(Thethaovanhoa.vn) - Artbook luôn kén chọn người kể cả người làm sách và người chơi sách vì rất cần thời gian, tiền bạc và đặc biệt là sự kiên trì.
- Artbook, xưa và nay (kỳ 2): Trở thành tác phẩm độc lập
- Artbook, xưa và nay (kỳ 1): Từ nghệ thuật vẽ bìa và minh họa
Với artbook, nó còn thể hiện sự phát triển của ngành xuất bản sách và thị hiếu của bạn đọc về một loại hình sách mới, dù nó nằm trong một phân khúc thị trường chưa phổ biến.
Kén nhà đầu tư và sưu tập
Hỏi một số nhà làm sách có tiếng tại TP.HCM về việc đầu tư xuất bản artbook, gần như phần lớn đều lắc đầu là chưa tham gia thị trường loại sách này. Lý do là đầu tư tốn kém về thời gian, tiền bạc nhưng chưa thấy được tương lai của dòng sách này được đón nhận như thế nào. Dịch giả Nguyễn Lệ Chi (Công ty sách Chibooks), thừa nhận: “In artbook rất tốn kém, giá thành mỗi cuốn sách rất cao so với dòng sách phổ thông nên không biết sức tiêu thụ ra sao, vì vậy dễ dẫn đến chôn vốn. Tôi tìm hiểu từ bạn bè làm sách và từ suy tính của bản thân, in artbook hiện nay đa phần là lỗ vốn nên Chibooks chưa dám tham gia”.
Như đã nói, xuất bản artbook nhiều nhất hiện nay là NXB Kim Đồng và Công ty sách Đông A, vì đối tượng bạn đọc NXB Kim Đồng thiên về sách… thị giác và vì tình yêu mỹ thuật của họa sĩ Trần Đại Thắng - chủ của Đông A. Ngay như đơn vị nhiều tiềm lực trong ngành xuất bản như NXB Trẻ cũng chỉ mới góp phần cho vui với 5 cuốn artbook được phát hành. Điều này chứng tỏ artbook không phải là cuộc chơi dễ dàng để bất kỳ đơn vị làm sách nào cũng có thể dự phần.
Với người sưu tầm, họ chơi sách như một thú vui, artbook cũng khá nặng tiền kể cả sách mới in cũng như sách đã xuất bản hàng chục năm trước (có các phụ bản tranh khắc gỗ của các danh họa). Tuy nhiên, người chơi artbook được bù lại là những cuốn sách độc đáo về giá trị thẩm mỹ và đặc biệt rất khó in giả, bởi artbook có kỹ thuật in hiện đại, trong khi lợi nhuận đem lại không đáng bao nhiêu?!
Artbook đo thị hiếu bạn đọc
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó giám đốc - Tổng biên tập NXB Kim Đồng, cho rằng: “Nói đến artbook là nói đến một loại hình sách có tranh hoặc/và ảnh mà với mỗi trang sách, người ta có thể ngắm, chiêm ngưỡng và suy ngẫm. Mỗi bức vẽ, mỗi hình ảnh trong từng trang sách mang đến nhiều thông điệp. Vì vậy, với artbook, việc đầu tư cho công nghệ in ấn, chất lượng giấy là điều kiện tiên quyết. Song ngoài các yếu tố về kinh phí đầu tư, về thời gian thực hiện thì việc tìm và có được một tác phẩm artbook là rất khó. Với các tác phẩm artbook trong nước, trước hết chúng tôi phải tìm được tác giả, tác phẩm thực sự có chất lượng để có thể làm thành artbook. Với các tác phẩm artbook nước ngoài thì việc tìm kiếm có lẽ cũng khó như bất cứ việc tìm kiếm và khai thác một tác phẩm nào, vì phải cân nhắc rất nhiều yếu tố mà quan trọng nhất là sự đón nhận của bạn đọc”.
“Sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng khiến cho nhu cầu đáp ứng về mặt thị giác ngày một tăng lên và yêu cầu thẩm mỹ cao hơn. Một bộ phận bạn đọc mong muốn được cầm trên tay những cuốn sách đẹp, độc đáo (bên cạnh yêu cầu về nội dung), và artbook ra đời để đáp ứng nhu cầu này. Chắc chắn, xu hướng này đã và sẽ không thể áp đảo dòng sách phổ thông phục vụ đại chúng nhưng cũng là một phân ngạch không chỉ riêng NXB Kim Đồng mà các đơn vị xuất bản khác hướng đến với mục tiêu lớn nhất là đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc” - bà Liên nói thêm.
Khi được hỏi việc đầu tư artbook có phải là đón đầu thị hiếu bạn đọc? Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, nói: “Khi đời sống càng phát triển, chắc chắn nhu cầu thưởng thức cái đẹp cũng sẽ tăng lên nên chúng tôi rất tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp dành cho artbook. Có thể coi artbook là một “phong vũ biểu” của đời sống tinh thần và thị hiếu bạn đọc. Bên cạnh đó, sự đón nhận của độc giả dành cho dòng sách này cũng là động lực rất lớn để các tác giả và họa sĩ mạnh dạn thử nghiệm và sáng tạo. Vì thế chúng tôi nghĩ, sự mạnh dạn đầu tư của các đơn vị xuất bản cũng là việc đáng làm”.
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa
Tags