(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 11/8, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đã chính thức triển khai dịch vụ thu phí không dừng (ETC) trên toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống an toàn giao thông với hệ thống giao thông thông minh (ITS) để quản lý, điều hành nay đã được tích hợp thêm công nghệ thu phí không dừng (ETC) đồng bộ với hệ thống ITS. Việc thu phí không dừng trên tuyến cao tốc hiện đại này không chỉ phục vụ cho việc quản lý mà còn giúp phương tiện lưu thông nhanh chóng, thuận tiện, hưởng ứng chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu VIDIFI tập trung nhân lực để phân luồng giao thông, phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông để xử lý các sự cố có thể xảy ra trong ngày đầu đi vào khai thác, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ thuận lợi nhất.
Hiện, toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã có 32/62 làn được lắp thu phí không dừng. Theo tính toán, việc lắp 32 làn là đủ cho các phương tiện lưu thông. Trước mắt, chỉ khai thác thuần 1 làn thu phí không dừng, các làn còn lại sẽ cho phép chạy hỗn hợp, sau đó sẽ tăng làn thuần thu phí không dừng, cấm tuyệt đối xe không dán thẻ đi vào làn này. Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ khuyến cáo chủ phương tiện dán thẻ và có tiền trong tài khoản chạy vào làn thu phí không dừng, tránh ảnh hưởng đến phương tiện khác.
Đại diện lãnh đạo VIDIFI cho biết, từ ngày 12/3, Tổng công ty đã cho áp dụng thu phí không dừng trên tuyến Quốc lộ 5, cho đến nay, trung bình hàng ngày có khoảng 2.500 lượt xe sử dụng dịch vụ. Hiện mới áp dụng 1 làn thu phí không dừng mỗi chiều xe chạy, tháng 10/2020 sẽ tăng thêm mỗi trạm 3 làn, đáp ứng đủ cho phương tiện sử dụng thu phí không dừng, kể cả ngày cao điểm. Tùy thuộc lưu lượng xe trên tuyến sẽ mở số làn thuần thu phí không dừng cho phù hợp.
Từ 9h ngày 11/8, tại đầu ra và đầu vào của mỗi trạm thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đều bố trí 1-2 làn chỉ dành cho phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí ETC (nằm ở bên trái sát dải phân cách giữa bằng bê tông), một số làn thu phí hỗn hợp (thu phí không dừng ETC và thu phí một dừng MTC) và các làn thu phí một dừng.
Trước các trạm thu phí có lắp đặt biển báo chỉ dẫn làn thu phí ETC, gần khu vực trạm thu phí có biển báo điện tử, sơn kẻ đường phản quang ghi rõ “Làn ETC”, “Làn hỗn hợp”, đinh phản quang dẫn hướng và trên giá long môn có biển hiệu “Làn thu phí ETC”, “Làn thu phí hỗn hợp” để người điều khiển phương tiện dễ dàng nhận diện làn thu phí ETC.
VIDIFI lưu ý người điều khiển phương tiện có thẻ Etag (thẻ đăng ký dịch vụ thu phí ETC được dán vào kính chắn gió phía trước hoặc đèn xe) đi vào làn ETC, các phương tiện không có thẻ Etag hoặc toàn bộ phương tiện là xe tải đi vào làn thu phí một dừng (MTC) hoặc “Làn thu phí hỗn hợp”.
Khi lưu thông qua làn ETC người điều khiển xe cần giữ vận tốc nhỏ hơn 40km/h để đảm bảo an toàn, giữ khoảng cách tối thiểu giữa 2 xe là 8m, tuân thủ tín hiệu đèn giao thông và trạng thái barrie, làm theo hướng dẫn của nhân viên điều hành tại trạm. Các phương tiện chưa dán thẻ, chưa nạp tiền vào tài khoản giao thông hoặc tài khoản giao thông không đủ tiền để trả phí nếu vẫn lưu thông vào làn dành riêng cho phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí ETC thì sẽ bị xử phạt theo quy định.
Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được khởi công từ tháng 9/2008 với tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD) và chính thức thông tuyến từ ngày 5/12/2015, tuyến này có chiều dài 105,837 km đi qua các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Tuyến đường có điểm đầu giao cắt với đường vành đai III Hà Nội (cách mố Bắc cầu Thanh Trì 1.025m về phía Bắc Ninh) thuộc địa phận thôn Thượng Hội, Phường Thạch Bàn, Quận Long Biên, Hà Nội. Điểm cuối là cảng Đình Vũ, Quận Hải An, Thành phố Hải Phòng.
Quang Toàn/TTXVN
Tags