(Thethaovanhoa.vn)- Trong phần thứ 4 của loạt bài tôn vinh những siêu sao có sức ảnh hưởng đến châu lục qua giải đấu hàng đầu cấp CLB AFC Champions League, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã thống kê những cái tên “khủng” của bóng đá UAE và nhiều người đã thua Việt Nam ở lần đối đầu gần nhất.
Mặc dù UAE chỉ tự hào có 1 danh hiệu trong lịch sử giải đấu hàng đầu châu lục được bắt đầu ở mùa giải 2002-2003, nhưng với núi tiền khổng lồ của các ông chủ giàu có vùng Tây Á, UAE luôn sở hữu những CLB lớn ở châu lục.
Một trụ cột quan trọng của đội hình Al Ain trong hơn 7 năm qua chính là Khalid Eisa. Cầu thủ này đã có được 63 lần ra sân ở AFC Champions League, nhiều nhất ở đấu trường này đối với một cầu thủ người UAE.
Sau khi gia nhập nhà vô địch AFC Champions League 2002/03 từ Al Jazira năm 2013, Eisa đã giúp đội bóng thành phố Garden lọt vào bán kết giải này năm 2014. Nhưng Eisa bị đuổi khỏi trận thua 3-0 trước Al Hilal SFC ở Riyadh và do đó bỏ lỡ các trận đấu trở lại.
Hai năm sau, Eisa tiếp tục giúp đội nhà tiến tới trận chung kết. Gã khổng lồ UAE phải đối mặt với Jeonbuk Hyundai Motors của Hàn Quốc và chấp nhận thất bại cay đắng 2-3 chung cuộc, đành kết thúc với vị trí Á quân AFC Champions League.
Ở tuổi 30, Eisa vẫn là cầu thủ không thể thiếu của ĐTQG UAE. Cầu thủ này cũng có mặt ở trận thua Việt Nam 0-1 tại Mỹ Đình năm ngoái.
Cùng với Eisa, Ahmed Khalil cũng là một nhân chứng trong thất bại tối thiểu trước Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022. Ahmed Khalil đã ra mắt AFC Champions League cùng Al Ahli từ năm 2009 và chỉ chơi cho CLB này duy nhất.
Đội trưởng CLB Al Ahli đã giúp đội nhà vào chung kết AFC Champions League năm 2015. Cầu thủ sinh năm 1991 chơi không thiếu trận nào, đóng góp sáu bàn thắng và ba pha kiến tạo cho đồng đội lập công.
Còn cầu thủ khác được huyền thoại bóng đá Tây Ban Nha và Barcelona Xavi đánh giá là “Messi châu Á” Omar Abdulrahman là tên tuổi lừng lẫy hơn cả. Số 10 của Al Ain sở hữu mái đầu xù đặc trưng và năm ngoái cũng từng bất lực trước Việt Nam của HLV Park Hang Seo. Ở mùa giải năm nay, Omar không được dự AFC Champions League cùng CLB mới Al Jazira.
Trước đó, năm 2016, Omar Abdulrahman đã cùng Al Ain lọt vào trận chung kết của giải đấu hàng đầu châu Á, đóng góp ba bàn thắng và sáu pha kiến tạo. Và mặc dù Al Ain thua trong trận chung kết, màn trình diễn của tiền vệ này cũng giúp anh có giải thưởng Cầu thủ hay nhất châu Á cũng như giải đấu. Omar đã ghi được 17 bàn thắng đầy kinh ngạc với nhiều người và có tới 23 pha kiến tạo.
Hai cầu thủ được xem là “huyền thoại” của bóng đá UAE ở đấu trường AFC Champions League không có mặt ở trận thua Việt Nam năm ngoái là Mohammad Omar và Subait Khater.
Giống như Khalid Eisa, Subait Khater cũng đại diện cho cả Al Ain và Al Jazira thi đấu ở giải CLB châu Á nhưng khác những đồng nghiệp đàn em, tiền vệ này đã giúp Al Ain trở thành nhà vô địch châu Á đầu tiên của UAE.
Màn trình diễn của Khater trong năm 2002-2003 đã giúp Al Ain bất bại ở vòng bảng, trước khi tiếp tục thắng Đại Liên PR của Trung Quốc để vào chung kết với BEC Tero Sasana (Thái Lan).
Al Ain thắng 3-0 và Khater đã viết tên của mình trong lịch sử của giải lẫn bóng đá UAE. Đội trưởng của UAE giải nghệ năm 2009. Người còn lại, Mohammad Omar là anh em cùng cha khác mẹ của huyền thoại UAE Zuhair Bakheet và hiện cũng đã giải nghệ.
Hiện tại, những siêu sao hàng đầu của bóng đá UAE như Omar Abdulrahman, Khalid Eisa và Ahmed Khalil vẫn đang trông chờ HLV trưởng mới của ĐTQG. UAE đang xếp thứ 4 bảng G vòng loại World Cup 2022 với chỉ 6 điểm, kém đội đầu bảng Việt Nam tới 5 điểm.
Thành tích đó thực sự là nỗi hổ thẹn của UAE khi họ là đội tuyển thuộc nhóm 1, được đánh giá cao nhất trước khi bốc thăm. Họ phải đặt mục tiêu thắng cả 4 trận còn lại với Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam để hy vọng lấy vé vào vòng tiếp theo World Cup 2022.
V.H
Tags