Bài 3: 'Thâm cung bí sử' tờ Time: Hai cha đẻ… nghĩa là thừa một

Thứ Ba, 21/06/2016 17:38 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Time” là tuần báo tin tức đầu tiên và một trong những báo có ảnh hưởng lớn nhất và lãi nhất trong làng báo in, nhưng ít ai biết câu chuyện của hai nhà sáng lập, từng là bạn thân từ ngày còn bé và cũng là hai kẻ cạnh tranh khốc liệt.

Tự tin

… vốn là đức tính bẩm sinh của Briton Hadden. “Lớn lên con sẽ làm phóng viên” – nghe đồn cậu bé ấy nói với mẹ khi mới học viết.

Trẻ con nói mỗi lúc một khác, không nên lấy đó làm quan trọng, nhưng quả thực Hadden là một nhà báo ngoại hạng. Ở tuổi 25 ông cùng Henry Luce sáng lập tuần báo tin tức đầu tiên trên thế giới Time. Hai người bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo – bên cạnh nhà báo năng nổ và lập dị Hadden là đồng nghiệp trầm tính và kỷ luật Luce. Họ thân nhau từ năm 15 tuổi do cùng học một trường ở bang Connecticut.

Nhưng họ cũng kình nhau đến mức sau này một người cố xoá hết ký ức về người kia. Mối gắn kết kỳ quái đó bắt đầu năm 1913 khi cả hai cùng xin vào một vị trí duy nhất còn trống ở tờ báo học sinh The Hotchkiss Record. Hadden thắng cuộc và đến năm học cuối cùng trở thành tổng biên tập, đưa bạn mình vào làm sếp nguyệt san văn chương Hotchkiss Literary Monthly.


Briton Hadden và Henry Luce những năm 1920

Hai người đi tiếp vào cùng trường Yale University, và lập tức số phận lại khiến họ phải đánh nhau, lần này nhằm tranh một vị trí biên tập cho tờ Yale Daily News. Sau cuộc đấu thầu căng thẳng kéo dài nửa năm Hadden lại chiếm giải nhất và Luce giải 4, tuy nhiên vẫn vừa vặn đủ điểm làm biên tập viên.

“Briton Hadden là trưởng ban thời sự, thế là ước mơ lớn nhất ở đại học của con đã không thành”, Luce cay đắng viết cho bố mẹ. Nhưng không vì thế mà họ bỏ rơi mục đích chung: để tăng doanh số tờ Yale Daily News cả hai cùng làm một mẹo kinh điển: đội các tên khác nhau, họ nguỵ tạo thư bạn đọc với nội dung trái chiều để gây ra một cuộc tranh luận ảo nhưng hữu hiệu.

Họ chia tay nhau

…. sau khi tốt nghiệp Yale năm 1920, nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn. Hadden làm cây bút tự do cho New York World còn Luce đến học tiếp ở Oxford, rảnh rỗi viết cho tờ Chicago Daily News.

Tuy nhiên họ vẫn dính vào nhau qua thư từ, và sau chỉ một năm Hadden lại thuyết phục được Luce cùng mình đầu quân cho tờ Baltimore News. Ông chủ mới không hề biết đó chỉ là bước nghỉ chân tạm thời trước khi hai cộng tác viên ấp ủ xong một kế hoạch có một không hai.

Thời đó đã có vô số sản phẩm truyền thông ở Mỹ: 2.000 nhật báo, 160 tạp chí và 500 kênh radio, và hai nhà báo trẻ muốn có một sản phẩm khả dĩ dắt người đọc qua rừng thông tin chằng chịt ấy. “Chúng con muốn vươn tới số bạn đọc mà các báo khác bỏ rơi”, Luce kể với bố, “ hay đúng hơn là chúng con muốn thông tin cho bạn đọc theo một kiểu mà các nguồn truyền thông khác chưa làm”.       

Đầu thập kỷ 20 những tờ báo lớn như New York Times từa tựa như một đống tin tức quan trọng và tầm phào, tin bán chó mèo xếp bên cạnh toàn văn biên bản xử án. Hadden và Luce muốn thoát khỏi cách làm báo đó. Và không tránh khỏi hy sinh. Họ từ bỏ công việc chắc chắn ở tờ Baltimore News để quay về New York.

