(Thethaovanhoa.vn) - Trong sự nghiệp của mình, chắc chắn Per Mertesacker đã nghe qua những lời châm biếm kiểu như: “Tốc độ của anh ta không khác gì lừa bịp – trông anh ta ngày càng chậm hơn”; “Anh ta đang chạy trên cỏ hay là chạy máy chạy bộ?”; “Anh ta xoay xở chậm hơn cả siêu tàu QE2”; “Anh ta phát ra tiếng lẹp bẹp khi lùi về”.
- Sau chức vô địch FA Cup, Wenger ra điều kiện để tiếp tục dẫn dắt Arsenal
- Ai cười nhạo khi nói Arsenal đang thành công?
- ĐIỂM NHẤN Arsenal 2-1 Chelsea: Wenger đã có chìa khóa chiến thắng. Chelsea lộ điểm yếu
Nhưng, những người chê phong cách ì-ạch-kéo-lê của Mertesacker có bao giờ tự hỏi nguyên do vì đâu mà một cầu thủ chậm chạp như thế lại có tới 104 lần ra sân cho ĐT Đức, vô địch World Cup rồi trải qua sự nghiệp lẫy lừng ở cấp độ CLB?
Với Mertesacker, tư duy chính là tốc độ
Mertesacker từ lâu đã được NHM Arsenal gọi với cái tên trìu mến là Big Fucking German (tạm dịch: Gã khổng lồ nước Đức). Anh nổi tiếng với sự tốt bụng, từng có một năm làm việc ở bệnh viện tâm thần khi còn tuổi thanh niên cùng điệu nhảy đặc trưng và sở hữu khả năng pha trò khéo léo. “Tôi thấy mình có thể giúp đỡ những người không thể sống mà thiếu sự giúp đỡ”, một lời bộc bạch chứng tỏ sự từng trải của Mertesacker.
Với chiều cao 1m98, BFG không thể che giấu điểm yếu tốc độ khi phải chạm trán những “máy chạy” ở Premier League. Nhưng, không vì thế mà anh có thể dễ dàng bị đối phương qua mặt chỉ bởi anh không thể chạy nhanh. Hôm thứ Bảy vừa rồi chính là câu trả lời cho những ai còn thắc mắc tại sao Mertesacker lại tồn tại lâu như thế ở đẳng cấp cao nhất.
Những gì Mertesacker thể hiện trước Chelsea xứng đáng nhận điểm 10, xứng đáng được miêu tả với 2 chữ “đỉnh cao” nhất là khi cả mùa giải này, anh chỉ ra sân 37 phút và chờ đợi 392 ngày để có lần đá chính đầu tiên vì chấn thương đeo bám. Hơn nữa, “Gã khổng lồ nước Đức” còn phải đối diện với hàng công đáng sợ nhất Premier League. Những yếu tố trên tạo nên một trong những màn trình diễn hay nhất ở Chung kết FA Cup cho đội trưởng của một CLB.
Đã có những cú tắc bóng, cản phá và đánh đầu nhưng một khoảnh khắc của anh ngay sau hiệp 1 nói lên bộ não có thể làm nhiều thứ như thế nào khi vóc dáng không toàn vẹn. Eden Hazard vượt qua hàng loạt cầu thủ Arsenal rồi lao như một mũi tên đâm thẳng vào trung lộ trước khi hướng đến Diego Costa để đập nhả. Đó là một miếng đánh từng khiến biết bao hàng thủ vỡ nát và lúc đó, CĐV Arsenal chắc chắn cũng đầy rối bời nhưng Mertesacker không hề e sợ, anh bình tĩnh di chuyển để bắt bài cú đánh gót của Costa cho Hazard, cầu thủ chỉ chờ sẵn trái bóng để dứt điểm cận thành.
Không giống những cú tắc bóng khốc liệt, nơi mà BFG đã cản phá rất nhiều cơ hội rõ ràng của đối phương, khoảnh khắc đó chẳng hề đẹp mắt nhưng nó cô đọng một cầu thủ mà bất cứ hậu vệ chậm chạp nào cũng nên học hỏi: Khả năng chọn vị trí và đọc tình huống mới tạo nên điều khác biệt.
Đó còn là tình huống ở phút 15 khi Hazard định tái hiện siêu phẩm solo vào lưới Arsenal ở Stamford Bridge mùa này với pha nhảy múa trong vòng cấm nhưng Mertesacker vẫn đứng vững dù đã bị vặn sườn trước khi lao mình cản phá cú sút từ pha bóng bật ra của Costa.
10 phút sau, anh nhận ra hiểm họa Costa khi Nacho Monreal và Hector Bellerin đã giơ tay đòi việt vị nhưng không biết rằng Oxlade-Chamberlain đã đứng sai vị trí. Một cú nhoài người cản phá cho thấy sải chân dài cùng khả năng đọc tình huống nhạy bén của ngôi sao người Đức.
Không Mertesacker, Arsenal có thể đã tay trắng
“Có lẽ lý do lớn nhất tôi đã tồn tại được ở đẳng cấp cao nhất là vì tôi hiểu nó”, Jamie Carragher, một cầu thủ nổi tiếng chậm chạp khác, từng chia sẻ về mình ở đầu mùa giải này. Ở màn trình diễn của Mertesacker trước Chelsea, có lẽ Carragher đã nhìn thấy hình ảnh khi xưa của mình dù trung vệ người Đức cao hơn, ì ạch hơn và phải đối đầu với những cầu thủ chơi thể lực và tốc độ hơn.
Mertesacker từng thừa nhận hồi tuần trước rằng anh chưa bao giờ chơi trong sơ đồ 3 hậu vệ nhưng ở tuổi 32 và thi đấu cạnh một hậu vệ trái thuần tuý và một trung vệ 21 tuổi thiếu kinh nghiệm thì lý do mà BFG tỏa sáng có lẽ là vì anh hiểu rõ trận đấu.
Những giao tiếp không ngớt trên sân của anh với Monreal và Rob Holding lý giải tại sao Arsene Wenger muốn Mertesacker là đội trưởng đội bóng mặc cho nỗi ám ảnh mang tên chấn thương. HLV người Pháp từng nói một câu nổi tiếng thế này: “Khi người Đức nói chuyện, bạn hãy lắng nghe”.
Hơi quá khi cho rằng sự xuất hiện của Mertesacker có thể đã giúp Arsenal cạnh tranh ở Premier League mùa này nhưng hôm thứ Bảy, sự có mặt của anh, sự đĩnh đạc của anh và cá tính của anh đóng vai trò rất lớn vào danh hiệu duy nhất cho sân Emirates. Không có BFG, chắc chắn đã không thể có cái kết hạnh phúc.
Per Mertesacker khởi đầu sự nghiệp tại đội bóng quê nhà Hannover 96 nhưng gặp vô vàn khó khăn khi không được giới chuyên môn đánh giá cao và từng phải nghĩ tới việc chuyển sang môn thể thao khác. Nhưng bằng nỗ lực và quyết tâm của mình, Mertesacker dần khẳng định được tên tuổi và thậm chí được báo chí Đức mệnh danh là “Cây cột phòng ngự” và “Quý ông chơi đẹp” khi trải qua 31 trận đầu tiên ở Bundesliga mà không phải nhận bất cứ thẻ vàng nào. Anh còn nổi tiếng với tấm lòng nhân hậu khi có một quỹ từ thiện của riêng mình mang tên Per Mertesacker Stiftung, một quỹ từng giúp quyên góp tiền giúp đỡ cho người vợ góa của thủ thành quá cố Robert Enke. |
Từ Sơn
Thể thao & Văn hóa
Tags