Ba thế kỷ trồng cây vì Trường Sa Xanh - Ảnh 1.

Cuối tháng 4 năm 1975, khi những người lính đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam đặt chân lên các đảo ở Trường Sa, không gian bao la chỉ có gió, cát và cánh chim hải âu.

"Chỉ có một số cây dừa trên đảo Nam Yết và vài gốc bàng quả vuông cổ thụ trên những đảo lớn… Nhiều đảo hầu như không có cây cối, chỉ mênh mông gió, cát, nắng cháy và chim", nhà báo Nguyễn Khắc Xuể kể lại. Ông là phóng viên đầu tiên chụp ảnh các đảo Trường Sa sau ngày thống nhất. Trong những bức ảnh giờ đã quá nổi tiếng ấy, chỉ thấy lác đác những tán dừa trong biển trời. Mặt đất phủ đầy những cây sâm đất dại bò lan.

Ba thế kỷ trồng cây vì Trường Sa Xanh - Ảnh 2.

Nhưng ngay cả những cây dừa già hiếm hoi ở Trường Sa cũng có sự tích. Chúng có tuổi đời hàng thế kỷ. Đã có nghiên cứu khẳng định rằng những cây dừa già này đã có mặt ở Trường Sa cùng thời vua Minh Mạng cử thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật – đem đội thủy binh của mình ra Hoàng Sa và Trường Sa để đo đạc, xác định vị trí các đảo (1836). Nghĩa là từ thời cha ông, những cây xanh đã được coi như cột mốc chủ quyền.

Lúc mới tiếp quản các đảo ngày thống nhất, các chiến sĩ hải quân còn phát hiện ra trên đảo có cây nhàu. Những sĩ quan quê ở Nha Trang tin chắc: trong đội quân thủy của Phạm Hữu Nhật xưa kia có người Nha Trang, nên họ đã mang cây nhàu tới nơi này. "Tôi đã đi nhiều nơi nhưng không đâu có cây nhàu như Nha Trang quê tôi. Thân cây cao vươn thẳng. Lá xanh đậm, dáng thấp lá cà phê. Quả tròn như trứng vịt như có múi như na", kỹ sư hải quân Ngọc Giá công tác tại đảo, kể trên báo Hà Nội Mới năm 1988.

Ba thế kỷ trồng cây vì Trường Sa Xanh - Ảnh 3.

Ba thế kỷ trồng cây vì Trường Sa Xanh - Ảnh 4.

Như thế, truyền thống mang cây từ mọi miền tổ quốc về để "đánh dấu" sự hiện diện của con người Việt Nam ở nơi đầu sóng ngọn gió này, dường như là một truyền thống từ tổ tiên ta. Năm 1975, khi Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt đầu cuộc hành trình xây dựng đảo, một trong những loài cây đầu tiên được "du nhập" về Trường Sa, là… đào Nhật Tân. Những chiến sĩ quê Hà Nội đã mang theo loài cây đại diện cho mùa Xuân phương Bắc đến đảo. Có lẽ hiếm hình ảnh nào đẹp hơn thế, về ngày non sông liền một dải.

Tới cuối những năm 80, trên đảo đã có đào Nhật Tân, cam Xã Đoài (Nghệ An) hay dừa Bồng Sơn (Bình Định)… mỗi ngày về phép các chiến sĩ đều cố gắng mang những hạt giống các loài cây đặc trưng của quê hương mình ra đảo.

Ba thế kỷ trồng cây vì Trường Sa Xanh - Ảnh 5.

Trồng cây tại Trường Sa, từ lâu đã vượt qua ý nghĩa sinh thái, mà trở thành một hành động biểu tượng, một cách "cắm cột mốc chủ quyền" riêng của người Việt Nam.

Nhưng đó là một hành trình không dễ dàng. Một vài cây làm biểu tượng không phủ xanh được Trường Sa. Để tạo dựng hệ sinh thái xanh trên đảo, bảo vệ đời sống của quân và dân, không thể trông chờ chỉ vào những hạt giống được mang ra từ đất liền. Việc nhân giống, chiết cành của chính những cây đã lớn tại Trường Sa được thực hiện liên tục nửa thế kỷ qua, trong những vườn ươm của bộ đội. Bàng vuông vì thế trở thành "nữ hoàng" của đảo: loài cây sinh ra để chịu được khí hậu khắc nghiệt giữa biển khơi kể từ khi còn là một hạt giống. Đến thăm những vườn ươm trên các đảo Trường Sa bây giờ, sẽ thấy những dãy dài các hom giống bàng vuông. Đảo nào có nhiều đất mùn và hệ thống nước ngọt, như Sơn Ca, sẽ trồng cây giống và chuyển đến các đảo chìm như Cô Lin, Len Đao, Đá Tây A, Đá Tây B.

