ASIAD 2023: Asian Games và công nghệ

Thứ Năm, 21/09/2023 06:04 GMT+7

Google News

So với Asian Games lần thứ 16 diễn ra tại Quảng Châu (Trung Quốc) vào năm 2010, Á vận hội lần thứ 19 ở Hàng Châu (Trung Quốc) năm nay có nhiều thay đổi, và dĩ nhiên những thay đổi này đều theo hướng mới mẻ hơn, hiện đại hơn.

13 năm trước, chúng tôi, những phóng viên thể thao từng choáng ngợp khi chứng kiến cảnh tượng thông tin của người sử dụng thẻ Asian Games được hiển thị đầy đủ trên máy quét đặt ở các điểm thi đấu cũng như trung tâm báo chí của đại hội, thì lần này vẫn là sự hiện diện của máy quét nhưng thông tin và hình ảnh của người sử dụng thẻ được hiển thị nhiều hơn, đầy đủ hơn, và tốc độ quét thẻ cũng nhanh hơn.

Hệ thống này không chỉ áp dụng với các phóng viên tác nghiệp tại Đại hội thể thao châu Á mà dành cho tất cả những người có sử dụng thẻ do BTC ASIAD cấp phát, và do tốc độ cũng như hiệu quả của máy quét thẻ là rất nhanh nên quá trình xác minh thông tin từ thẻ chỉ diễn ra trong thời gian dưới 3 giây.

Tuy nhiên, khác biệt này không phải là quá lớn so với Asian Games tại Quảng Châu cách đây 13 năm, mà sự thay đổi lớn nhất có lẽ là việc ở Hàng Châu nói riêng và Trung Quốc nói chung, việc thanh toán cũng như tiến hành các thao tác trên nền tảng di động đã phát triển tới mức khó có thể tưởng tượng, cho dù lần gần nhất chúng tôi tới Trung Quốc mới chỉ cách đây 5 năm, tại VCK U23 châu Á năm 2018 ở Thường Châu.

Việc thanh toán bằng tiền mặt tại Hàng Châu hiện tại rất hiếm thấy, hoặc nếu có thì chỉ dành cho người nước ngoài chưa đủ điều kiện để mở thẻ ngân hàng hoặc thẻ tín dụng tại đây, còn gần như ở mọi địa điểm diễn ra hoạt động mua bán đều được thanh toán bằng mã quét QR, cho dù ở một cửa hàng ăn sáng bình dân hay tại một nhà hàng sang trọng cũng đều như nhau.

Thư Hàng Châu: Asian Games và công nghệ - Ảnh 1.

Hệ thống tủ locker tự động bên ngoài sân Linping, nơi người dùng chỉ cần quét mã để đóng và mở tủ một cách tự động. Ảnh: Hoàng Linh

Vé xem các môn thi đấu của đại hội cũng vậy, khán giả có thể mua vé trực tiếp tại quầy, còn thanh toán thì sẽ là quét mã QR.

Đến cả một hoạt động tưởng như không cần phải dùng tới sự hỗ trợ của công nghệ như tủ gửi đồ cũng được sử dụng bằng cách quét mã QR. Theo đó, người nào có nhu cầu dùng tủ gửi đồ sẽ bấm nút lấy mã rồi dùng mã QR do hệ thống nhả ra quét vào máy đọc, và ngăn tủ còn trống sẽ bật mở tự động, còn khi lấy đồ ra thì tiến hành ngược lại với quy trình gửi, tất cả các hoạt động này đều diễn ra một cách tự động, không cần sự giám sát của con người.

Chúng tôi không chỉ nhìn thấy hệ thống tủ gửi đồ quét mã này ở siêu thị mà còn thấy sự hiện diện của chúng ở cả sân Linping, nơi diễn ra các trận đấu vòng bảng của đội tuyển Olympic Việt Nam, và căn cứ vào đây thì có thể phỏng đoán được rằng kiểu gửi đồ bằng tủ tự động quét mã như vậy là rất phổ biến ở Trung Quốc.

Không chỉ như thế, sự phát triển của công nghệ ở Trung Quốc còn len lỏi cả vào những khía cạnh rất nhỏ của cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn như khách sạn nơi chúng tôi lưu trú có một robot chuyên nhận hàng do người vận chuyển đem tới cho khách hàng của khách sạn.

Khi đến giao hàng, nhân viên sẽ liên lạc với khách hàng, sau đó đặt món hàng cần giao cho robot và tiến hành một số thao tác cần thiết, sau đó, robot sẽ được đưa vào thang máy và đến đúng phòng của người nhận, và khách hàng sẽ được thông báo về sự xuất hiện của robot giao hàng bằng một hồi chuông lớn kèm theo âm thanh phát ra.

Từ những câu chuyện kể trên, có thể thấy rằng công nghệ ở Trung Quốc thực sự đã có sự vượt bậc và chúng tôi thật rất nóng lòng để chờ xem ở kỳ ASIAD 19 lần này, công nghệ của Trung Quốc sẽ đem đến những bất ngờ thú vị như thế nào. 


Huy Anh (Từ Hàng Châu, Trung Quốc)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›