Bài 4: Tạ Nam Long: Chinh phục '9 tầng Địa Ngục'

Chủ nhật, 10/07/2016 13:08 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - 5 tháng sau ngày gặp tai nạn, Tạ Nam Long (LongIcon, sinh năm 1985 tại Hà Nội), trưởng nhóm thám hiểm hang động Việt Nam, đã đi chơi trở lại và chia sẻ nhiều bức ảnh tuyệt đẹp về hang Cống Nước - hang sâu 600m và khó nhất Việt Nam.

3 năm trước, Tạ Nam Long tự nhận là “amateur” khi nói về những kỳ quan hang động Việt Nam. Nhưng vốn thích đi phượt và đam mê trải nghiệm, sau chuyến khám phá hang nước ở Thanh Hóa, niềm yêu thích thám hiểm “vực sâu” đã dần ngấm vào máu anh lúc nào không biết.

Anh liên hệ với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản xin thông tin, tài liệu và được ông Viện trưởng tin tưởng, cho gia nhập đoàn thám hiểm nước ngoài trong chuyến khám phá một số hang động ở miền Bắc đến cả tháng trời.


Tạ Nam Long thám hiểm hang Dốc Nán, Thanh Hoá

Có kinh nghiệm, Tạ Nam Long càng tự tin gắn bó với thú chơi thám hiểm hang động. Anh chấp nhận chi gần 200 triệu đặt mua các dụng cụ chuyên nghiệp từ nước ngoài (gồm dây móc, đai leo núi chuyên dụng, đèn siêu sáng chịu nước, thiết bị đo laser, máy ảnh và máy quay phim chịu nước, mũ bảo hộ, bộ đàm, găng tay…) để phục vụ các chuyến thám hiểm.

Cho đến nay, Long đã chinh phục được hơn 20 hang ở miền Bắc, trong đó có hai hang sâu thuộc Top 10 của Việt Nam là hang Địa Ngục (sâu 300m và hang Ong (sâu 400m) tại Hà Giang.

36 tiếng chinh phục 9 tầng hang Địa Ngục

Đây được coi là thành tích lớn nhất của Long và nhóm Thám hiểm hang động do anh thành lập. Đúng như tên gọi, hang Địa Ngục là nỗi ám ảnh khủng khiếp của người dân vùng núi Đồng Văn (Hà Giang), cả về độ sâu thăm thẳm 300m hiểm hóc lẫn sự linh thiêng và tang tóc. Vào mùa mưa, người dân địa phương chẳng ai dám mon men tới gần vì sợ và thực tế thì chưa có ai mạo hiểm vào hang...


Tạ Nam Long và đồng đội trong hang Cống Nước (Lai Châu)

Tháng 4/2015, Long lên kế hoạch xuống hang cùng 4 người bạn với 100kg đồ nghề. Địa thế trong hang phức tạp, càng xuống những tầng sâu, ánh sáng càng yếu dần và nhiệt độ càng giảm. Lạnh, đói, thiếu nước,  thiếu ánh sáng, không có sóng điện thoại, nhiều ngõ ngách nên mọi người phải bám sát nhau và bao giờ Long cũng là người leo cuối cùng để kiểm tra dây cáp cho đồng đội.

Sau khi vượt qua 8 tầng hang Địa Ngục, tầng sâu nhất còn lại là hố nước sâu thẳm. Anh em kiệt sức ngồi lại trên bờ. Long mặc áo phao lặn xuống hồ nước lạnh thấu xương để tìm đường đi tiếp nhưng không có lối. Xác định đây đã là điểm cuối cuộc hành trình, cả nhóm mới mở sâm-panh ăn mừng sau 36 tiếng chinh phục 9 tầng hang Địa Ngục.

Ngã xuống hang sâu nhất Việt Nam

Tạ Nam Long chia sẻ: “Đỉnh núi nào cao nhất Việt Nam, cao bao nhiêu chắc nhiều người biết.  Nhưng hang nào sâu nhất Việt Nam, sâu bao nhiêu thì chắc không mấy người biết. Tiếp cận được thông tin hang sâu nhất Việt Nam là hang Cống Nước từ Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, nhóm Thám hiểm hang động quyết tâm tìm hiểu và chinh phục hang này”.

Hang Cống nước có độ sâu -600m theo chiều thẳng đứng, gồm 14 tầng, nằm ở bản Chu Xải Phìn, xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Hang được chinh phục thành công bởi các nhà thám hiểm người Bỉ sau 2 lần (năm 2002 thám hiểm tới độ sâu -400m và 2004 với độ sâu -600m). Thời đó vẫn chưa có các trang thiết bị chiếu sáng và chụp ảnh hiện đại như bây giờ (đèn đeo trán vẫn là đèn đốt bằng khí đất đèn), nên hình ảnh và thông tin về kỳ quan này của Việt Nam vẫn còn rất ít. Sau 14 năm đến giờ, vẫn chưa có đoàn thám hiểm nào chinh phục lại được hang Cống Nước.


