(Thethaovanhoa.vn) - Bên cạnh việc dồn lực chống dịch COVID-19, để giữ gìn sự ổn định trong xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau, mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường trực Chính phủ ngày 31/3/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành hữu quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ai sẽ được hỗ trợ do dịch COVID-19
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị của Việt Nam đã tích cực vào cuộc chống dịch COVID-19, dành mọi ưu tiên tốt nhất để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Và để giữ gìn sự ổn định trong xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau, mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường trực Chính phủ ngày 31-3-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành hữu quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
- Bắt tạm giam kẻ lừa bán khẩu trang qua mạng tại Hải Dương ngày dịch COVID-19
- Làm phim tài liệu 'Cuộc chiến không giới hạn' về phòng chống dịch COVID-19
- Dịch COVID-19: Bộ Y tế thông báo khẩn về lịch trình di chuyển của ca bệnh 237
Theo đó, sẽ có 6 nhóm, bao gồm khoảng 20 triệu người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ tiền trực tiếp.
Nhóm 1: Hỗ trợ thêm (ngoài mức trợ cấp thường xuyên) 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là người có công với cách mạng (1,135 triệu người) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 6.470 tỷ đồng, tổng số người được hỗ trợ 4,315 triệu người).
Nhóm 2: Hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là hộ nghèo (984.000 hộ), hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 6.730 tỷ, tổng số hộ được hỗ trợ 2.244.000 hộ).
Nhóm 3: Hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 5.400 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 1 triệu lao động).
Nhóm 4: Người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động (dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 3 triệu lao động).
Nhóm 5: Hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 2.280 tỷ đồng, tổng số hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ 760 ngàn hộ).
Nhóm 6: Hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 15.000 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là 5 triệu lao động).
Trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách hỗ trợ trở lên tại Nghị quyết này thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.
Bên cạnh đó, có 2 chính sách hỗ trợ đặc thù và cho áp dụng quy trình đơn giản hóa tạo điều kiện người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Cụ thể, người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội trở lên (kể cả lao động ngừng việc). Dự kiến số tiền được tạm dừng khoảng 6.500 tỷ đồng.
Cho phép người sử dụng lao động được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa là 1.000.000 đồng/người/tháng. Dự kiến số tiền được hỗ trợ là 3.000 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số khoản hỗ trợ từ Ngân sách Trung ương và kêu gọi từ nguồn khác là 61.580 tỷ đồng (2,6 tỷ USD). Trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 32.880 tỷ đồng (1,52 tỷ USD). Trên cơ sở đó, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng sẽ bố trí nguồn ngân sách trung ương và địa phương cụ thể.
Bảo đảm đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, có 4 nguyên tắc được Chính phủ thống nhất khi ban hành Nghị quyết này, gồm: Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch; không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng; người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ cùng chia sẻ khó khăn; việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Để triển khai thực hiện tốt các nội dung này, Nghị quyết nêu rõ mục tiêu và phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ, ngành, cơ quan, địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu để làm sao người hưởng được hưởng đúng, hưởng đủ nhưng hưởng nhanh nhất.
Liên quan đến câu hỏi khoảng 20 triệu người dân khó khăn do COVID-19 gây ra sẽ nhận tiền hỗ trợ như thế nào, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, chính quyền cơ sở, doanh nghiệp lập danh sách người cần được hỗ trợ, rồi cơ quan chức năng rà soát và người đứng đầu địa phương xác nhận trước khi người dân nhận tiền. Ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, quan trọng nhất là công khai, minh bạch trong dân để nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, đoàn thể giám sát chặt chẽ việc này. Đồng thời sẽ xử lý nghiêm minh tất cả trường hợp vi phạm, trục lợi chính sách.
Trước đó, chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ về chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, tình thế cấp bách hiện nay đòi hỏi chúng ta trước mắt phải lo cuộc sống cho nhân dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, người làm bán thời gian, người mất việc làm để bảo đảm đời sống ở mức cơ bản tối thiểu.
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đã có tới 153.000 người mất việc hoặc xin nộp hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Hàng triệu lao động ngừng việc trong các ngành như dệt may, da giày, du lịch vận tải, lưu trú, ăn uống… Dự kiến có thêm hàng trăm nghìn lao động mất việc làm làm tuỳ thuộc vào mức độ bùng phát của dịch bệnh.
Tùng Lâm - TTXVN
Tags