Bạn mới ra trường hoặc muốn xin việc trái ngành nhưng còn thiếu kinh nghiệm? Xem ngay 5 cách “hô biến” kinh nghiệm không liên quan thành liên quan giúp CV xin việc của bạn dễ dàng chinh phục nhà tuyển dụng.
Nghiên cứu kỹ mô tả tuyển dụng
Muốn viết CV chuyên nghiệp “hạ gục” nhà tuyển dụng, trước tiên bạn phải biết họ cần tìm điều gì ở ứng viên. Hẳn nhiên bạn không thể đi hỏi trực tiếp, điều duy nhất bạn có thể làm chính là nghiên cứu kỹ nội dung mô tả tuyển dụng của họ.
Bạn có thể in hẳn nội dung mô tả tuyển dụng ra giấy để đánh dấu những điểm quan trọng và từ khóa liên quan đến công việc. Sau đó xem xét kỹ 2 phần trong nội dung này gồm: mô tả công việc và yêu cầu đối với ứng viên. Tại đây, bạn hãy gạch dưới các kỹ năng, kinh nghiệm mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Chúng chính là cơ sở để bạn “hô biến” các kinh nghiệm không liên quan thành liên quan theo các bước kế tiếp bên dưới.
Chọn lọc những kinh nghiệm có thể liên kết với công việc ứng tuyển
Không phải tất tần tật kinh nghiệm không liên quan đều có thể biến đổi thành liên quan trong CV xin việc. Vì thế sau khi đã nghiên cứu kỹ nội dung mô tả tuyển dụng, bước tiếp theo bạn cần làm chính là chọn lọc những kinh nghiệm có thể liên kết với công việc ứng tuyển dựa trên nội dung này.
Muốn vậy bạn cần hồi tưởng và ghi lại toàn bộ kinh nghiệm của bản thân theo các gợi ý: Bạn từng làm trong lĩnh vực nào? Vị trí gì? Tại đó bạn đảm nhận những nhiệm vụ cụ thể ra sao? Hãy liệt kê toàn bộ kinh nghiệm ra giấy, sau đó đánh dấu những gạch đầu dòng mà bạn nghĩ rằng phù hợp với công việc ứng tuyển.
Chẳng hạn, bạn muốn ứng tuyển cho vị trí nhân viên kinh doanh với tính chất công việc cần tiếp xúc nhiều với khách hàng. Lúc này giữa các kinh nghiệm không liên quan bạn nên chọn kinh nghiệm phục vụ nhà hàng hơn là kinh nghiệm làm gia sư.
Sắp xếp kinh nghiệm và chú ý cách dùng từ
Xếp theo thứ tự ưu tiên là điều rất quan trọng khi viết CV xin việc. Với danh sách các kinh nghiệm đã chọn lọc ở bước trên, giờ đây bạn cần sắp xếp chúng theo mức độ từ “có vẻ” liên quan nhất đến ít liên quan hơn.
Trong khi đưa các kinh nghiệm này vào CV, bạn cần chú ý cách dùng từ để trông chúng dường như “phù hợp” với công việc ứng tuyển. Ví dụ, bạn từng bán hàng online và giờ đây muốn ứng tuyển vào công việc marketing. Vậy thay vì viết “bán hàng online” vào mục kinh nghiệm, bạn nên diễn đạt thành các cụm từ trông liên quan với vị trí ứng tuyển hơn như “quản lý bán hàng trên kênh Facebook” hay “Viết bài quảng cáo sản phẩm trên các diễn đàn”…
Chú ý rằng một khi đã có thiếu sót về kinh nghiệm thì bạn cũng không nên đưa quá nhiều các kinh nghiệm không liên quan vào CV. Hãy viết phần này thật ngắn gọn và tập trung cho những phần khác.
Làm nổi bật kết quả đạt được
Thay vì liệt kê một loạt các gạch đầu dòng về kinh nghiệm làm việc, bạn nên nhấn mạnh vào kết quả đạt được từ những kinh nghiệm đó. Hãy cố gắng đưa vào những con số trực quan để gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng.
Ví dụ, dòng chữ “Có kinh nghiệm bán hàng online” chắc chắn sẽ mờ nhạt hơn rất nhiều so với những câu như “Quản lý fanpage 500.000 thành viên”, “Thúc đẩy doanh số bán hàng tăng 210% sau 1 năm thực hiện chiến lược marketing”.
Trình bày kinh nghiệm sáng tạo hơn
Rõ ràng khuyết điểm của bạn là còn ít kinh nghiệm hoặc chỉ có kinh nghiệm không liên quan đến vị trí ứng tuyển. Vậy hãy che lấp nó bằng hình thức trình bày sáng tạo hơn. Chẳng hạn bạn có thể sắp xếp lại các đề mục hoặc đưa vào một số mục lạ hơn trong CV để “đánh lạc hướng” nhà tuyển dụng.
Ví dụ, thay vì viết Kinh nghiệm làm việc một cách khô khan thì bạn có thể chia nó thành 2 tiểu mục là Kinh nghiệm liên quan và Kinh nghiệm khác. Hoặc bạn có thể đưa mục Kỹ năng lên đầu để gây chú ý hơn so với để ở cuối CV.
Hẳn nhiên để biến đổi những kinh nghiệm không liên quan trở nên liên quan trong CV xin việc không phải là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi người viết biết cách sử dụng những mẹo hay kèm một chút khéo léo trong khi diễn đạt. Hãy tham khảo những cách trên và áp dụng cho CV của mình để dễ dàng vượt vòng xét tuyển CV hơn bạn nhé.
Pha Lê