(Thethaovanhoa.vn) - Giá vàng thế giới ổn định trong phiên 26/5.
Giá vàng thế giới ổn định trong phiên 26/5 khi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã bù lại sức ép từ việc nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 và các thị trường chứng khoán lên điểm.
Giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.728,71 USD/ounce vào lúc 14 giờ 38 phút theo giờ Việt Nam. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,5%, xuống 1.727,3 USD/ounce.
Theo nhà phân tích Warren Patterson của ING, yếu tố có tác dụng hỗ trợ chính đối với thị trường vàng là căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc và nếu căng thẳng giữa hai nước leo thang, giá vàng sẽ tiếp tục tăng.
Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, Robert O'Brien, cuối tuần qua nói rằng dự thảo Luật an ninh quốc gia phiên bản Hong Kong của Trung Quốc có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào đặc khu hành chính này và Trung Quốc, đe dọa đến vị thế trung tâm tài chính của Hong Kong.
Vàng được xem là tài sản an toàn trong những thời điểm bất ổn kinh tế và chính trị.
Ông Patterson cho rằng một trong những yếu tố hạn chế đà tăng của giá vàng là việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa, trong khi tâm lý lạc quan về sự phục hồi ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á lên điểm trong phiên này, khi các biện pháp phong tỏa trên khắp thế giới tiếp tục được nới lỏng.
Sức hấp dẫn của tài sản rủi ro tăng lên khi một khảo sát được công bố ngày 25/5 cho thấy lòng tin kinh doanh tại Đức phục hồi trong tháng Năm, sau khi giảm kỷ lục trong tháng Tư.
Các nhà đầu tư cũng đang đợi số liệu về lòng tin tiêu dùng tại Mỹ, dự kiến được công bố trong ngày 26/5 (giờ Mỹ).
Đối với các kim loại khác, giá pa-la-đi tăng 0,9%, lên 2.009,18 USD/ounce và giá bạc cũng tăng 0,9%, lên 17,35 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0,3%, xuống 835,71 USD/ounce.
Giá vàng trong nước giảm
16h30 chiều nay, giá vàng giảm mạnh xuống chỉ còn 1.724,4 USD/ounce, tương đương mức giảm tới 12 USD so với mức giá trên 1.736 USD/ounce mở cửa giao dịch đầu ngày.
Quy đổi theo tỉ giá USD chuyển khoản cùng ngày tại ngân hàng Vietcombank, giá vàng giảm xấp xỉ 350 nghìn đồng mỗi lượng xuống chỉ còn tương tương 48,26 triệu đồng/lượng, chưa tính các chi phí nhập khẩu cũng như chi phí gia công chế tác.
Mức giá vàng miếng bán ra phổ biến 48,80 – 48,88 triệu đồng/lượng đang được các doanh nghiệp như SJC, PNJ hay DOJI niêm yết vào chiều cùng ngày, giá vàng thế giới quy đổi hiện rẻ hơn khoảng 540 – 620 nghìn đồng mỗi lượng. Một số doanh nghiệp trong nước như SJC cũng điều chỉnh nhẹ mức giá mua bán vàng miếng thương hiệu SJC.
So với giá giảm khá mạnh trên thị trường vàng thế giới, giá vàng miếng đang được SJC niêm yết vào chiều tối ngày 26/5 chỉ giảm khoảng 50-60 nghìn đồng mỗi lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, xuống mức phổ biến 48,47 – 48,88 triệu đồng/lượng.
Mức giảm nhẹ và chậm của giá vàng trong nước so với mức giảm trên thị trường vàng thế giới là cách thức thường được các doanh nghiệp trong nước thực hiện nhằm đề phòng những biến động bất thường của giá vàng trên thị trường thế giới.
Chứng khoán châu Á tiếp tục tăng điểm phiên chiều 26/5
Các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục tăng điểm trong phiên chiều 26/5, giữa lúc các biện pháp phong tỏa được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 dần được nới lỏng trên thế giới, qua đó "lấn át" những lo ngại về căng thẳng gia tăng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Vào lúc đóng cửa phiên chiều 26/5, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) tăng 2,6% lên 21.271,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) và chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc) lần lượt tăng 1% và 1,9%, lên mức tương ứng 2.846,55 điểm và 23.384,66 điểm.
Hòa chung xu thế đi lên, chỉ số KOSPI của thị trường Seoul (Hàn Quốc) cũng tiến thêm 1,76% lên 2.029,78 điểm, qua đó ghi nhận lần đầu tiên vượt qua mốc 2.000 điểm kể từ ngày 6/3. Còn tại thị trường Sydney (Australia), chỉ số S&P/ASX 200 tăng 2,93%, đóng cửa ở mức 5.780 điểm.
Hong Kong là một trong những thị trường có mức tăng mạnh nhất trong phiên này. Trước đó, chỉ số Hang Seng đã giảm hơn 5% trong phiên cuối tuần qua, sau khi Trung Quốc đề xuất dự luật an ninh đối với Hong Kong, làm dấy lên những lo ngại về tương lai của trung tâm tài chính này.
Trong khi một số quốc gia như Brazil, Chile và Nga chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng, nhiều nước trên thế giới bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa để đưa xã hội dần trở lại hoạt động bình thường.
Còn tại Việt Nam, khép lại giao dịch 26/5, chỉ số VN-Index tăng 1,17% (10,09 điểm) lên 869,13 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index tăng 1,23% (1,34 điểm) lên 110,49 điểm.
Tỷ giá trung tâm tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 26/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.270 VND/USD, tăng tiếp 13 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.968 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.572 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay giá USD biến động trái chiều, trong khi giá đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm nhẹ.
Lúc 8 giờ 30 phút, giá USD tại Vietcombank niêm yết ở mức 23.180 - 23.390 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 20 đồng ở cả chiều mua và bán so với cùng thời điểm sáng qua.
Tại BIDV, giá USD cũng được niêm yết ở mức 23.215 - 23.395 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 5 đồng ở cả chiều mua và bán so với cùng thời điểm sáng qua.
Giá đồng NDT tại BIDV cũng được niêm yết ở mức 3.220 - 3.312 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 3 đồng ở chiều mua vào và 4 đồng ở chiều bán ra so với cùng thời điểm sáng qua.
Tại Techcombank, giá đồng bạc xanh cũng được điều chỉnh giảm 5 đồng ở cả chiều mua và bán so với cùng thời điểm sáng qua, niêm yết ở mức 23.195 - 23.395 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.205 - 3.336 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 4 đồng ở cả chiều mua và bán so với cùng thời điểm sáng qua.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - Ngân hàng Trung ương) ngày 25/5 đã hạ tỷ giá tham chiếu chính thức của đồng NDT xuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
PBoC đã đặt tỷ giá tham chiếu ở mức 7,1209 NDT đổi 1 USD trước khi thị trường mở cửa, thấp hơn so với mức 7,0939 NDT/ USD trước đó. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 28/2/2008.
Trong một thông tin có liên quan, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ ba Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) Khóa XIII, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nước này đã có thể đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 ở ngưỡng khoảng 6% nếu đại dịch COVID-19 không xảy ra.
Nhóm P.V
Tags