(Thethaovanhoa.vn) - Anh mang tiếng ăn chơi đàng điếm, tăng cân nhanh, và lang chạ với đủ loại phụ nữ. Đồ ăn và tình dục là những kẻ thù của Antonio Cassano, một cầu thủ đáng lẽ trở thành tài năng lớn của bóng đá Ý.
Đó là một buổi tối tháng 12 ẩm ướt ở sân San Nicola vào năm 1999 khi FC Bari đón tiếp Inter Milan ở Serie A. Inter là đội được đánh giá cao hơn hẳn trong trận này khi đội chủ nhà đang gặp rất nhiều rắc rối. Cả hai tiền đạo đá chính của Bari đều vắng mặt vì chấn thương. Cơ hội được trao cho 2 chân sút trẻ còn khá vô danh, một người Nigeria, Hugo Enyinnaya, và một chú nhóc người địa phương tên là Antonio Cassano.
Phút 87, khi tỉ số đang là 1-1, một đường chuyền dài từ Simone Perrotta tới được chỗ của Cassano ở khoảng trống bên cánh trái. Với pha chạm bóng bước một mê hoặc bằng gót chân, anh di chuyển dễ dàng vào khoảng trống, đi bóng khéo léo qua Laurent Blanc và Christian Panucci rồi ngoặt vào trong vòng cấm địa, trước khi trầm tĩnh sút tung lưới ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 nổi tiếng cho “i Galletti”.
Khi bóng đã nằm trong lưới, Cassano ăn mừng như điên dại. Tràn ngập trong cảm xúc và lòng tự hào, anh nhảy qua bảng quảng cáo và lao dọc theo đường chạy ngoài sân, tay vung cao trước các CĐV nhà. Đó là một khoảnh khắc sẽ định nghĩa sự nghiệp chuyên nghiệp của Cassano, một cầu thủ với những giây phút chợt bùng sáng của khát khao che mờ mọi điều khác anh làm trên sân.
Clip bàn thắng của Cassano vào lưới Inter:
Nổi lên từ đội trẻ Bari, Cassano đã phải tranh đấu rất nhiều để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Một mình mẹ nuôi anh lớn, bà phải làm hai việc một lúc để nuôi sống gia đình ở một trong những khu nghèo khó nhất tại Bari. Cha anh bỏ rơi họ khi Cassano còn trong nôi và bóng đá trở thành vị cứu tinh với chàng trai trẻ người Italy vốn trưởng thành từ những sân bóng đường phố.
Hiếm khi tới trường và thường xuyên gặp rắc rối với pháp luật, Cassano đã mang tất cả tính cách nổi loạn và hoang dã của mình vào sân bóng. Nếu như năng lực bóng đá của anh không được các tuyển trạch viên Bari phát hiện ra, thì cuộc đời anh đã rẽ theo một con đường khác, như anh kể rõ trong tự truyện in năm 2010, Dico Tutto (tạm dịch: Tôi sẽ kể tất cả):
“Nếu không có trận gặp Inter, tôi đã trở thành một tên cướp, hay còn tệ hơn nữa; dẫu thế nào thì cũng sẽ là một tên tội phạm. Rất nhiều người tôi quen biết sống cuộc đời đó. Trận đấu đó giúp tôi thể hiện tài năng của mình, và đưa tôi cất cánh thoát khỏi một tương lai u ám”.
Antonio Cassano ra mắt Serie A năm 17 tuổi và nhanh chóng được đặt cho biệt danh “Il Gioiello di Bari Vecchia”, hay “Viên ngọc của khu Bari cũ”. Anh là tài sản giá trị nhất của đội bóng, một cầu thủ trẻ, tự đào tạo được thiên phú cho nhãn quan chiến thuật, kỹ thuật, và con mắt tìm thấy bàn thắng. Việc chuyển sang một đội bóng lớn hơn ở Italy tưởng như là điều tất nhiên.
