Bà Chúa Xứ đâu cần 'phiên bản 2'

Thứ Năm, 01/03/2018 07:04 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 28/2, thông tin từ lãnh đạo thành phố An Giang (Châu Đốc) cho biết: pho tượng bà chúa Xứ "phiên bản 2" đang xây dựng tại đỉnh núi Sam tại đây sẽ phải tháo dỡ.

Sự việc bắt đầu khi bức tượng bà chúa Xứ thứ hai này (do công ty TNHH MGA Việt Nam xây dựng chưa xin phép) đã bị đoàn kiểm tra của UBND tỉnh An Giang phát hiện vài ngày trước.

Như giải thích từ phía xây tượng, họ muốn sau khi lên đỉnh núi Sam bằng cáp treo (mà công ty này đang triển khai), du khách sẽ có thể được... chiêm ngưỡng bà chúa Xứ luôn mà không phải xuống, chen chúc đi vào  khu di tích Miếu Bà chúa Xứ ở chân núi (nơi đặt tượng thật.)

Cần nhắc lại truyền thuyết về sự linh thiêng của bức tượng Bà Chúa Xứ gốc đang thờ trong miếu tại núi Sam. Theo dân gian kể lại, đầu thế kỷ 18, khi nhìn thấy sự linh ứng của bà chúa Xứ, nhân dân đã quyết định thỉnh tượng bà (đang tọa tại đỉnh núi Sam) xuống chân núi để tiện thờ cúng.

Chú thích ảnh
Nhà đầu tư cam kết tháo dỡ tượng Bà Chúa Xứ phiên bản 2 trên Núi Sam. Ảnh: Internet

Hàng chục thanh niên cường tráng định khiêng bức tượng Bà vào miếu thờ nhưng không được. Sau đó, nhân dân được biết, bà muốn 9 cô gái đồng trinh khiêng tượng mình. Quả nhiên, tượng được chuyển xuống, tới vị trí hiện nay thì bỗng dừng lại. Nhân dân hiểu rằng bà muốn an vị tại đây, và từ đó lập miếu thờ...

Thực tế, dù là một truyền thuyết, nhưng câu chuyện về bức tượng và ngôi miếu thờ bà chúa Xứ đã trở thành hạt nhân gắn liền với tín ngưỡng dân gian tồn tại quanh di tích này. Và, nhìn rộng hơn, hàng chục, hàng trăm di tích trong văn hóa Việt cũng đi liền với những truyền thuyết dân gian như thế.

Nói cách khác, tín ngưỡng hình thành quanh bà chúa Xứ gắn liền với địa điểm ấy và bức tượng ấy. Từ nhu cầu tâm linh và niềm tin trong tâm thức, du khách tìm tới đó, chứ không phải vì một lý do nào khác. Dựng bức tượng bà chúa Xứ thứ 2, người ta cũng không thể thay thế những lớp giá trị đã được tích tụ qua vài trăm năm như thế. Thậm chí, đó lại là một cách làm hỏng giá trị của bức tượng đang tồn tại. Cái sai về mặt luật pháp đã rành rành ra đó khi công ty này cố ý xây dựng bức tượng với kích thước quy mô to như vậy mà chưa hề có giấy phép xây dựng cũng như bất kỳ thủ tục cần thiết nào từ cơ quan chức năng. Cũng cần nhắc lại, vào năm 2015 lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

***

Câu chuyện dựng tượng bà chúa Xứ mới khiến người ta không khỏi liên tưởng tới những trường hợp khai thác di tích quá đà ở một số di tích khác.

Cách làm ấy, tất nhiên trước tiên đến từ nguồn lợi mà du khách mang lại. Đơn cử, tại Châu Đốc, du khách thập phương đổ về lễ bái miếu Bà Chúa Xứ hằng năm mỗi lúc một tăng cao và chỉ riêng trong năm 2017 đã đạt con số hơn 5 triệu lượt khách. Lượng khách quá lớn này đã mang về một nguồn thu không nhỏ cho địa điểm tâm linh này cũng như cho thu nhập ngành dịch vụ du lịch của địa phương.

Nhưng, nếu chỉ có vậy thì chưa đủ.

Đó còn là câu chuyện từ chính những du khách đang đổ xô đến với lễ hội, với di tích tín ngưỡng trong năm qua, với tâm thế a dua và thiếu đi sự hiểu biết cần có. Bởi thiếu hiểu biết, nên họ dễ dàng hài lòng, thậm chí là hào hứng với những di tích được sơn sửa hào nhóang lòe loẹt hoặc được "dựng mới" hoàn toàn. Nhìn vào pho tượng bà chúa Xứ “phiên bản 2” có kích thước khổng lồ cao tới 20 mét đang dựng dở, tôi tự hỏi: Nếu chưa bị tháo dỡ, liệu khách hành hương tới đây có đủ minh mẫn để bật cười và quay đi hay không?

Sẽ tháo dỡ tượng Bà Chúa Xứ xây dựng trái phép trên Núi Sam, An Giang

Sẽ tháo dỡ tượng Bà Chúa Xứ xây dựng trái phép trên Núi Sam, An Giang

UBND tỉnh An Giang đã làm việc với đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn MGA Việt Nam, Chủ đầu tư xây dựng công trình tượng Bà Chúa Xứ trên Núi Sam (thành phố Châu Đốc), gây bức xúc dư luận những ngày qua.

Văn Đồng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›