Trong hai đêm 21 - 22/12 vừa qua, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đã trình làng opera Bài ca tình yêu của nhạc sĩ Doãn Nho. Với làng nhạc Việt Nam thì đây là opera thứ 8 được trình làng, còn với Doãn Nho thì đây là opera đầu tiên, sau nhiều thể tài âm nhạc hàn lâm như hợp xướng, giao hưởng, thanh xướng kịch...
Những vở nhạc kịch (opera) được trình làng trước đây có Cô Sao, Người tạc tượng của Đỗ Nhuận, Bên bờ Krông Pa của Nhật Lai, Người giữ cồn của Ca Lê Thuần, Thạch Sanh của Đức Minh, Lá đỏ của Đỗ Hồng Quân, Đam San của Nguyễn Cường.
Về địa điểm, Người giữ cồn trình làng ở TP.HCM và Cần Thơ, Thạch Sanh trình làng ở Quảng Ninh, Đam San trình làng ở Buôn Ma Thuột… Vậy là cũng lâu rồi mới có thêm một nhạc kịch Việt Nam được trình làng tại Thủ đô Hà Nội.
Nhạc kịch từ… một mẩu tin trên báo
Doãn Nho bắt đầu viết Bài ca tình yêu từ sau khi trình làng thanh xướng kịch Từ Hoa Lư đến Thăng Long - Bài ca dời đô dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010. Từ một mẩu tin trên báo Tiền phong về một người anh hùng tưởng đã hy sinh trong một trận chiến, nhưng thực ra chỉ bị thương. Sau khi được đối phương chữa lành, thì người lính ấy thành tù binh và bị đưa đi làm khổ sai xây dựng sân bay. Nhân sơ hở của lính gác, người lính ấy đã đào thoát thành công và trở về với hàng ngũ của mình để tiếp tục chiến đấu. Doãn Nho đã lấy làm cốt để tạo thành Bài ca tình yêu.
Trong Bài ca tình yêu, tình tiết của opera xoay quanh hai cặp nhân vật nam nữ là Hùng - Dũng và Hiền - Thảo. Hùng và Dũng là hai người bạn thân cùng làng, cùng yêu Hiền, cùng nhập ngũ, cùng chiến đấu bên nhau, chính Dũng chứng kiến giây phút Hùng ngã xuống trên trận địa mà Dũng cũng bị thương.
Dũng mang theo lời nhắn nhủ của Hùng trước trận đánh rằng nếu Hùng có mệnh hệ gì, thì Dũng nếu còn sống thì hãy trở về gắn bó với Hiền, chăm sóc Hiền thay Hùng. Và sự thật đã diễn ra như thế.
Do Hiền rất yêu Hùng, nên khi được Dũng kể lại lời nhắn nhủ, Hiền đã dành ra một thời gian để suy nghĩ. Do tác động của Thảo, Hiền đi đến quyết định đồng ý. Nhưng chính lúc sắp ngỏ lời thì Hùng lại xuất hiện trong tư thế người anh hùng về làng. Dũng vừa mừng vì bạn trở về, vừa buồn vì mãi mãi không có Hiền. Trước cảnh hợp tan éo le đó, Thảo đã chủ động đến với Dũng, vừa là để thỏa lòng yêu thầm, nhớ trộm Dũng lâu nay và cũng là để Dũng không cô đơn trong cuộc sống của một thương binh trở về.
Trong ý tưởng, Doãn Nho muốn đề cao tình yêu vượt lên trên chết chóc, tàn khốc của chiến tranh. Nhưng nhân bản hơn và Việt Nam hơn, ông còn đưa đến một triết lý cao hơn là trong chiến tranh tình yêu còn vượt lên trên cả sự khác biệt tôn giáo. Trong opera, phần kết là sự hòa quyện giữa tiếng chuông nhà thờ và tiếng chuông chùa khi Hùng (bên lương) đi bên Thảo (bên giáo) trên cùng một con đường làng.
Để thực hiện công việc biến từ mẩu tin trên báo thành kịch bản một vở nhạc kịch, Doãn Nho muốn trao trọng trách này cho nhà văn - nhà viết kịch Nguyễn Quang Lập. Song do Nguyễn Quang Lập bận công việc khác, ông đã đề nghị tôi - tác giả bài viết này - biến thành thơ để từ đấy, ông có thể dùng từng đoạn phù hợp mà phổ nhạc.
