(Thethaovanhoa.vn) - Kim Bok-soon không thích cái mũi của cô và đã mơ mộng tới việc sửa nó. Khát vọng chỉnh sửa cái mũi càng lúc càng mạnh hơn, sau khi cô nghe nói rằng người mũi hếch sẽ khó giàu.
Trong khi ngồi chờ ở một tiệm làm đầu, Kim đã thấy đoạn quảng cáo của một trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ đăng trên tạp chí.
Giống quái vật sau phẫu thuật thẩm mỹ
Cô quyết định tìm đến trung tâm, bất chấp sự phản đối của gia đình. Thực tế thì tại Hàn Quốc, nơi sự hoàn hảo về ngoại hình được xem là yếu tố giúp thay đổi chất lượng cuộc sống, bao gồm cơ hội việc làm tốt hơn và triển vọng hôn nhân cao hơn, việc ai đó đi phẫu thuật thẩm mỹ cũng bình thường như khi họ đi làm đầu vậy.
Bác sĩ điều trị cho Kim tuôn ra những lời hoa mỹ ngay khi đôi bên mới gặp mặt. Ông này hứa hẹn sẽ phù phép biến Kim trở nên giống hệt một ngôi sao. Nghe những lời đường mật ấy, Kim quyết định đặt cược số phận. Cô vay mượn và chi tiêu tổng cộng 30 triệu won (28.000 USD) cho 15 ca phẫu thuật trên gương mặt mình, chỉ trong vòng có 1 ngày.
Khi tới ngày gỡ băng phẫu thuật khỏi mặt, Kim nhìn vào trong gương và đột nhiên nhận ra rằng có chuyện không ổn đã diễn ra với mình. Cô gái trong gương không mang gương mặt của một ngôi sao như Kim từng mong ước. Phải mất thêm một thời gian nữa, Kim mới biết rằng viên bác sĩ đã chỉnh sửa gương mặt mình không phải là chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ.
5 năm sau biến cố kinh hoàng trên, Kim vẫn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về sức khỏe. Cô không thể nhắm mắt. Cô cũng không thể ngăn được việc bị chảy mũi liên tục. Kim, nay 49 tuổi, cho biết mọi giấc mơ của cô đều sụp đổ. Cô thất nghiệp, gia đình riêng tan vỡ và bản thân thì mắc chứng trầm cảm.
"Thật kinh khủng khi người ta không dám nhìn vào mặt tôi” – Kim khóc và nói với phóng viên hãng tin Reuters tại căn hộ nhỏ có 1 phòng ngủ của cô ở Seoul, bên trong treo đầy các bức ảnh chụp lúc trước và sau phẫu thuật – “Đây không phải là gương mặt con người. Nó giống quái vật hoặc người ngoài hành tinh hơn”.
Những “bác sĩ ma”
Hồ sơ từ tòa án sơ thẩm Seoul cho thấy viên bác sĩ điều trị cho Kim đang đối mặt với một vụ án hình sự do vi phạm luật quản lý y tế của nước này. Vụ kiện chống lại gã “lang băm” này bắt đầu từ năm 2009, sau khi vài bệnh nhân, gồm cả Kim, đã báo cáo về ông ta với nhà chức trách.
Tuy nhiên viên bác sĩ trên không phải trường hợp phạm luật hiếm hoi. Sự bùng nổ của ngành phẫu thuật thẩm mỹ có giá trị tới 5 tỷ USD ở Hàn Quốc – một con số bằng 1/4 thị trường phẫu thuật thẩm mỹ toàn cầu – đang đối mặt với nhiều phản hồi xấu. Không ít nạn nhân của các vụ phẫu thuật thẩm mỹ vụng về, để lại hậu quả tai hại, đã lên tiếng. Trong năm 2013, số vụ kiện liên quan tới phẫu thuật thẩm mỹ đã tăng gấp đôi so với 1 năm trước đó.