Trong chương trình "Xanh hóa Trường Sa", chỉ trong vòng 4 từ năm 2021-2025, quân và dân trên đảo đã trồng được 90.000 cây xanh. Một nỗ lực phi thường: tốc độ trồng cây của huyện đảo ngang bằng với mục tiêu xanh hóa của nhiều quận, huyện trong đất liền. Nhiều huyện đồng bằng cũng chỉ trồng mới 20.000 cây xanh mỗi năm.

Ba thế kỷ trồng cây vì Trường Sa Xanh - Ảnh 6.

Nhưng mục tiêu của Quân chủng Hải quân, của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo, cũng như tâm nguyện của người dân cả nước không chỉ dừng lại ở đó: họ mong muốn gấp 10 lần hơn thế. Chương trình Hi Green Trường Sa ra đời, với mục tiêu trồng một triệu cây xanh nơi huyện đảo.

Ba thế kỷ trồng cây vì Trường Sa Xanh - Ảnh 7.

Tháng 4/2025, cả nước đang cùng náo nức sống lại những tháng ngày lịch sử, cùng đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất. Ở nơi đảo xa, cuộc giành giật từng tấc đất với sóng gió, xây dựng lá chắn xanh củng cố chủ quyền của tổ quốc vẫn tiếp tục.

Những cây non đầu tiên trong chương trình Hi Green Trường Sa đang được các chiến sĩ hải quân nâng niu, chuẩn bị gieo xuống đất đảo.

Trong chương trình Hi Green Trường Sa, ai cũng có thể góp sức để cấy lên những mầm xanh nơi tiền phương tổ quốc. Quân chủng Hải quân phối hợp với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) phát động một chiến dịch xã hội quy mô lớn, với mục tiêu quyên góp 160 tỷ đồng tài trợ cho việc trồng cây ở Trường Sa.

Không phải ai cũng có thể đặt chân đến đảo xa. Nhưng mỗi người Việt Nam đều có thể cùng "hóa thân" vào những chiến sĩ hải quân của thế kỷ trước, nâng niu những hạt giống nhỏ bé vượt sóng đem ra đảo xa. Nền tảng số cho phép họ chung sức: bằng các hoạt động quyên góp trực tiếp, những hoạt động tài chính xanh hay các hoạt động lan tinh thần yêu nước qua đó MB tài trợ đối ứng.

Ba thế kỷ trồng cây vì Trường Sa Xanh - Ảnh 8.

Trong các hoạt động tài chính xanh, mỗi tài khoản đăng nhập lần đầu vào ứng dụng MBBank (mở mới) cũng sẽ tạo ra 5.555 đồng quyên góp; mỗi chứng chỉ tiền gửi hay sổ tiện kiệm có giá trị hơn một triệu đồng và kỳ hạn hơn một tháng trở lên cũng tạo thành 5.555 đồng kinh phí trồng cây; mỗi lượt thanh toán bằng thẻ tín dụng MB phát hành với giá trị trên 500.000 đồng cũng sẽ tạo ra 5.555 đồng.

Tương tự, các bạn trẻ có thể thực hiện music challenge (thử thách với âm nhạc) để kêu gọi cộng đồng tham gia trên Tik Tok và Facebook, cũng sẽ mang về 55.555 đồng cho quỹ. Mỗi clip ngắn sử dụng nền nhạc là ca khúc Máu đỏ da vàng của ca sĩ Phương Mỹ Chi – một bản phối riêng được thực hiện cho chương trình – sẽ được MB đối ứng 55.555 đồng vào ngân sách HiGreen Trường Sa.

Những con số "5555" đó được chọn vì chúng là con số cuối cùng trong kinh-vĩ độ của đảo Trường Sa Lớn, trái tim của quần đảo. Mỗi người Việt Nam yêu tổ quốc đều ghi nhớ hình ảnh người chiến sĩ hải quân đứng bên cột mốc chủ quyền thiêng liêng trên đảo – và dù không để ý, đã từng nhìn thấy con số 5555 ấy một lần trong đời.

Ba thế kỷ trồng cây vì Trường Sa Xanh - Ảnh 9.