Fabio Capello là người đầu tiên trao cơ hội đó cho Cassano khi đưa tiền đạo này, lúc đó 19 tuổi, về AS Roma năm 2001 với mức phí chuyển nhượng 30 triệu euro, một kỷ lục thế giới với các cầu thủ dưới 20 tuổi ở thời điểm đó. Ảnh hưởng của anh ở thủ đô Italy không phải là ngay lập tức. Cassano chỉ ghi được 6 bàn trong 30 trận mùa đầu tiên. Mùa thứ hai và ba của anh ở Roma hiệu quả hơn nhiều và anh bắt đầu cho thấy những khoảnh khắc lóe sáng như khi anh hành hạ các hậu vệ đẳng cấp thế giới như Blanc và Panucci.
Totti và Cassano là một cặp ăn ý ở Roma
Những tài năng một thời của Roma đỉnh cao...
Cassano sau đó phát triển một mối quan hệ đối tác cực kỳ lợi hại với đội trưởng CLB Francesco Totti. Khả năng kết nối, chuyền bóng, di chuyển không bóng và cảm nhận vị trí của nhau của họ như thể có thần giao cách cảm, đã nhiều lần khiến các khán đài của sân Olimpico nổ tung. Bộ đôi này là lý do chính giúp Roma về nhì sau AC Milan trong một chiến dịch đáng nhớ 2003-04, khi họ ghi được cả thảy 34 bàn thắng.
Bất chấp phong độ tuyệt vời với Roma, mối quan hệ đối tác Cassano và Totti đã không có cơ hội được thể hiện ở sân chơi các ĐTQG. Dù Giovanni Trapattoni đã triệu tập cả hai vào ĐT Italy, chỉ Totti được đá chính trận đầu tại Euro 2004. Nếu không có khoảnh khắc điên rồ của Totti ở trận mở màn giải đấu của Italy gặp Đan Mạch, Cassano có lẽ không bao giờ có cơ hội tỏa sáng ở Euro 2004. UEFA cấm Totti 3 trận sau khi xem lại băng ghi hình và xác nhận tiền đạo này đã nhổ nước bọt vào tiền vệ Đan Mạch Christian Poulsen, đồng nghĩa với việc anh sẽ vắng mặt toàn bộ phần còn lại của chiến dịch.
Cassano được đá chính trong 2 trận tiếp theo của Trapattoni, Dù ghi bàn trong trận hòa 1-1 với Thụy Điển và chiến thắng 2-1 trước Bulgaria (anh cũng được bình chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất trận này), Cassano không ngăn được việc Italy bị loại khỏi giải đấu khi Thụy Điển và Đan Mạch hòa 2-2 trong trận đấu bị nghi ngờ bậc nhất lịch sử EURO. Khoảnh khắc anh chạy ra đường biên ăn mừng bàn thắng rồi vỡ òa khóc vẫn mãi ám ảnh những người yêu mến Thiên thanh.
Cassano khóc òa ở EURO 2004, một khoảnh khắc đầy ám ảnh
Giải đấu đó được trông đợi là đường băng để sự nghiệp của anh cất cánh: đạt phong độ cao ở CLB và đã có tiếng nói vững chắc ở ĐTQG. Nhưng bởi tính cách của anh, cơ hội để Cassano trở thành người hùng của Italy đã bị phá tan. Thất thường và nóng nảy, Cassano nổi tiếng với việc gây sự cùng HLV hay gây chuyện bên ngoài sân. Lượt về trận chung kết Cúp Quốc gia Italy năm 2003 trước AC Milan chẳng hạn, anh đã nhận thẻ đỏ và gây tranh cãi khi làm một cử chỉ tục tĩu với trọng tài lúc rời sân.
4 HLV nối nhau đến và đi sau khi Capello rời Roma năm 2004 và Luciano Spalletti tiếp tục công việc những người tiền nhiệm bỏ lại: tìm ra sự hòa hợp với Cassano, điều cực kỳ khó khăn. “Ở đây ông không huấn luyện những cầu thủ vô dụng như ở Udinese”, Cassano nói về HLV mới. “Đây không phải nhà ông. Đây là nhà tôi”.
