- Tất bật cả năm nhưng vẫn không có tiền tiêu Tết: Người phạm phải 7 sai lầm này đừng hỏi sao nghèo vẫn hoàn nghèo
- Vợ chồng 8x làm sale BĐS thu nhập 30 triệu đồng/tháng lên kế hoạch chi tiêu để không bao giờ “nhẵn túi”: Năm 2022 mua được 2 mảnh đất, chi 20 triệu đồng tiêu tết trọn an vui
- Tết trọn an vui: Freelancer tự do nhưng phải tự lo thưởng Tết, người thức trắng đêm làm việc, người lên kế hoạch tiêu Tết 30-40 triệu đồng
Với các khoản chi tiêu ngày Tết, nhiều người phải cảm thán rằng "tiền như bốc hơi", chỉ vài ngày tết đã “bay” mấy tháng lương. Do vậy, hãy có chiến lược chi tiêu hợp lý để “Tết không liêu xiêu”.
Cứ mỗi dịp Tết đến, những danh sách dài liệt kê các khoản cần chi tiêu, những thứ cần sắm sửa cho ngày tết lại là chủ đề được quan tâm và bàn tán rôm rả. Việc chi tiêu tết của mỗi gia đình đúng là muôn hình vạn trạng, tuỳ vào ngân sách cũng như các khoản phải chi.
Tuy nhiên, theo tình hình chung thì mỗi dịp tết đến, không ít người rơi vào tình trạng “cháy túi" vì có quá nhiều khoản phải chi. Vì lẽ đó mà hiện tại, phần lớn mọi người đều đang “đau đầu” tìm cách giải bài toán chi tiêu sao cho hợp lý với ngân sách mà vẫn đảm bảo một cái Tết đủ đầy, thoải mái.
Nỗi lo tiêu tết khi lương thấp, thưởng chưa có
Là sinh viên mới ra trường, chỉ mới đi làm một thời gian ngắn, dịp tết năm nay với Nguyễn Mai Phương (21 tuổi, Hà Nội) có nhiều nỗi lo lắng, muộn phiền. Phương cho biết, khác với những năm trước, khi còn là sinh viên, cô không phải lo lắng nhiều về những khoản chi tiêu ngày tết. Năm nay, là lần đầu tiên Mai Phương phải tính toán chi tiêu Tết thế nào.
Mai Phương chia sẻ, hiện tại cô bạn vẫn chưa tìm được công việc ưng ý nên phải làm tạm một công việc với mức lương 5 triệu/tháng. “Năm nay mình đã ra trường nên cũng phải có trách nhiệm hơn với việc chi tiêu ngày tết của bản thân và gia đình. Nhưng chỉ mới ra trường nên tiền lương không được bao nhiêu, thưởng Tết chưa có. Trong khi đó khoản nào cũng phải chi. Do vậy, cách đây khoảng hơn nửa tháng, mình đã ngồi liệt kê, tính toán xem phải chi tiêu như thế nào cho hợp lý với ngân sách”, Phương nói.
Phương cho biết, để "xoay xở" tiền tiêu tết, cô bạn phải lên kế hoạch làm thêm ở ngoài để có thêm thu nhập. Cô bạn dự định tiêu tết với ngân sách 8 triệu gồm tiền lương 5 triệu và tiền làm thêm 3 triệu. Phương dành ra 2 triệu tiền mua quà cho bố mẹ và các em; 1 triệu lì xì cho các em, cháu nhỏ; 3 để sắm tết trong nhà; 1 triệu sắm quần áo cho bản thân.
“Mình mới ra trường nên bố mẹ cũng hiểu. Mình ở ngoại thành Hà Nội nên chi phí cũng không quá đắt đỏ. Lương thấp, đủ thứ phải tiêu, nhưng mình sẽ cố gắng không để phát sinh khoản nào”, Phương tâm sự.
Tiêu tết không biết “bao nhiêu là đủ”
Trường hợp khác, chị Thùy Anh (35 tuổi, Hà Nội) đang làm Freelancer chia cho biết, tết năm nay chị rất lo vì chưa nhận được tiền từ các dự án. Chị Thùy Anh cho biết, trung bình mỗi năm, gia đình đình chị sẽ tiêu khoảng 50 - 60 triệu cho ngày Tết.
Năm nay, gia đình chị dự tính phải dành ra khoảng 50 triệu tiêu tết. Chị Thùy Anh liệt kê ra một số khoản phải tiêu gồm: 10 triệu sắm tết trang trí nhà cửa; 10 triệu biếu ông bà 2 bên nội ngoại; 10 triệu cho lương thực, thực phẩm ngày tết; 10 triệu tiền lì xì; 10 triệu tiền quần áo tết cho cả nhà 4 người.