Tôi đã làm theo ý ông và kịch thơ Tình làng đã được hoàn thành. Nhưng cái khó là phổ thơ trong kịch thơ thành nhạc. Bởi thế, ông đã đi tới quyết định chính mình viết kịch bản cho vở nhạc kịch mà ông đặt tên là Bài ca tình yêu.
Một hành trình bền bỉ
Rất vui là kịch thơ Tình làng được tôi đưa vào ấn phẩm Trường ca ngắn - Kịch thơ của mình và được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014, cùng với hợp xướng Điện Biên cũng được giải Nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm ấy.
Nhạc sĩ Doãn Nho vừa chia vui cùng tôi, vừa bền bỉ trên hành trình riêng biệt của mình. Khi ông hoàn thành, tôi là người đầu tiên được ông chia sẻ bằng việc tự hát toàn bộ nhạc kịch trên phần đệm piano tại nhà riêng của ông. Khi ấy, ông còn hơi ấm của người vợ, người đồng đội thân yêu đã cùng ông vượt Trường Sơn vào Tây Nguyên những năm tháng khốc liệt nhất thời chống Mỹ.
Bền bỉ viết, Doãn Nho còn cùng tôi và Doãn Nguyên - con trai ông - tìm cách để Bài ca tình yêu được trình làng. Sau nhiều năm lỡ hẹn, cho đến hôm nay, vẫn là Cục Tuyên huấn, thuộc Tổng cục Chính trị làm "bà đỡ" để opera Bài ca tình yêu được trình làng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Với sự chung tay dàn dựng rất mát tay của đạo diễn - NSƯT Lê Thụy, Bài ca tình yêu đã được trình làng xứng đáng, sau bao năm chờ đợi. Nó đã được hiện hình, được vang lên, cuốn hút ngay từ những tờ tổng phổ.
Đối với Lê Thụy, việc được tổng đạo diễn opera này là thêm một nhân duyên với nhạc sĩ Doãn Nho. Vài năm trước, anh đã từng đạo diễn một chương trình ca nhạc tôn vinh Doãn Nho, với kịch bản của Trần Đăng Tuấn.
Lê Thụy đã từng đạo diễn chèo, tuồng, cải lương, kịch nói… rất nhiều năm trên Đài Truyền hình TP.HCM và các sâu khấu phía Nam. Nhưng đây là lần đầu tiên anh đạo diễn một vở nhạc kịch. Vậy mà bằng tình yêu tác phẩm và tư duy năng động của mình, anh đã thổi hồn vào Bài ca tình yêu, khiến cho người xem vừa cảm thấy hào hùng, vừa cảm thấy lãng mạn và đặc biệt là rất làng quê.
Vì là nhạc kịch, nên để thành công được phần nhạc, không thể không ghi nhận sự nỗ lực của dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, dưới đũa chỉ huy của nhạc sĩ Doãn Nguyên - một truyền nhân của Doãn Nho. Anh cầm đũa chỉ huy bao chương trình của phụ thân.
Trong chương trình này, rất khâm phục bậc thầy Doãn Nho. Ông đã viết khúc khởi nhạc và các phần nhạc cho múa ballet diễn tả thay lời, vừa hay, vừa thuần Việt, vừa hàn lâm. Tôi chỉ xem kíp 2 diễn nhưng thấy 4 giọng solo (aria) của Ngô Đức, Như Tới, Mai Chi, Thu Quỳnh (trong các vai Hùng, Dũng, Hiền, Thảo) đã bắt đầu nhập hồn vào vai diễn và gây được cảm xúc với người xem.
Nếu diễn nhiều như Cô Sao, chắc sẽ nhuần nhuyễn và cuốn hút hơn nữa. Nhưng chỉ như thế thôi đã thấy ấm áp, đã thấy thiêng liêng trong một dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, khi những nhân vật trong opera là thanh niên thời ấy, giờ đây đã qua tuổi "cổ lai hy" rồi.
Doãn Nho là một trong không nhiều những tên tuổi nhạc sĩ Việt Nam mà thành công trải rộng từ ca khúc cho đến những thể tài lớn.
Tags