Bài học cho Qatar, nhìn từ nước Nga

Thứ Tư, 11/07/2018 21:24 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - World Cup 2018 đang đi đến những trận đấu cuối cùng, và đến thời điểm này, có thể khẳng định nước chủ nhà Nga đã tổ chức giải đấu rất thành công, không chỉ đảm bảo an toàn mà còn tạo ra bầu không khí bóng đá cuồng nhiệt cho hàng triệu cổ động viên từ khắp nơi trên thế giới đổ về.

Tuy nhiên, thành công của nước Nga đang đặt ra một bài toán khó đối với Qatar, nước chủ nhà của World Cup 2022, đặc biệt là vấn đề đáp ứng nhu cầu của đông đảo cổ động viên.

Không gian cho cổ động viên

Theo thống kê của nước chủ nhà Nga, hơn 5 triệu du khách đã đổ về 11 thành phố trong thời gian diễn ra World Cup 2018, trong đó có 2,9 triệu khách quốc tế. Riêng thủ đô Moskva đã đón hơn nửa số khách này, lên tới 2,7 triệu người - nhiều hơn tổng dân số của Qatar, vốn ước tính có khoảng 2,6 triệu người vào năm 2017.

Do những căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây nên World Cup 2018 này không có quá nhiều cổ động viên châu Âu đến Nga như dự kiến, dù lọt vào vòng bán kết là cả bốn đội bóng châu Âu. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi khi Qatar là nước chủ nhà của World Cup 2022, và như vậy nó đặt thêm một gánh nặng nữa lên quốc gia vùng Vịnh này.

Moskva là một siêu đô thị với dân số khoảng 12 triệu người, tổ chức các trận đấu World Cup 2018 trên hai sân vận động là Luzhniki và Spartak. Từ trước thời điểm World Cup 2018 khai màn, cổ động viên từ nhiều nơi trên thế giới đã đổ về Moskva tham quan, tạo ra bầu không khí náo nhiệt khắp thành phố. Những con phố du lịch xung quanh Quảng trường Đỏ luôn đông đúc, chật kín người.

Các ngành kinh doanh dịch vụ như khách sạn, cho thuê nhà hay các quán ăn, quầy lưu niệm có thể "hốt bạc", nhưng lượng khách khổng lồ cũng tạo ra sức ép không nhỏ về an ninh, an toàn, cũng như làm đảo lộn cuộc sống của người dân khi hệ thống tàu điện ngầm, xe bus và các đường phố trở nên quá tải.

Qatar so với Nga, Doha so với Moskva về quy mô và dân số thì quả là chênh lệch một trời một vực. Vấn đề lúc này mà Qatar đang phải đối mặt là sẽ đối phó với lượng cổ động viên khổng lồ như thế nào tại World Cup 2022, khi có tới 8 sân vận động nằm cách nhau chỉ khoảng một giờ chạy xe?

'Đấu trường Zenit' xứng đáng là biểu tượng mới của thể thao Nga

'Đấu trường Zenit' xứng đáng là biểu tượng mới của thể thao Nga

Nằm trên một hòn đảo thuộc biển Baltic, sân vận động Saint Petersburg là một trong những sân bóng hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Công trình này được ví như là một biểu tượng mới của thể thao nước Nga

Giải quyết bài toán cổ động viên là thách thức lớn với một quốc gia nhỏ bé như Qatar. Giàu có đôi khi không phải là tất cả, khi mà không gian dành cho các cổ động viên không đủ lớn, nhất là đối với một sự kiện thu hút nhiều người quan tâm như World Cup.

Khi không có trận đấu của đội nhà, cổ động viên có nhu cầu đi đây đó khám phá, tranh thủ mua sắm và vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, các sân vận động không đủ sức chứa, nên việc xem bóng đá tập trung tại các địa điểm bên trong thành phố, như mô hình các Fanzone ở những kỳ World Cup gần đây, trở nên phổ biến. Ở Moskva, Fanzone trên Đồi Chim sẻ gần sân Luzhniki đã không thể đáp ứng nhu cầu của người hâm mộ, buộc chính quyền thành phố phải mở thêm một Fanzone thứ hai cạnh sân Spartak.

Qatar đã lên kế hoạch mở khu vực Fanzone tại khu Al Bidda Park gần Vịnh Doha. Tuy nhiên, sau khi quan sát những gì diễn ra ở Moskva, một quan chức cấp cao của Qatar là Nasser Al Khater đã nói rằng, nước chủ nhà World Cup 2022 sẽ phải xem lại, vì đó là sự lựa chọn sai lầm, bởi khu vực này quá bé nhỏ so với nhu cầu khổng lồ của cổ động viên.

Dù là Hè hay Đông (World Cup tiếp theo ở Qatar sẽ diễn ra vào tháng 11/2022) thì nhu cầu đi nghỉ kết hợp với xem bóng đá của các cổ động viên vẫn rất lớn. Và nếu không có không gian đủ lớn cho họ, thảm họa có thể xảy ra, khi dòng người chen lấn, xô đẩy để có thể xem bóng đá.

Quản lý xuất nhập cảnh

Để giải quyết vấn đề thủ tục, thời gian cũng như chi phí xin thị thực nhập cảnh cho các cổ động viên, nước Nga đã nghĩ ra giải pháp hết sức sáng tạo mang tên Fan ID. Chỉ cần đặt mua được một vé xem trận đấu trên cổng bán vé trực tuyến của FIFA, người hâm mộ khắp thế giới, không phân biệt đến từ quốc gia nào, có thể dùng mã số đặt vé để đăng ký Fan ID, cũng qua cổng trực tuyến.

Mất vài phút khai báo và xác nhận thông tin cá nhân, người hâm mộ đã có được thẻ Fan ID, bản mềm gửi qua e-mail kèm theo mã số, mã vạch. Đó chính là tấm visa để vào Nga. Chỉ cần trình mã số này ở các cửa khẩu kèm theo hộ chiếu, cổ động viên dễ dàng nhập cảnh vào Nga, không mất quá nhiều thời gian cũng như tiền bạc.

Tất nhiên, giải pháp Fan ID cũng có những kẽ hở nhất định, ví dụ như một người có thẻ mượn mã số đặt vé của người khác để đăng ký Fan ID, dẫn đến có dịch vụ làm Fan ID cho người nước ngoài ở nước Nga, hoặc thậm chí những lao động nước ngoài muốn đến Nga chỉ cần bỏ tiền mua vé loại giá thấp nhất, làm được Fan ID để nhập cảnh vào Nga rồi trốn lại.

Tại World Cup 2018, Qatar đã cử khoảng 180 người sang Nga để quan sát, theo dõi và học hỏi cách thức tổ chức giải đấu. Những kinh nghiệm học được từ nước Nga chắc chắn sẽ giúp Qatar có cái nhìn thực tế hơn về việc tổ chức một sự kiện thể thao tầm cỡ như World Cup, thu hút 32 đội tuyển bóng đá quốc gia tham dự, kèm theo đó là hàng triệu cổ động viên.

World Cup 2018 chưa khép lại, nhưng từ giây phút này, Qatar đã có thể hình dung về những gì họ phải thực hiện trong vòng 4 năm tới. Với một quốc gia giàu có, cơ sở vật chất không phải là vấn đề lớn, nhưng giải quyết bài toán ăn ở, vui chơi và xem bóng đá cho các cổ động viên, kèm theo đó là hàng loạt vấn đề về an ninh, sẽ là thách thức rất lớn đối với một quốc gia nhỏ bé như Qatar.

Đông Hà (từ Moskva, LB Nga)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›