Spaletti bị coi thường gần như là chuyện đương nhiên, bởi ngay chính Capello cũng đã nhiều lần bị Cassano lăng mạ khi họ còn ở Roma. HLV duy nhất mà Cassano không gây sự trong cả sự nghiệp của anh là Eugenio Fascetti, người đã đưa anh lên đội 1 ở Bari.
Với việc hợp đồng cùng Roma sẽ hết hạn vào mùa hè 2006, Cassano muốn một thỏa thuận mới béo bở hơn. Tranh cãi nổ ra vào nửa đầu mùa giải 2005-06, và Cassano bị đẩy lên ghế dự bị. Mối hận thù giữa anh và Spaletti đồng nghĩa Cassano tiếp tục thất sủng và ngay cả chủ tịch CLB, Rosella Sensi, cũng đã chỉ trích hành vi của anh. Sau khi Cassano lên tiếng công khai về đòi hỏi lương bỏng, Sensi nói: “Anh ta là một kẻ dối trá và các luật sư của chúng tôi đang đánh giá những bình luận đó. Anh ta không hề lùi hai bước. Anh ta chưa bao giờ làm thế và thật ra, chúng tôi vẫn còn đang thương lượng, nên anh ta lẽ ra không được lên báo tuyên bố vung vít như thế. Chúng tôi đã rất kiên nhẫn, nhưng anh ta không coi trọng đề nghị của chúng tôi. Cassano đã có tất cả thời gian anh ấy cần, và những hồi đáp của anh ấy chỉ là những lời dối trá”.
Khiến tình hình thêm trầm trọng, mối liên hệ Totti-Cassano cũng đổ vỡ. Hai người họ từng là cặp đôi lợi hại và đẹp mắt nhất ở Serie, nhưng mọi chuyện xấu đi sau khi họ cùng xuất hiện trên một chương trình truyền hình với vai trò khách mời cho Maria De Filippi. Cassano không hài lòng vì đội trưởng của Roma nhận được 80% khoản thù lao cho chương trình đó, chuyện tiền bạc không quan trọng, nhưng vấn đề là Cassano thấy mất mặt.
Xung đột giữa cầu thủ, CLB và các đồng đội của anh khiến khả năng gia hạn hợp đồng là không thể. Roma quyết định cắt lỗ trước khi để mất Cassano mà không thu được đồng nào vào mùa Hè và chấp nhận đề nghị 5 triệu bảng đưa Cassano tới Real Madrid tháng 1/2006.
Đó là một thương vụ trong mơ với bất cứ cầu thủ nào. Cassano có cơ hội chơi bên cạnh những huyền thoại như Zinedine Zidane, Raul, và David Beckham. Tuy nhiên, khoảng thời gian ngắn ngủi của anh ở Los Blancos lại bị phủ bóng đen bởi tranh cãi. Anh là cầu thủ Italy thứ hai chơi cho gã khổng lồ Tây Ban Nha sau Panucci và dù ghi bàn chỉ 3 phút sau khi ra mắt ở Cúp Nhà vua gặp Real Betis, Cassano không được ra sân đủ nhiều.
Phát phì lúc ở Real Madrid
Anh cũng bắt đầu mang tiếng ăn chơi đàng điếm ở thủ đô TBN, tăng cân nhanh, và lang chạ với đủ loại phụ nữ. Đồ ăn và tình dục là những kẻ thù của Cassano. Trong tự truyện của anh, tiền đạo này tuyên bố đã qua đêm với 600-700 phụ nữ và nhiều lần trong số đó diễn ra ngay trước trận đấu.
“Ở Madrid tôi có một người bạn là bồi phòng khách sạn. Việc của anh ta là mang cho tôi 3-4 món ăn sau khi tôi ngủ với một phụ nữ. Anh ta sẽ mang đồ ăn lên lầu, tôi sẽ trao đổi cô gái với anh ta: anh ta có cô gái, tôi có đồ ăn. Tình dục và đồ ăn, một buổi tối tuyệt vời”.