Các đơn kiện rất đa dạng, từ bác sĩ không có trình độ, cho tới việc các trung tâm thẩm mỹ đã quảng cáo sai sự thực. Các nạn nhân cũng nói về những “bác sĩ ma” – lực lượng chuyên thế chân các bác sĩ có tay nghề và thực hiện phẫu thuật trên các bệnh nhân đã bất tỉnh vì thuốc gây mê.
Một số bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nói với Reuters rằng nỗi sợ liên quan tới vấn đề an toàn có thể chặn đứng tốc độ tăng trưởng của ngành thẩm mỹ. Cha Sang-myun, Chủ tịch Hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc, tổ chức đại diện khoảng 1.500 bác sĩ, đã lo ngại việc bị ảnh hưởng danh tiếng. Cha và một số nghị sĩ Hàn Quốc kêu gọi giám sát chặt hơn hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ, bên cạnh việc siết chặt quy định quảng cáo.
"Chúng tôi phải tự làm sạch hình ảnh của mình” – Cha nói tại cơ sở thẩm mỹ của ông ở quận Gangnam – “Hiện nay nhiều người Trung Quốc đang tới đây nhân danh du lịch phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng nếu tình hình diễn ra như hiện nay, tôi nghĩ rằng chỉ mấy năm sau họ sẽ không tìm đến đây nữa.
Nguy hiểm như nghiện ma túy
Trong vụ nổi tiếng hồi tháng 12 năm ngoái, một học sinh trung học ở Hàn Quốc đã rơi vào hôn mê sâu, sau cuộc phẫu thuật sửa mũi và làm mắt to ra. Nhóm của Cha đã xem xét vụ việc và thấy rằng bệnh viện tiến hành ca phẫu thuật đã thuê các bác sĩ ma. Nhóm đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công tố và tới nay sự việc vẫn đang được điều tra.
Các nhà phê bình nói rằng tình trạng quản lý lỏng lẻo, quảng cáo quá mức và một xã hội bị ám ảnh bởi ngoại hình là những yếu tố đã làm nảy sinh ra nhiều vấn đề trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc.
“Quảng cáo quá mức khiến người ta nghĩ rằng phẫu thuật thẩm mỹ giống như một mặt hàng. Họ xem phẫu thuật thẩm mỹ chỉ như việc đi chợ vậy” - Cha, người đã tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ trong hơn 2 thập kỷ, cho biết – “Nhưng phẫu thuật thẩm mỹ cũng là hoạt động phẫu thuật thuần túy và nó có thể đe dọa tính mạng bạn”.
Trong ví dụ tiêu biểu về tác hại của phẫu thuật thẩm mỹ, một thí sinh họ Park từng tham gia cuộc thi Hoa hậu Hàn Quốc trong những năm 1980 đã đi nâng ngực hồi năm 2008, với hy vọng việc này sẽ làm tăng cơ hội kiếm chồng của mình. Park, 50 tuổi, đã được “điều trị” bởi chính viên bác sĩ đã phẫu thuật cho Kim. Do nhiễm trùng hậu phẫu, ngực trái của Park giờ nhỏ chỉ bằng nửa ngực phải.
"Tôi vô cùng hối hận, tới mức đã tìm cách tự sát 2 lần” – bà nói – “Phẫu thuật thẩm mỹ giống như nghiện ma túy vậy. Nếu bạn làm mắt, bạn sẽ muốn làm mũi. Và các bác sĩ thường không nói rằng “bạn đã xinh đẹp lắm rồi”. Họ thường khuyến khích người ta phẫu thuật nhiều hơn nữa”. Hàn Quốc hiện có hơn 4.000 trung tâm thẩm mỹ. Nước này cũng có tỷ lệ phẫu thuật cao nhất thế giới - trung bình 13 cuộc/1.000 dân. Sự bùng nổ của làng sóng phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc đã được tiếp thêm động lực nhờ việc ngày càng đông du khách đổ tới đây để phẫu thuật, gồm rất đông người Trung Quốc. Dữ liệu chính quyền công bố cho thấy số du khách Trung Quốc tới Hàn Quốc phẫu thuật thẩm mỹ đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn từ 2011 tới 2013.
Tường Linh (Theo Reuters)
Thể thao & Văn hóa