Vào tháng 12/2022, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) ra phán quyết rằng Apple đã vi phạm các bằng sáng chế của AliveCor, công ty có trụ sở tại California chuyên cung cấp các dịch vụ và chăm sóc tim mạch toàn diện.
Hiện tuyên bố của ITC đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden xem xét và người đứng đầu Nhà Trắng đã từ chối phủ quyết việc các cơ quan liên bang có thể cấm nhập khẩu một số mẫu Apple Watch vào Mỹ.
ITC trước đó đã ra phán quyết chống lại Apple vào năm 2013 trong một vụ tranh chấp bằng sáng chế do Samsung đệ trình liên quan tới iPad Gen 2.
AliveCor tuyên bố rằng họ là công ty dẫn đầu toàn cầu về công nghệ điện tâm đồ cá nhân (ECG) đã được FDA (Cục quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ trực thuộc Bộ Y tế và Nhân sinh Hoa Kỳ) chứng nhận, và công nghệ này cũng được tìm thấy trong Apple Watch.
Theo AliveCor, họ đã chia sẻ công nghệ theo dõi nhịp tim của mình với Apple vào năm 2015 nhằm mục đích ghi điểm cho mối quan hệ đối tác.
Nhưng sự hợp tác dường như đã không diễn ra mà thay vào đó, AliveCor đã phải kết thúc việc bán phụ kiện theo dõi nhịp tim của mình sau khi Apple ra mắt đồng hồ thông minh có tích hợp công nghệ ECG vào năm 2018.
Việc nhà chức trách Mỹ cấm nhập khẩu Apple Watch có vẻ khả thi, nhưng con đường phía trước của AliveCor không hề dễ dàng.
Trong khi ITC ra phán quyết rằng việc nhập khẩu đồng hồ thông minh của Apple nên bị cấm vì chúng vi phạm bằng sáng chế của AliveCor về theo dõi nhịp tim, việc thực thi lệnh cấm trên thực tế đã bị tạm dừng.
Đó là bởi vì tòa án của Văn phòng Bằng sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã phán quyết rằng 3 bằng sáng chế liên quan tới tranh chấp được cho là thuộc sở hữu của AliveCor hóa ra lại không hợp lệ, điều đó có nghĩa là Apple không vi phạm gì cả.
AliveCor hiện đang trong quá trình kháng cáo phán quyết có lợi cho Apple của USPTO.
Được biết 2 công ty sẽ tiếp tục đưa vụ việc ra tòa phúc thẩm và phán quyết cuối cùng sẽ quyết định số phận của lệnh cấm nhập khẩu Apple Watch. Và tất cả quá trình này có thể mất tới 18 tháng.