Tạm biệt Hàng Châu. 3 năm nữa, ngày hội thể thao lớn nhất châu Á sẽ trở lại ở thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, Nhật Bản.
Cuộc họp Hội đồng thể thao châu Á (OCA) diễn ra tại Đà Nẵng (Việt Nam) ngày 25/9/2016 đã đi đến quyết định Nagoya sẽ là địa điểm đăng cai Á vận hội lần thứ 20. Theo kế hoạch, ASIAD 20 sẽ diễn ra từ 19/9 đến 4/10/2026. Tất nhiên, có một số môn – trong đó có bóng đá – sẽ diễn ra trước đó khoảng một tuần. Nagoya sẽ là thành phố thứ ba của Nhật Bản đăng cai Á vận hội sau Tokyo 1958 và Hiroshima 1994.
Theo dự kiến, ASIAD 2026 sẽ diễn ra với tổng cộng 42 môn thể thao, trong đó có 32 môn thể thao Olympic từ Thế vận hội Paris 2024. Bên cạnh đó còn có lướt sóng – môn thể thao đã lần đầu được đưa vào thi đấu ở Hàng Châu vừa qua – và 9 môn thể thao khác.
Ngoài ra, với tính chất khu vực, có 5 môn thể thao đặc trưng của 5 khu vực châu Á cũng đưa vào nội dung thi đấu là Wushu (Đông Á), Cầu mây (Đông Nam Á), Kabbadi (Nam Á), Kurash (Trung Á), và Jujitsu (Tây Á). Có 7 môn thể thao thế mạnh của AINAGOC (Ủy ban tổ chức Á vận hội Aich - Nagoya) là: Bóng chày/bóng mềm, Cricket, Karate, E-Sports, Squash, Dancesport (breakdance) và Tenpin bowling.
So với ASIAD 2023 ở Hàng Châu, có một số môn sẽ bị gạt bỏ. Đó là Contract bridge hay còn gọi nôm na là đánh phỏm (3 nội dung), Cờ vua (4), Cờ vây (3), và Cờ tướng (3) cùng Đua thuyền rồng (6 nội dung), và trượt Patin (10). Chắc chắn, những sự loại bỏ này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch chuẩn bị của một số đoàn thể thao Việt Nam, trong đó có Việt Nam, với thế mạnh về các môn cờ.
Thành phố Nagoya đã nhận được ước tính khoảng 85 tỷ yên chi phí từ chính quyền tỉnh Aichi cho sự kiện này, 30% trong số đó dự kiến sẽ được chi trả từ các khoản tài trợ và doanh thu khác, trong khi phần còn lại dự kiến sẽ được chia vào 70–30 cơ sở giữa Nagoya và tỉnh Aichi.
Về hạ tầng, sân vận động Paloma Mizuho sẽ tổ chức cả lễ khai mạc, lễ bế mạc và điền kinh. Khu liên hợp Nippon Gaishi Hall được sử dụng cho cả hai môn thể dục dụng cụ và thể thao dưới nước, Nagoya Dome được sử dụng cho bóng chày. Trong khi đó, môn bóng đá sẽ được diễn ra ở 8 sân vận động trên khắp cả nước Nhật, chứ không chỉ riêng ở Nagoya.
Tại Tokyo 1958, Nhật Bản nhất toàn đoàn với 67 HCV, 41 HCB, và 30 HCĐ, bỏ xa đoàn thứ nhì là Philippines (8 HCV, 19 HCB, 21 HCĐ). Nhưng tại Hiroshima 1994, họ chỉ đứng thứ nhì với 64 HCV, 75 HCB, 79 HCĐ. Xếp số một khi ấy là Trung Quốc với 126 HCV, 83 HCB, và 57 HCĐ.
Tags