Bác sĩ phải giỏi... văn

Thứ Ba, 14/10/2014 08:45 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Theo dõi thời sự bà chủ thấy năm nay ngành giáo dục có những sự thay đổi mạnh mẽ, từ tiểu học đến đại học. Dư luận bàn tán xôn xao về việc bậc tiểu học bỏ việc đánh giá học sinh bằng điểm số, thay vào đó là những nhận xét của giáo viên. Rồi các trường đại học cải tiến cách tuyển sinh, trong đó ầm ĩ nhất có lẽ là chuyện người ta định dùng môn văn để xét tuyển vào ngành Y.

Trong bản tin, tại Hội nghị về tuyển sinh, bà Bộ trưởng Y tế than: “Việc thi theo khối lâu nay khiến thí sinh học lệch. Môn văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp. Không nói đâu xa, nhiều đồng chí chuyên viên ở bộ làm công văn vẫn sai ngữ pháp. Có lúc tôi nói vui: rất dễ đứt mạch máu não khi đọc nguyên bản những văn bản này”.

Bác sĩ mà giỏi văn thì cũng vui, nhưng bà chủ nghĩ đơn giản hơn nhiều, chỉ cần chữ bác sĩ đẹp hơn là bệnh nhân được nhờ lắm rồi. Bởi đi bệnh viện ngoài rất nhiều thứ sợ, bà chủ sợ cầm đơn thuốc để đọc chữ... bác sĩ.

Có lẽ ngay lúc còn đi học, các sinh viên y khoa đã phải học rất vất vả, chạy ngược chạy xuôi từ giảng đường sang bệnh viện rồi từ bệnh viện về phòng thí nghiệm, quên ăn quên ngủ. Học hành ghi chép phải luôn “tốc ký” mới kịp lời thầy giảng, rồi phải làm quen với cách viết tắt, cách ghi ký hiệu trong nghề.

Rồi khi ra hành nghề thì mỗi ngày bác sĩ khám rất đông bệnh nhân, mỗi ca khám chỉ vài phút nên cũng không có thời gian mà viết nắn nót. Ngoáy một cái là xong toa thuốc, nhưng khổ nỗi có những ký hiệu, những chữ viết tắt từ gốc La-tinh trong nghề chỉ riêng các bác sĩ đọc hiểu với nhau người ngoài không sao biết được.

Chuyện chữ nghĩa còn đỡ, chứ vào viện sợ nhất là “đại dịch” phong bì và hai chữ khá trừu tượng: Y Đức. Trên truyền hình không thiếu những vụ việc chấn động như vụ bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường ném xác bệnh nhân xuống sông, vụ 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin... Đó là liên tiếp các tai biến sản khoa khiến sản phụ tử vong. Rồi vụ nhân bản xét nghiệm, ăn bớt vắc-xin, đánh tráo thủy tinh thể... Phổ biến hơn là chuyện tiền phong bì thế nào mỗi khi vào viện.

Đại danh y Lê Hữu Trác đã đưa ra những lời giáo huấn trong cuốn sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh để nói về đạo đức của thầy thuốc. “Thầy thuốc là nghề bảo vệ sinh mạng con người. Thế thì đâu thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng mà liều lĩnh khi làm nghề cao quý đó”.

Nên dù chọn phương án gì đi nữa, dù có môn văn hay không có, thì cái quan trọng nhất đối với bệnh nhân là kiến thức và y đức của người thầy thuốc.

Remote
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›