(Thethaovanhoa.vn) - Giá vàng hôm nay, Thethaovanhoa.vn cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường về giá vàng trong nước và quốc tế.
Chốt phiên 11/7, giá vàng tại Việt Nam giảm 100.000 đồng/lượng
Việc giới đầu tư chốt lời đã đẩy giá vàng thế giới rơi khỏi ngưỡng 1.800 USD/ounce trong phiên cuối tuần, 11/7. Với mức 1.798,6 USD/ounce, giá vàng thế giới tương đương 50,5 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC hôm nay cũng giảm 100.000 đồng/lượng, xuống mức 50,6 triệu đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang thấp hơn 100.000 đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng giảm về mức 50,4 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá mua vào bán ra của vàng vẫn giữ ở mức khá cao. Với vàng miếng, mức chênh hiện 450.000 đồng/lượng trong khi vàng nhẫn chênh lệch 550.000 đồng/lượng.
Theo các chuyên gia, giá vàng thế giới đảo chiều do áp lực chốt lời từ giới đầu tư do trước đó vàng đã được mua quá nhiều. Tuy nhiên mức giá hiện nay vẫn khá cao.
Dù giá vàng đã tăng liên tiếp 5 tuần, nhưng theo khảo sát vàng hàng tuần của Kitco News, nhiều nhà đầu tư vẫn dự báo giá vàng sẽ tiếp tục đi lên trong tuần tới.
Những yếu tố chính quyết định nhu cầu đối với vàng trong ngắn hạn sẽ là hiệu ứng COVID-19, mặt bằng lãi suất toàn cầu giảm thấp và hướng đi của đồng USD trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.
Tuy nhiên trước khi tăng trở lại, vàng sẽ phải trải qua một đợt điều chỉnh kỹ tuật về vùng giá khoảng 1.765 USD/ounce.
Những ngày gần đây, tỉ giá USD/VND liên tục đi xuống khiến giá vàng trong nước cũng bị kéo xuống. Giá bán USD tại Ngân hàng Vietcombank cuối tuần chỉ còn 23.270 đồng/USD, trong khi giá mua USD về mức 23.060 đồng/USD.
Giá vàng giảm xuống mốc 49 triệu đồng/lượng
Giá vàng trong nước lẫn thế giới trong phiên giao dịch sáng nay, 11/7 đều tụt dốc, mất đỉnh 9 năm. Vàng trong nước đang giao dịch ở mức 49 triệu đồng/lượng, vàng thế giới bán ra dưới mức 1.800 USD/ounce.
Giá vàng trong nước hôm nay 11/7/2020: Giảm xuống mốc 49 triệu đồng/lượng
Đầu phiên giao dịch sáng 11/7, giá vàng trong nước bất ngờ quay đầu giảm tại các kênh giao dịch. Giá kim loại quý sáng nay giảm xuống dao động trong khoảng 50.000 - 350.000 đồng/lượng, giảm mạnh nhất tại kênh giao dịch Bảo Tín Minh Châu.
Sáng nay, 11/7, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng tại Hà Nội 2 chiều mua vào - bán ra tại mức 50,3 - 50,6 triệu đồng/lượng. Giảm xuống 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua và chiều bán so với giá chốt giao dịch hôm qua.
Đối với thị trường TP.HCM, giá vàng DOJI niêm yết ở mức 50,3 - 50,65 đồng/lượng, giảm tương tự thị trường Hà Nội.
Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 50,25 - 50,7 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng ở cả chiều mua và chiều bán so với giá niêm yết cùng giờ hôm qua.
- Giá vàng hôm nay 10/7 duy trì đà tăng trên đỉnh cao kỷ lục
- Giá vàng hôm nay 9/7 cập nhật diễn biến mới nhất
- Giá vàng hôm nay 8/7 cập nhật diễn biến mới nhất
- Giá vàng hôm nay 7/7 cập nhật mới nhất
Tại thị trường TP HCM, giá vàng SJC được mua vào với giá 50,25 triệu đồng/lượng và bán ra với giá 50,7 triệu đồng/lượng, tăng tương tự tại thị trường Hà Nội.
Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ sáng 11/7 công bố giá vàng ở cả thị trường Hà Nội và TP HCM ở mức 50,1 - 50,65 triệu đồng/lượng. Đứng giá so với phiên giao dịch chốt phiên hôm qua.
