(Thethaovanhoa.vn) - Dư luân mấy ngày qua “nóng” khi các tài xế dính hơi men bị phạt nặng, tới hàng chục triệu đồng/trường hợp và còn bị tước bằng lái nhiều tháng. Nhưng không chỉ có vi phạm uống bia rượu khi tham gia giao thông mà nhiều lỗi vi phạm giao thông khác cũng nhận phạt nặng ngay từ những ngày đầu năm 2020.
Đây là những điều chỉnh xử phạt lỗi vi phạm giao thông theo Nghị định 100/2019 của Chính phủ vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Lái xe bò uống bia cũng bị phạt
Nếu trước 1/1/2020, luật cho phép người điều khiển phương tiện được lái xe dù trong người có nồng độ cồn, trong đó với xe gắn máy cho phép dưới ngưỡng 50 miligam/100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí. Thì nay, án phạt được áp dụng ngay trong trường hợp nói trên với mức phạt thấp nhất với ô tô là 6-8 triệu đồng, thu bằng lái 10-12 tháng (với xe máy 2-3 triệu đồng và thu bằng 10-12 tháng). Mức phạt cao nhất có thể lên tới 40 triệu đồng, treo bằng lái từ 22-24 tháng.
So với nhiều quốc gia trên thế giới, quy định mới này thuộc hàng gắt nhất, khi ngưỡng cho phép được đẩy xuống zero. Thêm nữa, không chỉ những người điều khiển phương tiện giao thông gắn động cơ mà cả điều khiển các phương tiện giao thông thô sơ như xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo... cũng nằm trong diện xử phạt nếu vi phạm.
Lùi xe trên cao tốc phạt gấp 17 lần
Không chỉ hành vi uống rượu bia khi lái xe mà các vi phạm liên quan tới an toàn giao thông như đi không đúng phần đường, làn đường qui định, chạy quá tốc độ cho phép, đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc… đều phải nhận mức phạt cao hơn nhiều kể từ 1/1/2020.
Cụ thể, hành vi lái xe ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc có thể bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng và tước quyền sử dụng bằng lái từ 5-7 tháng, cao gấp 17 lần so với trước đây.
Phạt lái xe máy nghe nhạc bằng tai nghe
Trừ phi đeo tai nghe trợ thính, nếu điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh như tai nghe nhạc, sẽ bị phạt tiền từ 600 ngàn đến 1 triệu đồng và tước bằng lái xe từ 1-3 tháng. Nếu lái ô tô vi phạm cùng lỗi án phạt là 1-2 triệu đồng và tước bằng 1-3 tháng.
Đổi địa chỉ chủ xe nhưng không làm lại cà vẹt bị phạt nặng
Nếu không làm thủ tục đổi lại Giấy đăng ký xe (hay còn gọi là cà vẹt) theo quy định khi thay đổi địa chỉ của chủ xe sẽ bị xử phạt, từ 400 ngàn - 600 ngàn với cá nhân, từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy. Với chủ xe ô tô, mức phạt cho lỗi tương tự là từ 2-4 triệu với cá nhân, 4-8 triệu đồng với tổ chức. Trước đây không có quy định phạt đối với vi phạm này.
Các phương tiện cơ giới được yêu cầu “xanh” hơn Ngoài việc Nghị định 100/2019 siết chặt các hành vi vi phạm có liên quan tới an toàn giao thông của người điều khiển phương tiện, những qui định mới được áp dụng từ năm 2020 cũng buộc các nhà sản xuất xe quan tâm hơn tới tác động môi trường của sản phẩm, trong đó đáng chú ý là ô tô phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới và xe máy mới được dán nhãn năng lượng. Cụ thể, từ 1/1/2020, các loại xe ô tô sản xuất từ năm 2008 trở lại đây phải đáp ứng mức tiêu chuẩn khí thải với mức cao hơn thì mới được cấp Chứng nhận đăng kiểm tham gia giao thông. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong năm 2020, sẽ có khoảng hơn 2,4 triệu xe ô tô được sản xuất từ sau năm 2008 phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới. Cũng từ 1/1/2020, mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phải in nhãn năng lượng theo mẫu và thực hiện dán trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường. |
Phan Ka (tổng hợp)