Anh không ngần ngại thừa nhận những gì mình đã làm. “Khi bạn 20 tuổi, bạn thích con gái và muốn quan hệ mỗi ngày”, Cassano nói. “Tôi đã có cơ hội đó. Nếu tôi mà làm một việc khác không phải cầu thủ, thì sẽ chẳng có cô gái nào thèm nhòm ngó tới tôi, ngay cả mẹ tôi, tôi là người tốt, nhưng không đẹp trai. Kỷ niệm đẹp nhất của tôi có lẽ là buổi tối trước chiến thắng 4-0 trước Juventus. Tôi đã đánh cắp chìa khóa sân tập của Roma và ở liền trong đó tới tận 6 giờ sáng. Đó cũng là buổi tối tôi chơi bóng hay nhất, giành về cho đội nhà một quả phạt đền và ghi 2 bàn”.
Đam mê với đồ ăn của anh thậm chí còn lớn hơn. “Khi tôi ăn mì Ý, bánh mì, đồ ngọt, thịt nguội, tôi thấy rất hạnh phúc”, anh nói. “Khi tôi gia nhập Real Madrid, tôi nặng 93 kg. Tôi cao 1,75 mét, nên cân nặng lý tưởng phải là 83 kg”. Lối sống đó đã khiến Cassano nhanh chóng sa sút ở Madrid. CLB bực mình tới mức bắt đầu phạt anh dựa trên số gram cân nặng mà Cassano tăng thêm, khiến anh bị đặt cho biệt danh “El Gordito”, hay Cậu nhỏ phát phì. Những tranh cãi với Capello và các án phạt sau đó đồng nghĩa với việc Cassano bị loại khỏi đội 1. Phong độ và thể lực sa sút khiến anh không còn cơ hội góp mặt trong đội hình của HLV Marcello Lippi tham dự World Cup 2006.
Trước giải đó, vụ Calciopoli phủ bóng đen lên bóng đá Italy. Họ bước vào giải đấu ở Đức trong không khí cực kỳ ảm đạm. Nhưng vấn đề thể lực và kỷ luật của Cassano đã khiến anh bỏ lỡ giải đấu có lẽ là hay nhất trong lịch sử bóng đá Italy, khi họ vượt qua mọi khó khăn và giành chức VĐTG ngay ở Berlin.
Capello nhiều lần phát điên vì Cassano
Ở Real Madrid, Cassano tiếp tục gây sự với Capello. Anh công khai chỉ trích HLV này vì đã loại anh khỏi đội 1. Trong tự truyện của mình, Cassano nhớ lại khoảnh khắc anh chửi bới Capello trong phòng thay đồ trước một trận đấu gặp Tarragona: “Ông là đồ c.! Ông còn giả dối hơn cả trò cờ tỉ phú!”. Cassano cũng bị ghi hình đang nhạo báng Capello trước mặt các đồng đội. Anh lại bị phạt và bị cấm tập với đội 1. Chủ tịch Madrid lúc bấy giờ, Ramón Calderón, công khai tuyên bố rằng “… anh ta thiếu sự tôn trọng”. Tình hình xấu tới mức Capello đã nghĩ ra một từ riêng mà ông vẫn còn dùng sau này trong sự nghiệp: “cassanata”, có nghĩa là “xử lý một Cassano”.
Thất vọng với cuộc sống ở TBN, Cassano tuyên bố anh sẽ “quay trở về” khoác áo Roma. Nhưng ở Roma, Sensi không chào đón anh. Tài năng trên sân bóng của anh đã bị phủ bóng đen bởi tính khí thất thường, và tiền đạo này trở lại Sampdoria sau chỉ 2 bàn trong 19 trận ra sân tại TBN. Trong khi Cassano vẫn có những khoảnh khắc lóe sáng, sự kiêu ngạo và tính cách không thể chịu đực được của anh đồng nghĩa với việc chặng đường phía trước của Cassano giờ sẽ rất gian nan.