Thương hiệu Vàng rồng Thăng Long của Công ty Vàng Bạc Đá Quý Bảo Tín Minh Châu trong giao dịch sáng 11/7 được mua vào với giá 49,88 triệu đồng/lượng và bán ra 50,48 triệu đồng/lượng. Giá tại đây giảm mạnh 350.000 đồng/lượng ở chiều mua và 300.000 đồng/lượng ở chiều bán so với giá niêm yết phiên sáng 10/7.
Giá vàng thế giới hôm nay 11/7/2020 tụt dốc mất mốc 1.800 USD/ounce. Cụ thể, giá vàng thế giới sáng nay 11/7 được niêm yết trên sàn Kitco là 1.796,9 USD/ounce, giảm mạnh 13 USD/ounce so với giao dịch liền kề. Tại sàn New York, giá vàng cũng giảm mạnh so với phiên trước đó, giá hiện tại được bán ra cũng ở mức 1.796,9 USD/ounce, giảm 5,6 USD/ounce.
Các hợp đồng vàng tương lai quay đầu suy giảm vào hôm nay, 2 ngày sau khi ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 9/2011. Kim loại quý đã dao động dưới mốc 1,800 USD/ounce sau khi dữ liệu cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ vẫn trên mức 1 triệu người.
Chuyên gia: Vàng đang có môi trường lý tưởng để tăng giá
Giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần qua giảm, nhưng vẫn ở mức trên 1.800 USD/ounce và ghi dấu tuần tăng thứ năm liên tiếp, khi sự lây lan dịch COVID-19 ở nhiều bang của Mỹ và nhiều nước khác làm tăng nhu cầu với các tài sản an toàn trong bối cảnh triển vọng kinh tế vẫn không chắc chắn.
Trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 6/7, giá vàng thế giới đã tiến sát mức cao nhất trong gần 8 năm ghi nhận được vào tuần trước, giữa lúc số ca nhiễm COVID-19 mới tăng mạnh tiếp tục thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản an toàn, mặc dù thị trường chứng khoán khởi sắc và dữ liệu tích cực về lĩnh vực dịch vụ của Mỹ hạn chế đà đi lên của giá vàng. Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,5%, lên 1.783,75 USD/ounce.
Giá vàng tiếp tục đi lên trong phiên 7/7 trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh làm dấy lên hy vọng trong giới đầu tư rằng chính phủ các nước sẽ triển khai thêm các biện pháp chính sách tiền tệ phù hợp đồng thời đẩy tăng nhu cầu đối với tài sản an toàn. Khép phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.796,08 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đã vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce phiên 8/7, mức cao nhất kể từ tháng 9/2011, khi các nhà đầu tư đổ dồn vào các kênh "trú ẩn an toàn", còn các ngân hàng trung ương "mạnh tay" tiến hành các biện pháp kích thích để ngăn chặn tác động kinh tế do dịch COVID-19 gây ra. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.811,01 USD/ounce.
Tuy nhiên sau đó, giá vàng giao tháng Tám đã giảm 1,9 USD, hay 0,1%, chốt phiên cuối tuần (10/7) ở mức 1.801,9 USD/ounce tại bộ phận Comex của Sàn giao dịch hàng hóa New York. Trước đó, vào lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/7, giá vàng cũng giảm nhưng vẫn ở mức trên 1.800 USD/ounce, khi số liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần tại Mỹ vẫn trên 1 triệu đơn. Hợp đồng vàng giao tháng Tám được giao dịch nhiều nhất giảm 16,8 USD, hay 0,92%, xuống 1.803,8 USD/ounce.
Mặc dù giảm trong hai phiên cuối tuần, song tính chung cả tuần, giá vàng tăng khoảng 0,7% so với mức chốt phiên 2/7, phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước do thị trường nghỉ lễ Ngày Độc lập. Giá vàng có tuần tăng thứ năm liên tiếp và tăng hơn 18% kể từ đầu năm.
Nhà phân tích tại FXTM, Lukman Otunuga, cho rằng vàng tăng sức hấp dẫn nhờ các yếu tố như triển vọng kinh tế trong trung và dài hạn không chắc chắn. Nhà phân tích này nhận định sau khi chạm mức cao kỷ lục trong chín năm, giá vàng có thể chứng kiến sự điều chỉnh mang tính kỹ thuật, xuống khoảng 1.780-1.765 USD/ounc, trước khi có được động lực mới nhờ tâm lý tránh rủi ro.
