Ba ký hiệu Thanh Tùng

Chủ nhật, 27/03/2016 19:32 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Những người làm sáng tạo thực thụ thường nuôi dưỡng, vun đắp (dù cố ý hoặc vô ý) những ký hiệu riêng để làm nên nhân sinh quan và bản sắc của mình. Thanh Tùng cũng vậy, ông có nhiều ký hiệu để nhận diện, nhưng tùy góc nhìn mà chúng ta có thể nhận ra những ký hiệu khác nhau.

Có một ký hiệu đã phổ biến đến điển hình của Thanh Tùng mà nhiều nơi đã viết, ở đây không nhắc lại quá chi tiết. Đó là tâm hồn hào hoa và đào hoa, yêu nhiều người nhưng thủy chung với một người - một lý tưởng yêu đến trọn vẹn.

“Không hẳn có một người phụ nữ bên cạnh là bạn hết cô đơn. Với một người nghệ sĩ sống lãng mạn như tôi thì đôi khi càng sống bên cạnh nhau lại càng cảm thấy cô đơn”, Thanh Tùng nhiều lần tâm sự về điều này.

Và ca khúc Một mình mà ông viết năm 40 tuổi, khi vợ qua đời do bạo bệnh, cũng là cách ông vun đắp, khẳng định ký hiệu thủy chung của mình.

Hồn thơ tự do

Nhìn lại toàn bộ ca khúc của Thanh Tùng đã viết, có lẽ ông chỉ một hai lần phổ thơ, trong đó nổi tiếng nhất là bài Cơn bão nghiêng đêm, phổ từ bài Bão của thi sĩ Tế Hanh (1921-2009). Gần đây Lê Cát Trọng Lý trình bày lại ca khúc này khá thành công và mới mẻ.

Tế Hanh viết bài thơ Bão từ năm 1957, xuất hiện trên một hai tạp chí địa phương trước khi in trong tập Gửi miền Bắc (1958). Trong bối cảnh những năm sau 1954, bài thơ dù được nhiều bạn trẻ yêu thích, nhưng thật sự không làm vui nhiều người, do nó bị cho có “tâm hồn tiểu ỷ mị, tư sản”.


Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Bài thơ của Tế Hanh đến với Thanh Tùng khá tình cờ, nhưng đầy tình ý. Trong một bài phỏng vấn trước đây, ông kể: “Có lẽ đó là một bài thơ trách móc. Vì trước đó, chúng tôi cùng sinh hoạt chung trong ban văn nghệ trường Chu Văn An, tôi học lớp 10, cô ấy học lớp 9. Mà tôi thì không dám nói gì với cô ấy, cho đến khi cô ấy gửi cho tôi bài thơ. Bài thơ ấy, sau 41 năm tôi mới đủ bản lĩnh để phổ nhạc. Và đó là bài thơ tình đầu tiên mà tôi phổ nhạc”.

Nguyên văn bài thơ Bão như sau:

“Cơn bão nghiêng đêm,

Cây gãy cành, bay lá.

Ta nắm tay em

Cùng nhau qua đường cho khỏi ngã.

Cơn bão tạnh lâu rồi!

Hàng cây xanh thắm lại.

Nhưng em đã xa xôi,

Và cơn bão lòng ta thổi mãi…”.

Trong khi đó Thanh Tùng nhớ, đúng hơn, cô gái trẻ kia chép theo trí nhớ, nên có vài thất bổn, gởi gắm “lòng em” theo cách riêng: “Cơn bão nghiêng đêm, cây gãy, cành bay lá/ Anh nắm tay em qua đường cho khỏi ngã/ Cơn bão tan rồi, hàng cây xanh thắm lại/ Nhưng anh cũng xa rồi, cơn bão lòng em thổi mãi”.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi chủ thể, ngôi thứ và những thay đổi ngôn từ là rất bình thường trong việc phổ thơ, thậm chí làm tác phẩm phái sinh. Nhưng với Thanh Tùng, những câu thơ ấy: “Kinh không, thơ viết thế mới gọi là thơ, sợ thế!”. Rõ ràng ông chịu sự chi phối bởi thi ảnh rõ ràng và cảm xúc bất ngờ, điều mà thơ tự do thường thể hiện.

Trong một cuộc trò chuyện hồi đầu thế kỷ 21, Thanh Tùng tâm sự rằng ông rất thích thơ tự do, nhưng ngại làm thơ. “Vì làm thơ phải hiểu giá trị ngữ nghĩa và phản nghĩa của từng từ, từ câu, nó cũng giống như ta đứng trong một dàn nhạc, phải hiểu công năng của từng nhạc cụ và giá trị kết hợp của nó”.