“Dự tính là vậy nhưng theo mình, 50 triệu tiêu tết cho gia đình mình chắc chắn sẽ thiếu, số tiền thực tế số tiền sẽ chi cho ngày tết chắc sẽ chênh lên 10 triệu nữa. Vì cả mình và chồng đều có tâm lý cả năm bận rộn, miệt mài làm việc thì phải cố gắng chăm chút một cái tết đầy đủ, ấm no nhất”, chị Thùy Anh nói thêm.
Chị Thùy Anh cho biết, chị khá lo nếu trường hợp chi phí dự tính thiếu, thấp hơn so với chi phí thực tế. Nếu trường hợp phải tiêu nhiều quá, chị sẽ lấy một khoản nhỏ từ tiền thưởng của chồng và tiền tiết kiệm của mình ra để bù thêm.
“Mình nghĩ khó có thể xác định được bao nhiêu tiền tiêu tết mới là đủ. Quang trọng là biết cân đối và có phương án chi tiêu linh hoạt, phù hợp tùy thuộc theo hoàn cảnh, tình huống và ngân sách có sẵn. Nếu không có phương án phù hợp thì có cả trăm triệu thì tiêu tết vẫn thiếu”, chị Thùy Anh nói thêm.
Với chị Minh Huệ (32 tuổi, Hà Nội), tết năm nay chị sẽ chị khoảng 30 triệu đồng cho gia đình 4 người. Chị chia sẻ, cứ mỗi dịp tết đến, chị lại thấy áp lực vì có quá nhiều khoản tiền phải chi.
Chị Huệ cho biết, cụ thể, chị sẽ dành ra 10 triệu để biếu bố mẹ đôi bên; 5 triệu mừng tuổi họ hàng, các em, các cháu; 5 triệu mua hoa quả, bánh kẹo, thực phẩm; 5 triệu mua quần áo mới cho gia đình 4 người, 5 triệu tiền chi phí phát sinh và tiền xe cộ về quê.
“Năm nay, mình cũng muốn chi tiêu, sắm sửa nhiều hơn nhưng thu nhập, lương thưởng của 2 vợ chồng đều giảm khá nhiều so với mọi năm. 30 triệu đồng tiêu trong mấy ngày tết tương đương với cả 3 tháng lương của mình. Cũng may cả nhà ăn tết ở quê cùng ông bà nên chi phí mua sắm không quá đắt đỏ”, chị Huệ chia sẻ.
Mẹo chi tiêu để ngày Tết không lo “cháy túi”
Vấn đề tiêu tết thế nào cho tiết kiệm, hợp lý vẫn là mối suy nghĩ thường trực của nhiều người những ngày gần đây. Bởi không phải ai cũng sở hữu một nguồn thu nhập dư dả để có thể đáp ứng tất cả các khoản chi phí phục vụ cho nhu cầu ngày Tết. Dưới đây là những gợi ý để bạn thiết lập ngân sách, quản lý tiền bạc, chi tiêu hợp lý cho dịp Tết tới:
Lập kế hoạch chi tiêu cụ thể
Để quản lý việc chi tiêu ngày Tết hiệu quả, tránh tình trạng “vung tay quá trán”, bạn cần có một kế hoạch chi tiêu cụ thể. Việc lập kế hoạch chi tiêu Tết một cách chi tiết, khoa học sẽ giúp bạn luôn đảm bảo tình hình tài chính được duy trì ở mức ổn định, ngăn bạn tiêu tiền quá tay, hạn chế tối đa hao hụt ngân sách.
Tận dụng các chương trình giảm giá
Đi săn hàng “giảm giá”, tận dụng các chương trình ưu đãi là cách mà nhiều người áp dụng để tiết kiệm chi phí khi bão giá hay mỗi dịp tết đến. Vậy nên khi đã có trong tay những gì cần mua trong dịp tết, hãy theo dõi và tận dụng các chương trình giảm giá tại các siêu thị lớn, các cửa hàng đảm bảo chất lượng hoặc trên các nền tảng trực tuyến, bạn sẽ tiết kiệm được một khoản tiền kha khá đấy!
Đơn giản hóa và chỉ mua những thứ “thật sự cần”
Tâm lý cả năm mới có một cái Tết khiến bạn dễ dàng mạnh tay chi tiền cho bất cứ thứ gì mà bản thân thấy thích, hứng thú. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc đâu là thứ mình thực sự cần và thứ có thể mua sau để tránh tình trạng chi tiêu quá đà. Ngoài việc cân nhắc mua những món đồ, hãy đơn giản hóa mọi thứ, từ việc mua sắm đồ đạc, ăn mặc... để tiết kiệm và giảm áp lực chi tiêu.