Bắc Giang kỷ niệm 138 năm Khởi nghĩa Yên Thế

Thứ Ba, 15/03/2022 20:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 15/3, tại Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế (Bắc Giang), UBND huyện Yên Thế đã tổ chức Lễ kỷ niệm 138 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884 - 2022).

Kỷ niệm 135 năm Cuộc khởi nghĩa Yên Thế

Kỷ niệm 135 năm Cuộc khởi nghĩa Yên Thế

Ngày 16/3, tại thị trấn Cầu Gồ, UBND huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ kỷ niệm 135 năm Cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884 - 2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Với lòng tôn kính và tưởng nhớ những công lao to lớn của vị anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám, vị tướng tài năng, người thủ lĩnh tối cao của phong trào nông dân Yên Thế và nghĩa quân đã chiến đấu chống thực dân Pháp trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hàng năm, cứ vào ngày 15,16,17/3 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Thế long trọng tổ chức lễ hội Yên Thế. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Huyện chỉ tổ chức phần Lễ với các nội dung như: Lê dâng hương tại Đền Thề; Lễ tế thần, Lễ dâng hương trước tượng đài Hoàng Hoa Thám.

Trong quá trình thực hiện các nghi lễ, lực lượng chức năng liên tục nhắc nhở du khách và người dân tham dự lễ hội thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như tuân thủ 5K, không tập trung đông người...

Chú thích ảnh
Thực hiện các nghi thức trong lễ tế. Ảnh: Danh Lam

Cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã viết lên trang sử hào hùng về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý vào kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam. Đặc biệt là những nét độc đáo về chiến tranh du kích; xây dựng lực lượng; căn cứ làng, xã chiến đấu liên hoàn trên một địa bàn rộng khắp.

Chú thích ảnh
Ảnh: Danh Lam

Trong lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta trước khi có Đảng, cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) được đánh giá là cuộc khởi nghĩa có vũ trang của nông dân có quy mô lớn nhất, trên bình diện rộng nhất, thời gian kéo dài nhất và oanh liệt nhất. Cuộc khởi nghĩa đã trở thành biểu tượng rực rỡ của lòng yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.

Với ý nghĩa lịch sử to lớn đó, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cuộc khởi nghĩa để lại, năm 2012 những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt và Lễ hội Yên Thế được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Chú thích ảnh
Đông đảo tầng lớp nhân dân đến dâng hương. Ảnh: Danh Lam

Nét nổi bật trong phần Lễ tế thân năm nay đó là nghi lễ phát động trồng cây phủ xanh đồi núi trọc. Bởi xuất phát từ cuộc khởi nghĩa do người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám lãnh đạo chống thực dân Pháp xâm lược, núi rừng Yên Thế đã bao bọc, che chắn và bảo vệ Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân trường kỳ chiến đấu ngót 30 năm.

Hơn nữa, Yên Thế trước kia với bạt ngàn rừng nguyên sinh, có rất nhiều loại cây quý hiếm và phát triển mạnh mẽ, hiên ngang và trường tồn với thời gian; điển hình trong số đó là cây lim xanh nghìn năm tuổi tại xã Xuân Lương, huyện Yên Thế.

Để bảo tồn, nhân ra diện rộng giống cây lim xanh quý hiếm từ cây lim tổ, Huyện Yên Thế đã thu nhặt hạt để ươm cây giống. Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chủ tế đã trao tặng 138 cây lim xanh giống tương ứng với 138 năm Khởi nghĩa Yên Thế cho các xã/ thị trấn trên địa bàn huyện, phát động phong trào trồng cây tái tạo rừng xưa, phủ xanh đồi trọc, góp phần thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Minh Anh

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›