Các nhà phân tích cho rằng giá vàng tăng một phần do lãi suất trái phiếu của Mỹ tiếp tục giảm, khi nhà đầu tư ít hoặc không phải chịu chi phí cơ hội cho việc nắm giữ các tài sản không sinh lời như vàng. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm trong tuần qua, xuống 0,619% trong phiên cuối tuần, một ngày sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 24/4. Vàng cũng giữ được sức hấp dẫn nhờ những lo ngại các nỗ lực kích thích mạnh mẽ có thể gây sức ép lạm phát.
Theo các nhà phân tích tại Goldman Sachs, vàng chịu tác động từ hai yếu tố chính. Một là sự lo ngại khiến nhu cầu đầu tư tăng tại các thị trường phát triển và hai là sự phục hồi đang thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường mới nổi. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho rằng vàng đang có một môi trường lý tưởng, khi đà phục hồi tại Mỹ chậm lại do làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, trong khi Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng bán lẻ lớn nhất thế giới, đang phục hồi mạnh. Tình hình tại Mỹ cũng khiến đồng USD giảm, nhờ đó tăng sức mua vàng của những người tiêu dùng bên ngoài nước Mỹ.
Người lướt sóng bán nhanh chốt lời
Giá vàng đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao với giá vàng miếng mua vào là 50,25 triệu đồng/lượng. Đây vẫn là mức giá hấp dẫn để người dân bán ra.
Chiều qua 10/7, nhiều người dân tại TPHCM vẫn đến các trung tâm giao dịch và các tiệm vàng để bán vàng, chốt lời.
Đại diện của SJC cho biết, trong hai ngày qua, khách hàng đến SJC Nguyễn Thị Minh Khai TP HCM giao dịch rất nhiều. Ngoài những khách hàng giao dịch vàng lẻ dưới 5 lượng thì khách sỉ như các tiệm vàng hay các doanh nghiệp cũng đến giao dịch rất đông.
“Vàng miếng và nhẫn trơn ép vỉ từ 0,5 – 5 chỉ là những mặt hàng khách giao dịch nhiều nhất”, đại diện SJC nói.
Vàng miếng SJC chiều ngày 10/7 có giá mua vào và bán ra giảm khoảng trên dưới 150.000 đồng/lượng so với phiên giao dịch cuối ngày hôm qua. Giá vàng miếng SJC mua vào là 50,25 triệu đồng/lượng, giá bán ra dao động từ 50,7 – 50,73 triệu đồng/lượng.
Mặc dù giá vàng đã “hạ nhiệt” so với ngày 9/7, tuy nhiên vẫn tăng nhẹ so với sáng cùng ngày khoảng 50.000 đồng/lượng cả ở chiều mua vào và bán ra.
Theo các chuyên gia kinh tế, khả năng giá vàng thế giới vẫn duy trì ở mức hơn 1.800 USD/ounce là rất cao. Nguyên nhân khiến giá vàng vẫn còn cao là do đồng USD suy yếu, số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh và nhiều người vẫn còn hoài nghi về sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy, giá vàng trong nước cũng vẫn tiếp tục duy trì ở mức hơn 50 triệu đồng/lượng trong thời gian tới.
Tỷ giá ngoại tệ ngày 11/7
Tỷ giá trong nước: Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.216 đồng (giảm 5 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.175 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.650 đồng (không đổi).
Các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ phổ biến ở mức 23.100 đồng (mua) và 23.280 đồng (bán).
Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức: 23.100 đồng/USD và 23.280 đồng/USD. Vietinbank và BIDV: 23.098 đồng/USD và 23.278 đồng/USD. ACB: 23.110 đồng/USD và 23.270 đồng/USD.
Tỷ giá quốc tế: Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giao dịch ở mức 97,3 điểm, giảm nhẹ 0,2%.
Trong phiên họp gần nhất vào tháng 6, Ủy ban Thị trường mở (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã thể hiện rõ quan điểm sẽ duy trì lãi suất ở mức từ 0 - 0,25%/năm cho tới ít nhất năm 2022.
Fed sẽ tiếp tục mua vào hàng tỷ USD trái phiếu và các loại tài sản có giá khác để hỗ trợ thị trường tài chính, giữ vững thanh khoản trong giai đoạn khủng hoảng.
Bộ Lao động Mỹ vừa công bố số liệu cho thấy trong tuần qua đã có thêm 1,3 triệu người lao động Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Tính trong 4 tuần qua (kết thúc vào ngày 4/7), trung bình mỗi tuần lại có 1,44 triệu người bị mất việc, tiếp tục đà đi xuống trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới từng bước mở cửa trở lại và người lao động được quay lại làm việc.
Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm trước đại dịch. Ngoài ra, số liệu tính tới ngày 27/6 cho thấy vẫn còn 18 triệu người trong danh sách thất nghiệp.
Bộ Lao động Mỹ cũng cho biết trong tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đã xuống còn 11,1% khi có thêm 4,8 triệu việc làm, chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực khách sạn và nghỉ dưỡng, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp hạn chế đối với hoạt động đi lại và các nhà hàng.
Trên thế giới, hai khu vực đưa lãi suất về âm là Nhật Bản và khu vực đồng tiền chung châu Âu (EU). Ngân hàng Trung ương Đan Mạch là ngân hàng đầu tiên giảm mức lãi suất xuống dưới 0% vào năm 2012.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa lãi suất âm vào tháng 6/2014, hạ lãi suất tiền gửi xuống -0,1%/năm. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã thông báo lãi suất âm vào tháng 1/2016.
Dầu tăng giá nhờ các tín hiệu hỗ trợ tích cực
Ngày 10/7, giá dầu đã tăng hơn 2% sau khi nhận được hàng loạt tín hiệu hỗ trợ tích cực. Cụ thể, dầu thô Brent LCOc1 tăng 89 xen, tương đương 2%, lên mức 43,24 USD/thùng; dầu CLc1 của Mỹ tăng 93 xen, tương đương 2,4%, lên mức 40,55 USD/thùng.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, giá dầu bật tăng trở lại sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố dự báo tích cực về nhu cầu tiêu thụ mặt hàng “vàng đen” trong năm nay, với mức ước tính 92,1 triệu thùng/ngày, tăng 400.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra hồi tháng trước.
Ngoài ra, việc các công ty năng lượng Mỹ tiếp tục cắt giảm khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên trong tuần thứ 10 liên tiếp, thị trường chứng khoán tăng điểm và kinh tế Mỹ phục hồi trong tháng 6 cũng là những yếu tố góp phần hỗ trợ giá dầu tăng.
Tuy nhiên, theo IEA, có một thực tế không thể bỏ qua là nguy cơ đại dịch COVID-19 có thể sẽ kéo lùi nhu cầu tiêu thụ dầu tại Mỹ nếu như số ca mắc mới vẫn tiếp tục tăng cao. Mỗi ngày Mỹ ghi nhận thêm gần 60.000 ca mắc mới và hiện đã có gần 3,3 triệu người mắc căn bệnh nguy hiểm này, khiến hơn 136.000 người tử vong.
Không chỉ ở Mỹ, nếu dịch COVID-19 không được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu thì cũng sẽ làm tê liệt nhu cầu về dầu mỏ, do các kho chứa dầu đã đầy hoặc gần đầy, trong khi các hoạt động kinh tế tiếp tục bị đình trệ. Một ví dụ là các kho chứa dầu thô tại Mỹ đã tăng gần 6 triệu thùng vào tuần trước.
Vàng và chứng khoán đang cùng tăng giá
Giá vàng chứng kiến mức tăng kỷ lục trong gần 9 năm, trong khi chứng khoán và các tài sản khác cũng cùng chiều biến động.
Vàng vốn được xem là kênh trú ẩn an toàn khi nền kinh tế gặp biến động. Tuy nhiên, điều này không còn đúng khi giá vàng trong những ngày gần đây không ngừng tăng lên mức cao nhất trong gần 9 năm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán và các tài sản rủi ro khác cũng chạy theo xu hướng này.
Theo Zing, một bài đăng trên Marketwatch mới đây đã nhận định giá vàng sẽ còn tiếp tục đà tăng mạnh với bước nhảy tiềm năng lên tới 2.000 USD/ounce. Cùng lúc đó, trang này cho biết chứng khoán và các loại tài sản rủi ro khác cũng bất ngờ tăng tốc sau khi xảy ra làn sóng bán tháo trong đại dịch Covid-19.
Theo bài viết, nguyên nhân khiến giá vàng và chứng khoán biến động cùng chiều một phần đến từ chi phí cơ hội. Trong nhiều tháng qua, hệ thống ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã nỗ lực đè nén lãi suất xuống đáy để kích cầu (thậm chí có thời điểm lãi suất xuống mức âm như ở Mỹ và một số nước khác). Lúc này, những người đầu tư vào vàng sẽ không bị lỗ do hưởng lợi từ trái phiếu.
