(Thethaovanhoa.vn) - Đó là một trong những nội dung được nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý quan tâm đề xuất tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ Thổ Hà gắn với phát triển du lịch” diễn ra vừa qua do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Việt Yên tổ chức.
Dự và tham luận tại hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa T.Ư, địa phương. Qua hội thảo nhằm khẳng định thêm và làm sáng tỏ những giá trị văn hóa tại làng Thổ Hà đồng thời đề xuất giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn tại đây.
Đề dẫn hội thảo của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, giá trị di sản văn hóa nổi bật ở Thổ Hà là các công trình kiến trúc cổ (đình, chùa, nhà cổ, cổng làng…) Nơi đây còn là làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng, xưa có nghề gốm và nay chuyển sang làm bánh đa nem, bánh đa nướng, mì gạo, nấu rượu. Các giá trị văn hóa phi vật thể ở Thổ Hà tương đối phong phú, đa dạng và được bảo tồn khá nguyên vẹn như: Lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, nghệ thuật tuồng, ca trù, dân ca quan họ, văn hóa ẩm thực và truyền thống hiếu học…
Với những giá trị tiêu biểu đó, năm 2014 làng cổ Thổ Hà được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là một trong 45 điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam (trong nhóm các làng cổ).
Hơn 20 tham luận tại hội thảo tập trung phân tích, đánh giá các giá trị văn hóa, tiềm năng phát triển du lịch của làng cổ Thổ Hà, đồng thời chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn và giải pháp cho phát triển du lịch tại đây. Những ý tưởng, giải pháp được gợi mở, đề xuất tại hội thảo như: Quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di tích, di sản phi vật thể truyền thống. Xây dựng các đội nghệ thuật biểu diễn tuồng, dân ca quan họ phục vụ khách du lịch. Đồng thời kết nối giữa chùa Bổ Đà và làng Thổ Hà và các điểm du lịch khác của tỉnh; nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm như hiện nay; động viên, khuyến khích, hỗ trợ và tập huấn cho nhân dân sở tại phương pháp làm du lịch. Ngoài ra có ý kiến đề nghị Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày chuyên đề về gốm Thổ Hà. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Mai, Phó trưởng khoa Du lịch (Viện Đại học Mở Hà Nội): Để biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch đòi hỏi nhiều yếu tố vì du lịch là ngành tổng hợp và có tính liên ngành. Ở Thổ Hà cần đáp ứng các điều kiện về vận chuyển, lữ hành, lưu trú, điểm tham quan và ăn uống nhưng hiện tại điểm mạnh ở đây mới chỉ có điểm tham quan, các yếu tố còn lại rất hạn chế.
Đây là lý do khiến các doanh nghiệp lữ hành khó tiếp cận, khai thác dịch vụ để đưa khách đến, do đó phần lớn du khách đến Thổ Hà hiện nay là tự phát, các nhóm nhỏ và hầu như không lưu trú, ít phát sinh chi tiêu. Vấn đề ở đây là cần nâng cấp tuyến đường giao thông, bến đò và các phương tiện chuyên chở, bố trí bãi đỗ xe, khu dịch vụ, vệ sinh. Cơ quan quản lý ngành và chính quyền địa phương có biện pháp thiết thực khuyến khích cộng đồng tham gia du lịch như đầu tư thích đáng cho hạ tầng du lịch, có cơ chế ưu đãi về tiếp cận vốn, đất đai.
Bà Phạm Phương Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng Cục Du lịch) cho rằng: Phát triển du lịch ở Thổ Hà cần bảo đảm hài hòa để không ảnh hưởng tới di sản, tránh những tác động tiêu cực làm phá vỡ cảnh quan, môi trường tự nhiên lẫn môi trường văn hóa. Ngoài ra phải có những cơ chế rõ ràng để người dân hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch. Trong khi đó, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú Hiệp, làng Thổ Hà cho rằng: Không phải người dân sở tại không ý thức được tiềm năng, giá trị to lớn khi phát triển du lịch nhưng quả thực họ còn nhiều băn khoăn khi lợi ích trực tiếp chưa nhiều, thậm chí có ý kiến nói rằng khách về đông còn gây thêm những áp lực về môi trường, giao thông tại Thổ Hà. Bản thân nghệ nhân Hiệp là người đam mê dân ca quan họ, anh từng gác lại việc gia đình để hát phục vụ nhiều đoàn khách trong nước, quốc tế nhưng khổ nỗi “Khi xong xuôi tất cả lại về”, ngoài những tràng pháo tay tán thưởng và lời khen ngợi ra anh chẳng được lợi ích kinh tế nào. Anh tâm sự" Với những nghệ sĩ như tôi cứ được mời hát là hát, chẳng bao giờ đặt câu hỏi có được gì không? Hơn nữa người quan họ rất tế nhị và ngại nói đến tiền bạc nên cứ đành “Rầu lòng vậy, cầm lòng vậy” mà thôi". Chính những việc như thế khiến nhiều người dân Thổ Hà chưa thiết tha với du lịch. Từ lý do đó, nghệ nhân đề nghị khi du lịch phát triển, các đơn vị lữ hành nên cân nhắc cơ chế rõ ràng để hài hòa lợi ích doanh nghiệp và nhân dân. Nhân đây, nghệ nhân Nguyễn Phú Hiệp cũng đề nghị chính quyền các cấp quan tâm bằng chương trình nào đó đầu tư xây một “Nhà chứa quan họ”, là nơi để sinh hoạt văn hóa quan họ phục vụ du khách.
Nguyễn Hưởng
Tags