Đồ nghề thám hiểm hang động của Tạ Nam Long

Hang Cống Nước được đánh giá là hang sâu nhất Đông Nam Á, vượt kỷ lục của hang Tà Lũng ở Hà Giang (sâu 528 m). Trong hang Cống Nước có một vòm mái rộng và đẹp (rộng 30 m, cao 35 m).

Nhóm lên kế hoạch tập luyện và chuẩn bị đồ nghề trong 6 tháng với đầy đủ trang thiết bị, trong đó, chi phí cho mỗi bộ đồ bảo hộ cá nhân có giá khoảng 10 triệu đồng, đồ chung của cả đoàn khoảng 70 triệu đồng, gồm các thiết bị, móc và dây leo núi chuyên dụng, các thiết bị điện tử (bộ đàm, máy ảnh máy quay chịu nước, đèn chiếu rọi ánh sáng, máy đo độ sâu…), đai bảo hộ, móc bảo hộ, đèn đeo trán, mũ bảo hộ, áo phao...

6h sáng ngày 7/1/2016, nhóm khởi hành đến hang Cống Nước tỉnh Lai Châu. Sáng sớm hôm sau, cả đoàn được trưởng bản dẫn đường vào hang. Tuy nhiên, tới 8h tối cùng ngày, cả đoàn mới bắt đầu cuộc thám hiểm, do khó khăn trong việc làm thủ tục. Lãnh đạo huyện Phong Thổ lo lắng, vì hang sâu, nguy hiểm…

Cửa hang bé, chỉ một người chui lọt, nhưng càng đi vào, hang càng rộng với những hố sâu thăm thẳm... 1h sáng ngày 8/1/2016, trong lúc thiếu tỉnh táo vì mệt mỏi, Long dùng dây bảo hiểm buộc hành lý mà không có dây cứu hộ dự phòng và bị rơi từ độ cao gần 50m xuống hang sâu. Đồng đội đi cùng đã phải vào bản mượn cái “tời” để kéo Long lên, sau đó công an huyện Phong Thổ với phương tiện chuyên dụng đã đến hiện trường đưa Long ra khỏi hang đi cấp cứu. Khi được giải cứu khỏi hang, Long vẫn tỉnh táo nói: “mình cảm thấy vẫn khỏe”...

Long bị gãy xương đùi, chấn thương cột sống, cổ chân phải bị trật khớp và xây xát ở nhiều vị trí khác nhau. Từng tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội, có trang bị thuốc và thiết bị y tế kèm theo, nên ngay sau khi bị tai nạn, Long đã tự tiêm thuốc và sơ cứu cho mình trước khi được đồng đội chuyển về Bệnh viện Việt Đức để điều trị.

Còn sống là còn đam mê...

Trở về từ cõi chết, Tạ Nam Long chia sẻ: “Hang thiêng thì khi thám hiểm ta sẽ phải bỏ lại một cái gì đó, nhưng rất may là mình không bỏ mạng. Mình đang bắt đầu vực lại tinh thần “chiến đấu” cho anh em trong hội và sẽ tiếp tục lên đường chinh phục những hang sâu. Chắc chắn, sẽ có ngày mình quay lại hang Cống Nước”.

Anh nhấn mạnh: “Thám hiểm hang động là một môn thể thao mạo hiểm mới ở Việt Nam và không dành cho người nhút nhát. Thám hiểm hang động đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe, sự dẻo dai, phải nghiêm túc tập luyện, trang bị những kiến thức về an toàn, sơ cứu và phải tích cực “tháp tùng” những nhà thám hiểm có kinh nghiệm để học hỏi.

Hàng tuần, nhóm chúng tôi vẫn có những buổi luyện tập thể lực bằng những chuyến bơi trên sông Hồng hàng chục km, đu dây xuống từ các cây cầu lớn và tòa nhà cao tầng… Chúng tôi muốn người Việt Nam mình có thể tự chinh phục những hang sâu trên đất nước mà không phải "nhờ" đến những nhà thám hiểm nước ngoài”.

Nhóm thám hiểm hang động Việt Nam

Do Tạ Nam Long thành lập, đến nay nhóm có gần 2.000 thành viên tham gia thường xuyên trên mạng xã hội Facebook, trong đó có cả nữ. Nhóm có 40 thành viên thường xuyên tham gia các chuyến thám hiểm. Tuy nhiên, những người có khả năng đu dây hang sâu thì mới chỉ có 5 người và Long là trưởng nhóm. Đây là nhóm duy nhất tại Việt Nam tự đầu tư trang thiết bị chuyên dụng để có thể khám phá nhiều ngày liên tục dưới hang sâu, đi đến điểm tận cùng của hang. 

An Như
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›