(Thethaovanhoa.vn) - Artbook (được hiểu là sách nghệ thuật) đang trở thành trào lưu từ sự đầu tư khá lớn của một vài đơn vị xuất bản hiện nay, với những cuốn sách gắn kèm sự sáng tạo của các họa sĩ.
- Sách nghệ thuật đừng tưởng dễ mua
- 'Hải đăng Trường Sa' đoạt giải Nhất Xếp sách nghệ thuật
- Kẻ mù mầu bán sách nghệ thuật
1. Nói cách khác, phụ vào công nghệ in và chất liệu giấy, artbook đã giúp các họa sĩ chuyển từ công việc “minh họa” cho các tác phẩm (của nhà văn) sang vị trí của người sáng tạo một tác phẩm độc lập, với giá trị nghệ thuật riêng.
Thực tế, khi đọc một tác phẩm, thông thường người đọc nhớ đến tác giả chứ ít khi nhớ đến họa sĩ - người làm cho cuốn sách tăng thêm giá trị thẩm mỹ. Và, có rất nhiều họa sĩ góp phần biến những cuốn sách trở thành một tác phẩm mỹ thuật nhưng tên tuổi họ vẫn chìm vào quên lãng - bởi công sức của họa sĩ chỉ được xem là phần “phụ trợ” cho sự thành công của cuốn sách khi tung ra thị trường.
Tuy nhiên hàng năm Cục Xuất bản, In và Phát hành đều có giải thưởng sách hay, sách đẹp dành tặng cho những cuốn sách vừa có giá trị nội dung và có giá trị thẩm mỹ. Giải sách đẹp vinh danh các họa sĩ và đơn vị làm sách vì đã cho ra đời cuốn sách có bìa đẹp, trình bày nội dụng và hình minh họa đẹp.
Điển hình, họa sĩ Đỗ Duy Ngọc gần như năm nào cũng nhận giải “bìa sách đẹp”. Đỗ Duy Ngọc đã vẽ bìa sách từ trước 1975, ông bắt đầu trở lại với công việc này từ năm 1985. Vẽ bìa sách không đơn thuần như họa sĩ sáng tác với hình ảnh quen thuộc là cọ, màu và giá vẽ. Họa sĩ vẽ bìa sách còn biết áp dụng công nghệ mới vào công việc.
“Tôi tự hào mình là người đầu tiên biết dùng phần mềm máy tính cho công việc đồ họa thiết kế bìa sách vào năm 1987. Những năm đó, 80 - 90% bìa sách được xuất bản là do tôi thiết kế” - Đỗ Duy Ngọc cho biết.
Để vẽ một bìa sách, họa sĩ phải nắm được nội dung, tinh thần của tác phẩm, tức là họa sĩ phải đọc tác phẩm. Đỗ Duy Ngọc ví dụ về một trường hợp vẽ bìa sách rất cẩu thả mà ông phát hiện, như sau: “Tôi có một bản in gần đây tác phẩm Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, anh họa sĩ chơi cái bìa một thanh niên xách vali, bên cạnh có xe hơi nhà lầu. Cái bìa sách tác phẩm của Nguyễn Tuân mà như thế chứng tỏ người làm bìa chưa đọc Vang bóng một thời và cũng chả hiểu gì Nguyễn Tuân cả”.
“Với tôi, để cho ra một bìa sách ưng ý ít nhất phải nắm được nội dung tác phẩm cũng như hiểu tác giả phần nào. Nếu tôi đọc được một tác phẩm hay thì sẽ kích thích tôi làm việc một cách hưng phấn nhất để cho ra bìa sách đẹp và đúng với tinh thần những gì tác phẩm đã diễn đạt" - Đỗ Duy Ngọc chia sẻ - "Nói rất chân thật, nhiều lúc vì miếng cơm manh áo mình phải vẽ cả những bìa sách không hề mong muốn”.
2. Minh họa cuốn sách được hiểu là họa sĩ dùng tranh vẽ, hình ảnh làm sáng tỏ thêm nội dung tác giả muốn nói. Thế nhưng, rất nhiều cuốn sách có tranh, hình “minh họa” không ăn nhập gì nội dung cuốn sách muốn thể hiện. Do vậy, các họa sĩ “minh họa” sách phải đọc rất kỹ tác phẩm và từ đó bắt được chi tiết đắt nhằm biến thành tranh. Những “minh họa” như thế trở thành một tác phẩm nghệ thuật có giá trị riêng.
Chẳng hạn, tác phẩm Hề chèo do Hà Văn Cầu sưu tầm, NXB Văn Hóa in năm 1977. Bản Hề chèo đặc biệt in trên giấy dó lụa, bìa cứng. Hề chèo còn tăng thêm giá trị khi có hai phụ bản tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Xem hai phụ bản tranh của Bùi Xuân Phái, có thể nhận biết tài năng của họa sĩ đã đem lại giá trị thẩm mỹ riêng chứ không đơn thuần là “minh họa” cho cuốn sách.
Với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, trong hơn 30 năm nay ông chỉ chọn một họa sĩ duy nhất vẽ bìa và minh họa tác phẩm, đó là họa sĩ Đỗ Hoàng Tường. Đỗ Hoàng Tường bắt đầu vẽ bìa, minh họa tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh từ năm 1985: tác phẩm Cú phạt đền. Những năm gần đây, Đỗ Hoàng Tường vẽ gần như toàn bộ các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh - mỗi năm trung bình nhà văn trình làng một cuốn sách mới, như: Đảo mộng mơ, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Ngồi khóc trên cây, Chúc một ngày tốt lành…
Nguyễn Nhật Ánh gắn bó với Đỗ Hoàng Tường vì họa sĩ thấu cảm tác phẩm của nhà văn. Khi Nguyễn Nhật Ánh phát hành tập truyện Ngồi khóc trên cây, NXB Trẻ tổ chức cuộc thi “Nhìn hình minh họa đoán nội dung truyện”. Cuộc thi này xuất phát từ tranh của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường minh họa cho truyện Nguyễn Nhật Ánh rất gần với nội dung và thân quen với bạn đọc.
(Còn tiếp)
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa
Tags