Theo chuyên gia, việc ăn quá cay, quá chua, quá mặn là bộ 3 sở thích khi ăn của nhiều người Việt. Tuy nhiên, những sở thích ăn uống này lại vô tình làm mỏng dạ dày.
Đồ cay không gây hại dạ dày nhưng cách ăn sai sẽ gây hại
Gia vị cay là thứ không thể thiếu để tạo ra sự đặc sắc cho món ăn. Rất nhiều người thích ăn cay vì nó kích thích vị giác giúp cho món ăn ngon, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, vẫn không ít người lo ngại việc ăn cay sẽ bào mòn lớp niêm mạc, gây tổn thương cho dạ dày. Vậy, đồ ăn cay có làm tổn thương dạ dày hay không? Dưới đây là những lý giải của chuyên gia.
PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh, Trưởng Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM, nguyên Trưởng khoa Vi chất - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết nếu nói tới gia vị cay mọi người sẽ nghĩ ngay tới ớt, ngoài ra còn có gừng, tiêu… Ăn cay có gây tổn hại cho dạ dày hay không sẽ tuỳ thuộc vào thời điểm ăn.
Ăn cay gây hại khi người ăn đang có vấn đề về dạ dày, ví như viêm dạ dày, loét dạ dày, trào ngược dạ dày… Những đối tượng này nếu ăn cay sẽ làm nặng thêm bệnh lý đang có.
Người khoẻ mạnh, dạ dày không có bệnh lý thì ăn cay không ảnh hưởng. Vì rất nhiều đất nước người dân vẫn ăn cay như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc nhưng số người mắc các bệnh lý dạ dày không hề tăng.
Bác sĩ Ninh cho biết: "Ăn cay gây hại cho dạ dày thì cần phải có điều kiện: ăn khi đang có bệnh lý về dạ dày, ăn quá nhiều. Hoặc khi ăn cay ăn kèm thêm chua, mặn, ăn không cân đối dẫn tới rối loạn tiêu hoá, thức ăn cay nhân dịp đó sẽ gây hại cho dạ dày".
Ăn chua bào mòn dạ dày
Theo bác sĩ Ninh, ăn quá chua cũng gây hại cho dạ dày, đặc biệt ăn vào thời điểm khi bụng đang đói. Việc ăn quá nhiều đồ chua sẽ kích thích niêm mạc dạ dày. Đối với những trường hợp đã viêm loét dạ dày sẽ dễ bị tổn thương nặng hơn, gây ra các cơn đau dạ dày.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra các thực phẩm muối chua như củ, quả khi để lâu dễ bị chuyển hoá thành nitrat. Nitrat tác dụng với một số axit amin trong dạ dày tạo thành nitrosamine (một chất gây ung thư).
Ăn mặn gây rối loạn tiết dịch trong dạ dày
Thói quen ăn mặn, đặm vị khiến cho mọi người sẽ cảm thấy 'vào' cơm hơn. Tuy nhiên, ăn mặn lại không tốt cho dạ dày. Bác sĩ Ninh khuyến cáo, ăn quá mặn khiến cho rối loạn tiết dịch, các chất độc dễ ngấm vào niêm mạc dạy dày gây hại cho cơ quan này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5 gram muối/ngày. Tuy nhiên, một điều tra năm 2015 cho thấy mức tiêu thụ muối trung bình của mỗi người Việt là khoảng 9,4 gram muối/ngày. Điều này có nghĩa là người Việt đang ăn lượng muối cao gấp gần 2 lần so với khuyến cáo của WHO.
Bác sĩ Ninh cho biết để bảo vệ dạ dày và đường tiêu hoá, mọi người cần phải lưu ý những điểm sau:
- Ăn uống điều độ, đủ bữa, ngày ít nhất 3-5 bữa ăn (3 bữa chính và 2 bữa phụ). Khi thấy bụng cồn cào nên uống một cốc sữa hoặc ăn một chút bánh, đơn giản là uống một cốc nước lọc.
- Không nên ăn quá chua, cay hay mặn vì đều không tốt cho dạ dày.
- Không nên uống rượu bia vì đây là tác nhân ảnh hưởng rất lớn tới đường tiêu hoá.
- Ăn chậm nhai kỹ để giảm đi gánh nặng cho dạ dày.
- Đường tiêu hoá bị ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố tinh thần, do vậy cần tránh căng thẳng, đồng thời cần ngủ và nghỉ ngơi hợp lý, khoa học.
- Tăng cường vận động thể dục thể thao để đảm bảo sức khoẻ tổng thể nói chung và sức khỏe hệ tiêu hóa nói riêng.
Tags