Những mối quan hệ bị hủy hoại và những cơ hội bị bỏ lỡ đã làm tiêu tan mọi kỳ vọng về Cassano tại Real Madrid cũng như Roma. Sampodria là một đội thua hẳn về đẳng cấp so với Real, nhưng Cassano vẫn tới đó theo hợp đồng cho mượn cả mùa. Dẫu sao, đó vẫn là một cơ hội hồi sinh sự nghiệp.
Trong mùa đầu tiên của anh với i Blucerchiati, có vẻ như Cassano đã thoát khỏi vấn đề về thể lực và cân nặng từng bao vây anh ở Madrid. Anh bắt đầu thể hiện kỹ năng đi bóng và tố chất kỹ thuật từng giúp anh thành danh. Phong độ của anh trở lại và những bàn thắng bắt đầu đến thường xuyên hơn. Nhưng như mọi khi, Cassano không bao giờ thiếu những khoảnh khắc điên rồ.
Từng lóe sáng trở lại ở Sampdoria
Chơi bóng ở lằn ranh của cảm xúc, Cassano đã gục xuống trong nước mắt sau khi nhận một thẻ vàng ở trận gặp Fiorentina. Tấm thẻ đó đồng nghĩa với án treo giò một trận, khiến anh không thể ra sân cho Sampdoria trong trận tiếp theo gặp lại đội bóng cũ, Roma. Sau khi phản ứng giận dữ với trọng tài và trọng tài biên, anh quỳ xuống biên đường biên ngang, khóc nức nở. Cầu thủ cả hai đội tới an ủi anh, một khoảnh khắc siêu thực sẽ khiến nhiều người nhớ lại những giọt nước mắt tương tự của Paul Gascoigne ở World Cup Italy 1990.
Trong trận gặp Torino vào tháng 3/2008, Cassano lại bùng nổ, lần này là vì giận dữ hơn là vì thất vọng, sau khi anh nhận thẻ đỏ vào cuối trận hòa 2-2. Anh từ chối rời sân, phản ứng dữ dội, la hét, chửi thề, và cuối cùng ném áo đấu vào trọng tài. Những hành động rồ dại của anh dẫn tới án treo giò 5 trận và khoản phạt 15.000 euro.
Trên sân, Cassano duy trì được phong độ khá ổn định, là nguồn cảm hứng và mối đe dọa chính cho đội bóng. Anh phối hợp nhuần nhuyễn với người đá cặp, Giampaolo Pazzini và giúp i Blucerchiati giành quyền tham dự Champions League 2010. Dù mọi chuyện đang diễn biến tốt đẹp, một lần nữa Cassano lại cho thấy anh là kẻ thù lớn nhất của mình. Lần này anh gây sự với chủ tịch Sampdoria, Riccardo Garrone, sau khi từ chối tham dự một buổi tối trao giải thưởng. Tình hình giống với vụ tranh cãi cùng Totti và Sensi ở Roma. Cả hai đều ương bướng như nhau, và Garrone tìm cách hủy hợp đồng của Cassano với lý do “hành vi không thích hợp”. Họ lôi nhau ra tòa, và các thẩm phán quyết định rằng Garrone không được tống cổ Cassano, nhưng có thể giảm một nửa lương của anh như một hình phạt.
Garrone nói về mong muốn loại bỏ Cassano của ông trong một bài phỏng vấn trên Tuttosport: “Thật không may, tôi giữ lập trường của mình sau những gì đã xảy ra. Tôi rất tiếc vì nếu Cassano không có tính khí như thế, và nếu anh ta biết kềm chế hơn, anh ta đã có thể là một trong những cầu thủ hay nhất thế giới”. Một lần nữa, Cassano ra đi trong đổ vỡ. Phong độ của anh mùa 2009-10 đồng nghĩa anh có rất nhiều đội theo đuổi, và AC Milan đã bỏ ra 3,3 triệu euro để đưa anh về tháng 1/2011.
