Áo dài Việt Nam - một thế kỷ cách tân (Kỳ 2): 'Đợt sóng mới' từ thập niên 1960
(Thethaovanhoa.vn) - Những chiếc áo dài tân thời trong thập niên 1930 không chỉ tạo ra một phong trào đổi mới y phục phụ nữ có quy mô sâu rộng tại Việt Nam. Xa hơn, đó còn là biểu tượng cho phong trào Âu hóa, khi những cô gái thành thị trong trang phục áo dài cách tân liên tục xuất hiện trên văn thơ, nhạc họa.
Áo dài Việt Nam - một thế kỷ cách tân kỳ 1 xem TẠI ĐÂY
Dù có những tranh cãi từ phía thủ cựu, những chiếc áo dài tân thời trong thập niên 1930 vẫn phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, sau năm 1954, do bối cảnh chiến tranh, áo dài Việt Nam tại miền Bắc ít được cải biến, cách tân. Nhưng tại miền Nam, trang phục này vẫn có dòng chảy riêng của mình...
Từ “áo dài bà Nhu”…
Không phải ngẫu nhiên, mà đợt cách tân áo dài diễn ra vào cuối thập niên 1960 tại khu vực phía Nam. Theo nhà nghiên cứu Dương Thị Kim Đức (Viện dệt may - da giày và thời trang, Đại học Bách khoa Hà Nội), tại Sài Gòn khi ấy, đi cùng với văn hóa, lối sống Mỹ là thời trang Mỹ với lối ăn mặc như quần Jeans, quần ống loe, với các trào lưu sống mới. Và trong bối cảnh đó, văn hóa Sài Gòn hơn bao giờ hết đã phát huy được toàn bộ sức mạnh nội lực từ bản thân của mình để vừa tiếp thu (tính tích cực của văn hóa Mỹ) và cũng đề kháng lại những văn hóa ngoại lai đi ngược lại truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Bởi thế áo dài đã có nhiều cải tiến hơn nữa về tạo phom dáng.
Cột mốc lớn nhất cho trào lưu này phải kể tới kiểu áo dài được "Đệ nhất phu nhân" Trần Lệ Xuân đưa ra vào tháng 12/1958. Đây là mẫu áo dài tà rộng ôm khít, thân áo có đường kết cấu tạo ly chiết ở thân trước và thân sau nhằm làm giảm tối đa độ rộng của áo, đồng thời làm nổi phần ngực và nở phần hông. Đặc biệt, phần cổ áo, được thiết kế không có chân, cắt rộng tạo thành các dáng hình tim và thuyền - trong đó dáng hình cổ tim có kích thước nhỏ hơn độ sâu của cổ, dáng hình cổ thuyền có kích thước ngang lớn hơn kích thước độ sâu của cổ.
Loại áo dài hở cổ này được một số nhà phê bình phương Tây cho là hợp với thời tiết nhiệt đới của miền Nam, nhưng cũng khiến nhiều người phản ứng về việc không hợp với thuần phong mỹ tục. Theo đó, thiết kế áo bị cho là táo bạo và chỉ hợp với những phụ nữ Phương Tây, họ có tư tưởng thoáng trong cách mặc trang phục.
Dù vậy, với việc được Trần Lệ Xuân sử dụng nhiều trong các sự kiện ngoại giao cũng như trong những lần xuất hiện trước công chúng, loại áo này cũng tạo nên dấu ấn và phong cách mặc áo dài trong cộng đồng thập niên 1950 - 1960 với cái tên “áo dài bà Nhu” hay “áo dài Trần Lệ Xuân”. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Loan, điều này đã cho thấy tầm quan trọng của phong cách người mặc áo dài, cũng như mức độ ảnh hưởng của người mẫu để tạo nên trào lưu mốt như phương Tây. Và loại áo dài không có cổ này vẫn phổ biến đến ngày nay và phần cổ được khoét sâu cho tròn chứ không ngắn như bản gốc.
... đến áo dài “raglan” và “hippy”
Cũng trong trào lưu phát triển áo dài, đầu thập niên 1960, nhà may Dung Đa Kao ở Sài Gòn đã sáng tạo ra kiểu ráp tay mới vào áo dài dưới cái tên “raglan”. Với loại áo này, tay áo được nối từ cổ, xéo xuống nách. 2 tà nối với nhau bằng đường nút dọc hông. Kiểu này tạo dáng ôm theo đường cong người mặc, giúp người phụ nữ cử động tay thoải mái, linh hoạt và đặc biệt quan trọng, giúp xóa bớt những đường nhăn hai bên nách và vai - vốn là điểm yếu cố hữu của áo dài trước đây.
Sự xuất hiện đường kết cấu vai tay raglan này đã góp phần tạo nên những giá trị chuẩn mực trong thiết kế áo dài, khiến người phụ nữ khi mặc áo có phần tay tròn hơn, phần ngực êm phẳng. Kèm theo đó, áo dài raglan còn gắn với chiếc quần đi cùng là quần xéo may bằng hàng mềm gấp xéo góc, khi cắt hông ôm sát người, 2 ống lòa xòa mỗi bước đi thấp thoáng thấy mũi giày ẩn hiện dưới sóng lụa...
Giai đoạn cuối thập niên 1960, loại áo dài có tên miniraglan cũng xuất hiện và trở thành kiểu dáng thời thượng. Đây là kiểu áo dài thường dành riêng cho nữ sinh, với tà áo được may tới mắt cá chân, nhưng hai ống quần được phủ xòe ôm 2 bàn chân, theo đó làm tăng thêm tính hồn nhiên, ngây thơ cho người sử dụng. Loại áo này còn có tên là áo dài nữ sinh và tiếp tục tồn tại trong rất nhiều năm về sau.
Tiếp đó, bước sang giai đoạn đầu thập niên 1970, để thích ứng với thời trang váy ngắn, quần loe của thanh niên theo lối hippy, loại áo dài “hippy” đã xuất hiện. Đây là loại áo có vạt may hẹp và ngắn (có khi đến đầu gối), thân áo may rộng và không chiết eo, nhưng vẫn giữ đường lượn theo thân thể; cổ áo may thấp xuống còn 3cm, đặc biệt phần quần được may rất dài, gấu rộng đến 60cm. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, loại áo này thường được giới trẻ sử dụng với các màu sắc đa dạng, rực rỡ và từng có lúc trở thành mốt thời thượng nhưng cũng lắng xuống khá nhanh...
Dù sao, với tất cả những cải biến của mình, trong giai đoạn này, áo dài phụ nữ tại miền Nam được coi là đã tiếp cận trực tiếp với các trào lưu thời trang thế giới khi đó. Việc kinh qua các sự thử nghiệm về kết cấu, tỷ lệ, trang trí… đã khiến kết cấu của áo dài được định hình với những điểm quan trọng như: Phần trên phải ôm sát cơ thể, 2 tà mở ở eo, điểm xẻ áo cũng là điểm cài cúc chốt lại phần thân trên khiến các tà áo tự do gắn với chuyển động của người mặc và tạo đường nét mềm mại thướt tha... Những điểm cơ bản này đã đặt nền tảng cho sự hoàn thiện của áo dài về sau.
(Còn tiếp)
Sơn Tùng