Công việc thử nghiệm nghe có vẻ đơn giản, nhưng ở thời ấy là cả một cuộc cách mạng: họ cắt các mẩu tin từ báo khác và xếp theo chủ đề, viết lại các tin theo phong cách riêng… Với một tờ in thử báo Time “hiện đại” như thế họ đi tìm nhà đầu tư với luận cứ chắc nịch: “Time không quan tâm đến lượng chữ nghĩa nằm giữa trang đầu và trang cuối, mà muốn biết sẽ chuyển được bao nhiêu phần trăm trong đó vào óc người đọc.”  

May mắn thay, nhờ học ở Yale mà họ quen nhiều địa chỉ của tiền bạc và quyền lực, trong đó có chủ sở hữu những nhà băng như J.P. Morgan hoặc vua dầu lửa Standard Oil. Đến hè 1922 họ có trong túi 85.000 USD (với sức mua của 1,1 triệu USD hôm nay).


Bìa “Time” sau vụ hành quyết Osama Bin Laden tháng 5-2011

Công việc ở đây

… lại được phân chia rõ ràng: Hadden hoạt khẩu là tổng biên tập, Luce trầm lặng làm quản lý kinh doanh. Ban biên tập hầu như toàn phóng viên mới ra trường và chưa có kinh nghiệm. Ngày 3-3-1923 Time lần đầu ra sạp và bán được 9.000 bản.

Vốn tinh ranh, Hadden liên tục cử nhiều người ra sạp hỏi, và đa số người bán báo trả lời là chưa có tuần báo Time. Mấy hôm sau Hadden đích thân xuất hiện và ký được hợp đồng. Sau vài tháng, mỗi số Time bán được 19.000 bản, chủ yếu cho giới trẻ. Năm 1924 đã có 70.000 người đặt báo dài hạn.         

Chính sách duyệt bài của Hadden là không khoan nhượng, ông cắt hết các chữ thừa thãi như “nghe nói”, “hình như”, “dự đoán rằng”, và đưa nhiều thuật ngữ tiéng nước ngoài vào báo: “Người đọc nào có vốn từ lớn sẽ thấy mình thông thái, ai ít học hơn thì khâm phục các cây bút của Time và mở từ điển ra tra”.

Không ít từ trong tiếng Mỹ hiện đại xuất xứ dưới thời đạo diễn của Hadden, như chữ Hy Lạp “kudos” (danh tiếng). 1927 Time đưa ra mục bầu chọn “Nhân vật của năm” làm cả xã hội tranh cãi: 1938 danh hiệu đó trao cho Hitler, năm sau là Stalin! Người ta có thể thích hoặc ghét, nhưng Time có những nét bút không thể lẫn.      

Thành công kinh doanh có lẽ không lợi cho tình bạn. 1925, khi Hadden đi nghỉ, Luce tự ý chuyển toàn bộ ban biên tập đi Cleveland, lại còn bắt các biên tập viên tự trả phí tổn chuyển nhà. Luce cũng đòi ra thêm một tạp chí kinh tế tên Fortune nhưng vấp phải quyền phủ quyết của Hadden là người nghi ngờ chủ nghĩa tư bản.

Năm 1929, Hadden ốm nặng, ông chọn mẹ làm người thừa kế cổ phần của mình trong Time và cấm bán đi trong 49 năm sau. Sau khi Hadden chết một tuần, tên ông bị gạch khỏi mục trị sự. Không những thế, Luce mời em trai Crowen Hadden của bạn mình vào ban quản trị, bù lại thì Crowen dụ mẹ mình bán hết cổ phần cho Luce – giờ đây Luce một mình làm mưa làm gió, dự án đầu tiên là tạp chí Fortune!  

Khi Luce qua đời 1967, ông được coi là một trong những chủ báo xuất sắc nhất lịch sử Hoa Kỳ. Nhưng có lẽ ông thiếu độ lớn về nhân bản, và rõ ràng không có hào quang của một Briton Hadden.   

Polly Groves, một cộng tác viên của Time từng phát biểu: “Ai biết Briton Hadden cũng yêu mến ông. Henry Luce rất đáng khâm phục, nhưng không bao giờ được yêu mến”.

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›