ sĩ, cây bút nổi tiếng nhất, với những thay đổi chính trị của thập kỷ và đưa bà tới West Coast (Bờ Tây nước Mỹ), nơi người dân, phong cảnh và văn hóa California đã định hình nên con đường sự nghiệp của nhiếp ảnh gia. Ở đó, Leibovitz đã tìm thấy phong cách đặc trưng mà sau này đã trở thành thương hiệu của bà trong những bức ảnh chân dung người nổi tiếng cực kỳ mơ mộng và quyến rũ.
Năm 1978, Leibovitz chuyển tới New York City và nhanh chóng làm việc cho các tờ Vanity Fair và Vogue. Tại tờ Vanity Fair, Leibovitz nổi tiếng với những bức ảnh chân dung gây tranh cãi chụp các ngôi sao giải trí, trong đó gây nhiều bàn tán nhất là hình ảnh nữ diễn viên da màu Whoopi Goldberg ngập mình trong một bồn sữa, còn ngôi sao phim Oan hồn (Ghost) Demi Moore khỏa thân và tay giữ bụng bầu. Bức ảnh này cũng được chọn là ảnh bìa tạp chí đẹp thứ 2 trong 40 năm qua.
Năm 1980, Rolling Stone đã cử Leibovitz đi chụp ảnh vợ chồng John Lennon và Yoko Ono khi họ vừa phát hành album Double Fantasy. Leibovitz muốn chụp bức chân dung của cặp đôi này trong tư thế khỏa thân. Tuy nhiên, Lennon sẵn sàng cởi bỏ hết nhưng Ono không chịu cởi quần. Leibovitz thấy thất vọng và đã nói với Ono cứ mặc quần áo. Kết quả là Leibovitz đã có bức chân dung Lennon khỏa thân và cuộn tròn quanh Ono quần áo đầy đủ.
Vài giờ sau, Lennon bị bắn chết trước căn hộ của mình. Bức ảnh đã được đăng trên trang bìa Rolling Stone để tưởng nhớ Lennon. Năm 2005, Hiệp hội các nhà biên tập Tạp chí Mỹ đánh giá hình ảnh này là trang bìa tạp chí đẹp nhất trong 40 năm qua.
Sau đó, Leibovitz còn chụp ảnh chân dung nhiều nhân vật nổi tiếng khác, từ nam tài tử Brad Pitt tới vũ công kiêm biên đạo Mỹ gốc Nga Mikhail Baryshnikov, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng Ellen DeGeneres, Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright và Tổng thống Bill Clinton…
“Nhiều người đã hỏi bức ảnh yêu thích nhất của tôi là tác phẩm nào? Trong những năm qua, điều mà tôi thích nhất đó là khối lượng công việc và cảm hứng từ nó” - Leibovitz chia sẻ.
Nhìn lại 5 thập kỷ cầm máy, Leibovitz nói thêm: “Tôi cảm thấy đã làm được những gì tốt nhất trong cuộc đời mình. Tôi chẳng hề sợ mình già đi. Ở tuổi này, nếu tiếp tục được làm những gì mình yêu thích, bạn vẫn sẽ thấy phấn khích và thỏa mãn”.
Năm 1991, Leibovitz trở thành người phụ nữ đầu tiên tổ chức triển lãm tại Phòng Trưng bày Chân dung Quốc gia Washington. Bà còn là nhiếp ảnh gia Mỹ đầu tiên chụp chân dung chính thức Nữ hoàng Elizabeth II. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags