Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị thành công bệnh tim bẩm sinh tím

Thứ Sáu, 10/04/2020 20:26 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tất cả các dị tật của tim hoặc các mạch máu lớn có ngay từ lúc sinh ra đều được gọi là bệnh tim bẩm sinh. Bệnh tim bẩm sinh tím - Cyanotic congenital heart disease (CCHD) là một bệnh tim bẩm sinh gây ra nồng độ oxy trong máu thấp làm da có màu tím tái. Tứ chứng Fallot là bệnh thường gặp nhất trong nhóm tim bẩm sinh tím… Bệnh làm tổn thương tim nặng, chất lượng máu, hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu kém đồng thời yêu cầu kỹ thuật phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu phức tạp.

Triển khai dịch vụ khám và chăm sóc sức khỏe tại nhà

Triển khai dịch vụ khám và chăm sóc sức khỏe tại nhà

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long triển khai dịch vụ khám bệnh, tư vấn và cung cấp các dịch vụ y tế tại nhà dành cho tất cả khách hàng tại TP Cần Thơ và các tỉnh, thành phố lân cận.

Tiếp nhận và điều trị

Vừa qua, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đã tiếp nhận người bệnh N.M.N (sinh năm 1995, ngụ tại Chợ Mới, An Giang). Theo chia sẻ từ gia đình, người bệnh đã phát hiện bệnh từ năm 6 tuổi sau một lần bị ngất khi đang đi học. Các ngón tay và môi của người bệnh có màu tím. Người bệnh thường bị mệt và không thể chơi các môn thể thao hoặc vận động mạnh. Khoảng 3 tháng trước, người bệnh bắt đầu thấy mệt nhiều và kéo dài, sụt hơn 4kg nên đến khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long và được chẩn đoán tứ chứng Fallot. 

Người bệnh đã được sửa chữa triệt để đóng lỗ thông liên thất lớn, mở rộng động mạch phổi dùng miếng vá bằng màng ngoài tim của người bệnh vào ngày 20/3/2020. Sau phẫu thuật, người bệnh đang được chăm sóc tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, tình trạng sức khỏe hồi phục tốt, các ngón tay và môi bớt tím. 

Theo BS-CKII Trần Phước Hòa - Trưởng đơn vị Tim mạch của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, bệnh tim bẩm sinh có biểu hiện tím là bệnh tim phức tạp vì tổn thương trên tim nặng, chất lượng máu kém. Chính vì thế, việc phẫu thuật và chăm sóc sau phẫu thuật cho bệnh nhân đòi hỏi sự chính xác cao để tránh các biến chứng có thể gặp phải như chảy máu, người bệnh không thích nghi với tình trạng tim sau phẫu thuật sửa chữa cũng như thời gian hồi sức sau mổ tim dài. Người bệnh cần điều trị càng sớm càng tốt để tránh việc thiếu oxy lâu dài ảnh hưởng đến đa cơ quan, nặng hơn nữa tắt mạch máu não, mạch máu tim. Sau phẫu thuật, người bệnh cần phải tiếp tục điều trị nội khoa. 

Chú thích ảnh
BS Trần Phước Hòa thăm khám cho người bệnh

Tứ chứng Fallot là gì

Tứ chứng Fallot là bệnh thường gặp nhất trong nhóm tim bẩm sinh tím với biểu hiện điển hình da tím tái do máu không được cung cấp đủ dưỡng khí.

Tứ chứng Fallot thường gặp với 4 dạng khiếm khuyết ở tim: Hẹp đường thoát thất phải, thông liên thất, động mạch chủ “cưỡi ngựa” lên vách liên thất và phì đại thất phải. Biểu hiện bệnh xuất hiện vào khoảng 4 - 6 tháng sau sinh. Tứ chứng Fallot thường đi kèm một số bệnh liên quan đến việc đột biến nhiễm sắc thể như bệnh down, hở hàm ếch...

Tứ chứng Fallot thường được chẩn đoán trong giai đoạn bào thai hoặc ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, có những trường hợp tứ chứng Fallot không được phát hiện cho đến khi tuổi trưởng thành tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các khiếm khuyết và triệu chứng.

Nếu được chẩn đoán sớm, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị phẫu thuật thích hợp, hầu hết trẻ em và người lớn bị tứ chứng Fallot có cuộc sống tương đối bình thường, mặc dù họ vẫn phải được chăm sóc y tế thường xuyên và hạn chế các công việc nặng.

Chú thích ảnh
Bàn tay người bệnh không còn tím tái sau phẫu thuật

Tùy thuộc vào mức độ tắc nghẽn của dòng máu chảy ra từ tâm thất phải và vào phổi thì các triệu chứng của tứ chứng Fallot sẽ khác nhau ở mỗi người bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm: Da có màu xanh tím; khó thở và thở nhanh, đặc biệt là khi cho trẻ ăn hoặc tập thể dục; mất ý thức, ngất xỉu; ngón tay hoặc ngón chân dùi trống (Clubbing of fingers and toes); tăng cân chậm; mệt mỏi nhanh trong khi chơi hoặc tập thể dục; cáu gắt; khóc kéo dài; tiếng thổi của tim (heart murmur); cơn tím thiếu oxy (hypercyanotic spell = TET spell).

Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả duy nhất đối với bệnh tứ chứng Fallot. Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm sửa chữa tạo shunt chủ phổi tạm thời hoặc sửa chữa triệt để ngay từ đầu. Trong phẫu thuật sửa chữa tạm thời, người bệnh sẽ được đánh giá lại sau 2 năm để bác sĩ quyết định có thể tiến hành sửa chữa triệt để hay không. 

Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ cần được chăm sóc trong thời gian dài với bác sĩ tim mạch như đặt lịch hẹn theo dõi định kỳ để đảm bảo rằng ca phẫu thuật hoặc thủ thuật can thiệp thành công.

PTTT

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›