“Khi lợi tức thực tế xuống âm, chi phí cơ hội để nắm giữ các tài sản không sinh lời sẽ biến mất, đặc biệt khi bị đánh giá thông qua lăng kính lịch sử tiền định danh và sức mua”, ông Jeff deGraaf, Chủ tịch công ty nghiên cứu Renaissance Macro Research, nhận định. “Và điều này tạo thuận lợi cho giá vàng”, chuyên gia nói thêm.
Trong khi đó, bà Georgette Boele, chiến lược gia về kim loại quý tại công ty ABN Amro, lại có góc nhìn khác. Theo bà, khi giá vàng và chứng khoán cùng tăng, chúng sẽ mang theo kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Và xu hướng này sẽ xảy ra khi lợi tức thực giảm.
Làm rõ hơn về vấn đề này, bà Boele phân tích: “Thực tế, chính sách của các ngân hàng trung ương chính là yếu tố then chốt khiến giá vàng tăng cao. Tuy nhiên, nếu lãi suất không ở tiệm cận 0 như ở nhiều quốc gia hiện nay, giá vàng khó có thể tăng trong tương lai gần”.
Gần đây, nhiều ngân hàng trung ương đã tuyên bố thực hiện các biện pháp nới lỏng định lượng. Ví dụ như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu nới lỏng định lượng không giới hạn, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bắt tay vào những chính sách quan trọng.
“Những động thái trên là tin vui đối với thị trường vàng do dòng tiền đổ vào các thị trường và giá các loại tiền tệ bắt đầu giảm”, bà Boele nhấn mạnh.
FED đã nhiều lần cắt giảm lãi suất nhằm kích thích nền kinh tế trong dịch Covid-19. Ảnh: ABC News.
Theo báo cáo từ Hội đồng Vàng thế giới, trong tháng 6, các quỹ ETF vừa ghi nhận tháng thứ 7 liên tiếp đón nhận dòng chảy mạnh của vàng khi tăng thêm 104 tấn, tương đương 5,6 tỷ USD. Trong nửa đầu năm, dòng vốn ròng toàn cầu đạt 39,5 tỷ USD, vượt qua kỷ lục dòng vốn hàng năm trước đó từ năm 2016.
Ở một diễn biến khác, giả sử FED sẽ tiến hành kiểm soát “đường cong lợi tức” (một biện pháp nhằm giữ lợi tức ở một mức cố định), thì mức tăng lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn còn hạn chế. Khi chính phủ tích cực chi tiền cho các gói kích thích kinh tế, lạm phát ngân sách của quốc gia đó sẽ bị đẩy lên. Song, điều này lại không gây tổn hại tới giá vàng, thậm chí còn tạo điều kiện cho giá vàng tăng lên.
Trước tình hình trên, ABN Amro đã điều chỉnh mức dự báo đối với giá vàng vào cuối năm nay lên 1.900 USD/ounce so với mức trước đó là 1.700 USD/ounce. Một số chuyên gia còn cho rằng giá của kim loại quý này có thể chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce, thậm chí còn cao hơn nữa.
Bà Boele cũng cảnh báo các nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý trong trường hợp giá vàng giảm trong tương lai gần khi đồng USD lấy lại được giá trị. Tuy nhiên, bà cho rằng thời gian này sẽ kéo dài không lâu và các nhà đầu tư sẽ đổ xô mua vào khi vàng giảm giá.
Trước đó, giá vàng giao tháng 8 trong phiên giao dịch ngày 9/7 giảm 16,8 USD (tương đương 0,9%), kết thúc phiên giao dịch ở mức 1.820,6 USD/ounce, mức cao nhất từ ngày 14/9/2011. Nguyên nhân được cho là ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán khi chỉ số S&P trượt 1%.
Tuy nhiên, giá vàng vẫn tăng 0,8% trong tuần và tăng hơn 18% trong một năm tính tới hiện tại.
Giá dầu WTI giảm 0,3%, dầu Brent tăng 1% trong tuần qua
Giá dầu thế giới tăng trong phiên 10/7, nhờ những kết quả khả quan trong việc điều trị COVID-19, nhưng tính chung cả tuần giá dầu của Mỹ giảm so với tuần giao dịch trước đó, khi báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo nhu cầu sẽ yếu hơn do đại dịch COVID-19 kéo dài, dù những tác động tồi tệ nhất đến các nền kinh tế đã giảm bớt.
