(Thethaovanhoa.vn) - Gần như nối tiếp nhau, 3 triển lãm cá nhân tại TP.HCM của 3 nghệ sĩ trẻ mang đến cho nghệ thuật đương đại Việt Nam một tín hiệu rất đáng vui. Cắm rễ tác phẩm trên mảnh đất Việt Nam, nhưng vươn ý niệm và tầm nhìn ra bên ngoài. Đó là: Lê Giang, Phạm Trần Việt Nam, Trương Công Tùng. Họ đã kể được câu chuyện của riêng mình.
Triển lãm Phản niệm của Lê Giang (sinh năm 1988, Hà Nội) vừa diễn ra tại Vin Gallery; triển lãm Văn tế thập loại chúng sinh của Phạm Trần Việt Nam (1985, Đà Nẵng) đang diễn ra tại The Factory (TP.HCM); triển lãm Nơi giữa sự phân mảnh & cái toàn thể của Trương Công Tùng (1986, Đắk Lắk) đang diễn ra tại Galerie Quỳnh (TP.HCM). Đây là các không gian uy tín, ưu chuộng nghệ thuật đương đại, do tư nhân sáng lập và điều phối.
Trách nhiệm nghệ sĩ
Các tác phẩm trong Phản niệm của Lê Giang thuộc chuỗi dự án Tàn chỉ mà chị đã theo đuổi suốt mấy năm qua. Trong quá khứ, việc đắp đê đã làm cho sông Hồng thay đổi dòng chảy và lưu vực, điều này ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa và văn minh Bắc bộ, trong đó có đình làng. Lê Giang lấy cảm hứng từ một tàn tích đình làng thời Lê, qua đó thạch cao hóa hiện trạng của nó, rồi đặt ra những câu hỏi cho chính cuộc sống hôm nay.
“Làm sao chúng ta có thể định vị được bản thân trong hiện tại, và suy tưởng về tương lai khi những bằng chứng vật chất của lịch sử đang ngày một biến mất?”. Đây là một câu hỏi lớn, đầy trách nhiệm, nhưng khó có lời đáp chung, vì vậy mà tác phẩm thành đối tượng để phản niệm, qua đó tự mỗi người tìm ra cách trả lời riêng. Bởi câu hỏi ta từ đâu, ta là gì, ta sẽ đi đâu… vẫn chưa cũ với nhiều người.
Phạm Trần Việt Nam thì lấy cảm hứng từ Văn chiêu hồn của Nguyễn Du để nói về nỗi đau chung của “thập loại chúng sinh” thời nay. Trong xã hội kim tiền, nặng chủ nghĩa cá nhân, vậy thì mối tương liên của tâm hồn là gì? Hay là vui sướng, khổ đau, thét gào, câm lặng… cũng chỉ mình ta, ta biết?
Tác phẩm của Trương Công Tùng lấy cảm hứng từ cuốn Cái toàn thể & trật tự ẩn (1980) của nhà vật lý lượng tử David Bohm. Sách này cho rằng thực tại đa chiều của vũ trụ do một trật tự ẩn điều phối, nó có thể cuộn lại và mở ra. Từ đây, Trương Công Tùng truy vấn về sự liên hệ giữa cái tôi và vũ trụ, giữa cá nhân và gia đình, đất nước, nhân loại...
Bắc được nhịp cầu với quá khứ và tri thức là điểm sáng đầu tiên của ba nghệ sĩ này. Kế đến, đó là sự chín chắn về ý niệm và cách diễn đạt đã giúp cho các tác phẩm, dù nặng tính thể nghiệm, vẫn không quá cách xa với cảm nhận chung của nhiều người.
Mừng vì họ khác nhau
Sau khi xem cả ba triển lãm nặng tính sắp đặt và có chung ý niệm là bắc nhịp cầu với quá khứ, rất vui khi thấy họ đã có được cách kể chuyện khác nhau.
Lê Giang xoáy câu chuyện vào hình ảnh phế tích của một đình làng - tạm gọi là đi theo hướng mượn vật chất lý giải thực tại. Phạm Trần Việt Nam xoáy vào yếu tố linh hồn - tạm gọi là đi theo hướng mượn siêu hình lý giải thực tại. Trương Công Tùng xoáy vào các mối quan hệ chằng chịt, vừa hữu cơ vừa vô hình - tạm gọi là đi theo hướng mượn sự va chạm để lý giải thực tại. Về không gian vật lý, vật liệu, cách trưng bày… ba triển lãm cũng khác nhau.
Vui hơn nữa, cả ba đều nỗ lực thoát khỏi sự ràng buộc theo các định nghĩa, các tiêu chí của nghệ thuật đương đại phương Tây. Dù biết để thoát hoàn toàn là rất khó, vì đang theo cuộc chơi kiểu của họ, nhưng những điều mà ba nghệ sĩ này đã làm được thật đáng quý. Điều này có thể mang đến cho người xem một hy vọng về thế hệ nghệ sĩ có bản sắc và câu chuyện riêng trong bối cảnh mà sự toàn cầu hóa đang chi phối mạnh mẽ.
Văn Bảy
Tags