"HiGreen Trường Sa không chỉ là biểu hiện của lòng yêu nước, của trách nhiệm cộng đồng, khi chúng ta cùng chung tay phủ xanh nơi tiền tiêu của tổ quốc", đại tá Lưu Trung Thái, chủ tịch MB khẳng định, "Đó còn là sáng kiến khẳng định rằng MB đang cùng cộng đồng tiến vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên công nghệ, nơi chúng ta có thể tận dụng các nền tảng công nghệ để chung tay kiến tạo những giá trị". Việc tích hợp các hoạt động tài chính xanh vào một chương trình CSR là một phương thức rất mới, mà Hi Green Trường Sa là dự án đầu tiên ứng dụng.

Ba thế kỷ trồng cây vì Trường Sa Xanh - Ảnh 10.

Đến một ngày, quần đảo Trường Sa đã trở thành địa chỉ "xuất khẩu" cây bàng vuông. Những đoàn công tác từ đất liền ra đảo thỉnh thoảng sẽ được tặng một vài cây bàng vuông nhỏ, đem về làm kỷ niệm. Không phải cây đặc hữu, nhưng bàng vuông đã thành một cái tên mà khi nhắc đến, ai cũng sẽ nhớ về Trường Sa.

Những cây bàng vuông mang về từ Trường Sa luôn được người nhận trồng cẩn thận như những báu vật. Sự quý giá của chúng không phải đến từ nguồn gene đặc hữu, hoa rực rỡ, dáng rồng phượng, mà bởi ai cũng biết rằng những hạt giống ấy, cây non ấy được đánh đổi bằng máu xương, bằng sự hy sinh của con người Việt Nam từ thời cha ông mở cõi đến những ngày chiến đấu với ngoại bang, những nỗ lực vượt sóng, bám đảo, xây dựng cuộc sống nơi gần như không có tài nguyên.

Khi cả nước gồng mình vượt qua những tháng ngày đau thương vì đại dịch Covid, thiếu thiết bị y tế, một trong những "món hàng" được đấu giá để ủng hộ máy thở cho thành phố Hồ Chí Minh là… cây bàng vuông. Những cây non mỏng manh, dáng không đẹp như bonsai, lá không đẹp như bàng Singapore, nhưng được các nhà hảo tâm trả hàng chục triệu đồng mỗi cây. Lý do đơn giản nhất: chúng được ươm mầm trên Trường Sa.

Ba thế kỷ trồng cây vì Trường Sa Xanh - Ảnh 11.

Những cây bàng vuông từ Trường Sa được trồng trên đất liền như biểu tượng cho nỗ lực phủ xanh Việt Nam. "Nếu ở Trường Sa chúng ta cũng có thể trồng lên những cánh rừng xanh, thì không đâu trên đất nước này chúng ta không thể", đại tá Lưu Trung Thái nói. Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định các cam kết quốc tế và xây dựng chiến lược quốc gia liên quan đến chống biến đổi khí hậu và net zero. Để đạt được cam kết tại COP26, Việt Nam trở thành quốc gia có phát thải ròng bằng không (net zero) vào năm 2050, sẽ cần hàng tỷ cây xanh được trồng lên trên khắp đất nước.

Một triệu cây xanh tại Trường Sa sẽ thành "ngọn cờ đầu" để mỗi người Việt Nam hướng về, đồng lòng thực hiện cam kết vì một Việt Nam Xanh. Nếu Trường Sa Xanh, Việt Nam sẽ xanh. Huyện đảo luôn là nơi trái tim một trăm triệu con người cùng hướng về để tin tưởng.

Dưới cột mốc chủ quyền với kinh độ 111 độ 55 phút 55 giây huyền thoại, trong những ngày tháng Tư lích ử, các chiến sĩ hải quân trẻ cầm trên tay những hom bàng vuông mới ươm. Họ đưa cao tấm biểu ngữ của Hi Green Trường Sa, trên đó viết: "Gửi lòng yêu nước. Góp 1 triệu cây xanh", và cùng hô vang tên của chương trình. Ở nơi đó, quân và dân trên các hòn đảo tiền tiêu, cũng đang hướng về đất liền, chờ đợi từng cử chỉ nhỏ, để góp công, góp sức, cùng tạo nên lá chắn xanh giữa biển Đông.

Ba thế kỷ trồng cây vì Trường Sa Xanh - Ảnh 12.

YK
Báo Thể thao và Văn hóa