Thế nhưng, nếu chỉ đọc lời và sắp xếp nó theo nhịp trong ca khúc của Thanh Tùng, chúng là gì nếu không phải là những bài thơ tình tự do. Đặc biệt với những ca khúc như Cảm ơn mùa Thu, Đếm lá ngoài sân, Em và tôi, Giọt nắng bên thềm, Giọt sương trên mi mắt, Hát với chú ve con, Hoa tím ngoài sân, Lối cũ ta về, Lời tỏ tình mùa Xuân, Mưa ngâu, Một mình, Trái tim không ngủ yên…, chất thơ tự do càng rõ ràng, mạnh mẽ.

Với nhiều nhạc sĩ khác, nếu chỉ đọc riêng lời, đôi khi nghe rất vô nghĩa và rất sến. Thanh Tùng thì khác. Ông rất cẩn trọng trong việc lựa từ, lựa câu, dù nương theo cảm xúc bất ngờ, nhưng không bị nó dẫn dắt, lèo lái. Đa phần ca khúc của ông đều đạt đến thi ảnh rõ ràng, mới và lạ, đôi khi vị lai, siêu thực, đôi khi lãng mạn, tượng trưng…, nhưng tất cả đều có thể hình dung, nắm bắt được.

Em và tôi

Ngoài Một mình, thì các ca khúc Em và tôi, Lối cũ ta về mang hình ảnh người vợ đầu tiên của ông rõ nét nhất. Bộ ba ca khúc này đã được Thanh Lam thể hiện rất thành công, nó cũng góp một viên đá tảng làm nên tên tuổi của NSƯT này.

Đặc biệt, mối tương quan “em và tôi” (đôi khi không phân biệt khách thể và chủ thể, ngôi số 1 hoặc số 2) cũng là thao tác quen thuộc trong cách nhìn của Thanh Tùng. Nó là một tiếp nối của “mình với ta”, “ta với ta” trong văn học - nghệ thuật Việt Nam từ cuối thế kỷ 19. Nó cũng giống như mối tương quan “You and I” trong vô số ca khúc viết trước và sau thời của Thanh Tùng.

Trong các ca khúc viết theo tương quan này, Thanh Tùng có thể chưa phải là hạng nhất, nhưng ông có một cách đi riêng, bình tĩnh, nên không áp đặt, bon chen. Dù vậy, nhưng cấu tứ và cấu trúc “em và tôi” của ông đã để lại nhiều ảnh hưởng (trực tiếp và gián tiếp) trong các ca khúc của nhiều nhạc sĩ về sau này.

Trở lại bài Cơn bão nghiêng đêm chẳng hạn, tiếp nhận gián tiếp ký hiệu của Tế Hanh - một hồn thơ chỉn chu thời tiền chiến đang đổi mới chính mình theo hướng tự do - Thanh Tùng xác định lại mối tương quan “lòng ta” bằng cách nhận nỗi đau về riêng mình: “Nhưng em đã xa rồi, cơn bão lòng anh thổi mãi”. Hay như trong bài Đếm lá ngoài sân: “Từ ngày quen em, tôi thật là vui, tôi vui như thể tôi chẳng là tôi. Từ ngày xa em, tôi thật là buồn, tôi buồn như thể tôi chính là tôi”.

Nếu có ai đó nói rằng chỉ có thể yêu mới sống, “yêu và sống”, thì với Thanh Tùng, yêu đó là nguồn cội của đa số ca khúc thành công. Và ở đó, hạt giống thủy chung (lý tưởng yêu) luôn được gieo trồng rất tự nhiên trên mảnh đất màu mỡ, hiền hòa của “em và tôi”, của “tôi là tôi”. Nhờ vậy mà Thanh Tùng luôn vượt qua được nỗi đau bên ngoài để tìm kiếm sự ngời sáng, thanh khiết trong âm nhạc, trong thi ảnh.

Bởi theo ông: “Thuộc tính đẹp nhất của tình yêu chính là lòng tin. Tình yêu chứa đựng nhiều cái đẹp. Nhưng với riêng tôi, lòng tin làm cho tình yêu có vẻ đẹp ngời sáng”.

Nhạc sĩ Thanh Tùng sinh ngày 15 tháng 9 năm 1948 tại Khánh Hòa. Năm 6 tuổi ông cùng cha mẹ ra Bắc. Lớn lên, ông sang học tại Nhạc viện Bình Nhưỡng, Triều Tiên và tốt nghiệp năm 23 tuổi.

Ông mất ngày 15 tháng 3 năm 2016 để lại cho công chúng yêu nhạc hơn 200 bài hát, trong đó có những tác phẩm như Trái tim không ngủ yên, Hát với chú ve con, Hoàng hôn màu lá, Chuyện tình của biển, Lời tỏ tình của mùa xuân, Ngôi sao cô đơn, Câu chuyện nhỏ của tôi, Giọt nắng bên thềm, Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, Phố biển, Mưa ngâu, Lối cũ ta về...

Hiền Hòa
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›