Clip những pha xử lý ảo thuật của Cassano:
Cassano, khi đó 28 tuổi, tới với một Milan đã luống tuổi nhưng còn rất mạnh với hàng công bao gồm Zlatan Ibrahimovic, Robinho, và Alexander Pato. Anh chật vật mới có chỗ trong đội hình xuất phát, ghi 7 bàn trong 33 trận sau 2 mùa giải. Tuy nhiên, những gì xảy ra trên sân là mối lo nhỏ nhất với Rossoneri liên quan đến Cassano.
Tháng 10/2011, sau khi ra sân từ ghế dự bị trong chiến thắng 3-2 trước Roma, Cassano bị ốm khi đang trên xe buýt chở đội rời sân tới phi trường. Anh nói mình bị chóng mặt và bác sĩ đội khuyến cáo Cassano nên được đưa tới bệnh viện. Vấn đề hóa ra nghiêm trọng hơn chẩn đoán ban đầu: các bác sĩ nghĩ anh bị sốc do thiếu máu cục bộ. “Chúng tôi đã tranh cãi nửa tiếng đồng hồ trước khi tôi nhập viện, tôi bị á khẩu và rất chóng mặt, tôi cũng nghĩ rất nhiều tới con trai mình”, Cassano kể lại. Anh được phẫu thuật 4 ngày sau đó để xử lý vấn đề ở tim đã gây ra vụ đột quỵ. “Tôi thật sự sợ rằng mình sẽ chết, nhất là vào những ngày trước cuộc phẫu thuật… Tôi biết ơn vì đã nhận được bao nhiêu là lời động viên, từ Real Madrid tới Barcelona, từ Mourinho tới Delneri và cả Iniesta cũng gọi cho tôi. Tôi biết mình còn đủ sức mạnh và ý chí để trở lại sân”.
Thật ấn tượng, Cassano quay lại với sân bóng chỉ 5 tháng sau cuộc phẫu thuật, vào sân từ ghế dự bị trong trận thua 1-2 của Milan trước Fiorentina. Cassano thậm chí còn được Lippi gọi vào ĐT Italy cho Euro 2012, dẫn dắt hàng công cùng với Mario Balotelli khi Italy về nhì sau TBN.
Cặp tiền đạo "hư" của người Ý ở EURO 2012
Sau khi Milan bán đi nhiều cầu thủ ngôi sao, bao gồm Zlatan Ibrahimović, Pato và Thiago Silva, vào mùa Hè 2012, Cassano yêu cầu được ra đi và tới với đội bóng ở bên kia thành phố Inter Milan trong một thỏa thuận đổi cầu thủ cộng thêm tiền cho đồng đội của của anh ở Sampdoria, Pazzini. Anh có một mùa chơi ở Inter, ghi 7 bàn trong 28 trận trước khi lại ra đi.
Lần này cuộc chia tay không tan vỡ. Có vẻ hai sự kiện đã làm thay đổi thái độ và cuộc đời Cassano. Đầu tiên là việc anh lấy vợ, Carolina Marcialis, vào năm 2010, và thứ hai là vụ đột quỵ tháng 10/2011. Cassano sau đó đã chín chắn hơn, và thề sẽ không tự mình hủy hoại các cơ hội của chính mình nữa.
Cựu cầu thủ và tổng giám đốc Real Madrid, Jorge Valdano, khen ngợi Cassano trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí thể thao TBN Marca: “(Andrea) Pirlo là chất keo kết dính của ĐT Italy, còn Cassano là trí tưởng tượng của đội bóng đó. Anh là cầu thủ mà bất kỳ thời điểm nào trong trận đấu cũng có những giải pháp mà không HLV hay cầu thủ nào nghĩ ra”.
Được Gianluca Vialli mô tả là sự kết hợp giữa Gianfranco Zola và Paolo Di Canio, Cassano cho tới tận ngày nay vẫn là nỗi nuối tiếc lớn với nhiều người Italy. Nếu không có những khoảnh khắc điên rồ, Cassano có thể đã là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất. Nhưng nếu không có những khoảnh khắc điên rồ, Cassano có thể đã chẳng phải là Cassano.
Trần Trọng
Theo Thesefootballtimes
Tags