Nhìn chung, giá dầu thô tuần qua trải qua nhiều biến động. Mở đầu tuần giao dịch vừa qua, giá dầu WTI giao tháng Tám của Mỹ phiên 6/7, giảm 2 xu, chốt phiên ở mức 40,63 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng Chín giảm 4 xu, xuống 43,1 USD/thùng, khi các nhà đầu tư tiếp tục đánh giá tác động của đại dịch COVID-19.
Giá dầu tiếp tục giảm nhẹ trong phiên 7/7, khi số ca mắc COVID-19 tăng vọt tiếp tục gây lo ngại nhu cầu dầu thô sẽ yếu hơn. Giá dầu WTI giao tháng Tám giảm 1 xu Mỹ, chốt phiên ở mức 40,62 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng Chín giảm 2 xu Mỹ, xuống 43,08 USD/thùng.
Bước sang phiên 8/7, giá dầu đi lên khi tiêu thụ xăng dầu của Mỹ có dấu hiệu phục hồi, nhưng mức tăng bị hạn chế bởi lượng dự trữ dầu của Mỹ tăng và số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trên toàn cầu. Đóng cửa phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 21 xu Mỹ lên 43,29 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng 28 xu Mỹ lên 40,90 USD/thùng.
Theo Dow Jones Market Data, khép lại phiên 10/7, giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giao tháng Tám tăng 93 xu, khoảng 2,4%, lên 40,55 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York, sau khi giảm 3,1% trong phiên trước xuống mức thấp nhất kể từ ngày 30/6 là 39,62 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng Chín chốt phiên 10/7 tăng 89 xu, hay 2,1%, lên 43,24 USD/thùng tại Sàn ICE Futures Europe, sau khi giảm 2,2% trong phiên trước xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1/7 là 42,35 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu WTI giảm 0,3%, trong khi giá dầu Brent tăng 1%.
Nhà kinh tế toàn cầu của The Economist Intelligence Unit, Cailin Birch, cho rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu đang ở tình trạng ngưng trệ, với giá dầu Brent ổn định ở mức khoảng 40 USD/thùng trong phần lớn tháng Sáu và đầu tháng Bảy, khi các nhà sản xuất lớn điều chỉnh sản lượng theo tốc độ phục hồi còn yếu của kinh tế toàn cầu. Theo bà, tăng trưởng nhu cầu sẽ phải mạnh hơn để làm thay đổi động lực của thị trường và thúc đẩy tăng trưởng giá dầu trong dài hạn, nhưng điều này phải chờ đến khi vắc-xin COVID-19 được cung cấp rộng rãi, một triển vọng được cho là phải đến cuối năm 2021.
Tuy nhiên, ông Tyler Richey, người đồng biên tập của chuyên trang nghiên cứu Sevens Report Research, nhận định giá dầu đã nhận được động lực sau khi Gilead Sciences Inc. GILD cho biết, kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc remdesivir điều trị COVID-19 được công ty này phát triển đã làm giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân COVID-19 là 62%.
Kết quả khả quan trên cũng hỗ trợ thị trường chứng khoán Mỹ. Ông Richey cho rằng, giá dầu có sự liên quan mật thiết với thị trường chứng khoán trong tuần qua, khi sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục làm giảm những hy vọng về sự phục hồi nhanh của kinh tế toàn cầu.
Trong một báo cáo tháng, IEA đã nâng dự báo nhu cầu dầu thô hàng năm lên 92,1 triệu thùng/ngày, tăng 400.000 thùng so với dự báo đưa ra vào tháng trước, khi mức giảm của nền kinh tế trong quý II thấp hơn dự kiến, nhờ các biện pháp phong tỏa được nới lỏng ở nhiều nước. Dù vậy, cơ quan này nhận định sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 có thể tác động đến nhu cầu sắp tới. Theo IEA, số ca nhiễm tăng ở một số nước cho thấy đại dịch vẫn chưa được kiểm soát và triển vọng thị trường gần như chắc chắn là theo hướng đi xuống.
Mỹ có thêm 63.000 ca nhiễm mới trong ngày 9/7, mức kỷ lục theo ngày, khi số ca nhiễm và số ca nhập viện tại California và Texas tăng.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi việc khởi động trở lại mỏ dầu Messla và nhà máy lọc dầu Sarir ở Libya sau thời gian đóng cửa kể từ tháng Một do bất ổn ở nước này.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư năng lượng tin tưởng vào khả năng phục hồi của giá dầu từ các mức thấp hồi tháng Tư, dù giá vẫn duy trì ở mức khoảng 40 USD/thùng.
Nhóm P.V
Tags