(Thethaovanhoa.vn) - Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đối với ngành du lịch và hàng không toàn cầu, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có “hộ chiếu sức khỏe điện tử”.
Mới đây, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã triển khai thành công ứng dụng "hộ chiếu sức khỏe điện tử" IATA Travel Pass, mở ra cơ hội hồi phục cho ngành du lịch và hàng không trong bối cảnh dịch COVID-19.
Cơ hội hồi phục cho ngành du lịch và hàng không
Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch toàn cầu. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), năm 2020, GDP ngành du lịch của khu vực châu Á-Thái Bình Dương giảm 53,7%, số việc làm giảm 18,4% so với năm 2019. Tương tự, các con số này ở châu Âu cũng giảm lần lượt là 54,4% và 9,3%; châu Phi giảm 49,2% và 29,3%; châu Mỹ Latinh giảm 41,1% và 23,4%... Theo báo cáo mới của Liên hợp quốc, COVID-19 sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 2,4 nghìn tỷ USD vào năm 2021 do sự sụp đổ của ngành du lịch quốc tế.
Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lượng du khách sụt giảm mạnh. Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 88.200 lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, các hoạt động du lịch đã đóng băng khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 vào đầu mùa hè - mùa cao điểm du lịch nhất năm của ngành công nghiệp không khói, khiến các công ty du lịch, các ngành dịch vụ rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) cho biết, có tới 90% doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn không hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp làm dịch vụ đại lý tour, đại lý bán vé phần lớn cho 100% lao động nghỉ việc.
Trước bối cảnh đó, các nước đã phải nghĩ đến các giải pháp như “hộ chiếu vaccine” hay “hộ chiếu sức khỏe điện tử”. Trong đó, hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass là một sản phẩm được Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) sáng tạo nhằm giúp cho việc di chuyển giữa các quốc gia trở nên dễ dàng và an toàn hơn trong bối cảnh COVID-19.
IATA Travel Pass là một ứng dụng dành cho thiết bị di động tích hợp một số giải pháp số hàng đầu như du lịch không tiếp xúc, dữ liệu sinh trắc học, chứng nhận sức khỏe điện tử như kết quả xét nghiệm, tiêm vaccine COVID-19. Đây là ứng dụng an toàn, đảm bảo thông tin nhất quán giữa các bên gồm chính phủ, cơ sở xét nghiệm, hãng hàng không và hành khách.
Theo ông Vinoop Goel, Giám đốc khu vực Phụ trách Cảng hàng không và Đối ngoại truyền thông, IATA châu Á-Thái Bình Dương, IATA Travel Pass giúp các hãng hàng không kiểm tra được chứng nhận sức khỏe của hành khách có đáp ứng được quy định của chính phủ tại điểm đến hay không. Việc kiểm tra này sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều so với việc xử lý nhiều loại giấy tờ như trước.
Đối với hành khách, IATA Travel Pass cung cấp cho họ thông tin về quy định của từng quốc gia, cơ sở xét nghiệm được chỉ định để tới tiêm chủng, xét nghiệm loại cần có. Thông tin cá nhân đều có thể được xem và quản lý trên điện thoại di động. Các Chính phủ cũng được hưởng lợi từ IATA Travel Pass vì nó giúp tránh được hiện tượng tắc nghẽn cửa khẩu tại sân bay.
Hiện tại, Singapore, Panama, Qatar và Saudi Arabia là các quốc gia đã chính thức đồng ý cho phép hành khách sử dụng ứng dụng này khi nhập cảnh. Ngoài ra, có hơn 50 hãng hàng không đã công bố thử nghiệm như Singapore Airlines, Qatar Airways, Emirates...
Tại Việt Nam, ngày 12/8 vừa qua, Vietnam Airlines cũng đã triển khai thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass trên chuyến bay mang số hiệu VN310 từ sân bay Nội Bài đi Narita (Tokyo, Nhật Bản).
Kết quả thử nghiệm cho thấy hành khách thực hiện các quy trình nhanh chóng, dễ dàng, từ bước tạo hồ sơ cá nhân số trên ứng dụng, điền thông tin chuyến bay để được cập nhật yêu cầu dịch tễ tại điểm đến, xét nghiệm COVID-19 tại các bệnh viện thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc đạt tiêu chuẩn xét nghiệm được Bộ Y tế cấp phép và thuộc danh sách phòng thí nghiệm được IATA chỉ định; nhận kết quả điện tử trên ứng dụng thể hiện tình trạng bay "OK to travel" và chia sẻ với hãng hàng không trước khi bắt đầu hành trình. Tính năng ưu việt của ứng dụng này tiếp tục được phát huy khi có thể thay thế cho các loại thủ tục bằng giấy tờ hiện nay, tiết kiệm thời gian cho khách, giảm tiếp xúc, cũng như giảm ùn tắc tại sân bay.
Kết quả thử nghiệm thành công là tín hiệu tích cực sau khi Vietnam Airlines chính thức cụ thể hóa chương trình hợp tác với IATA theo thỏa thuận hai bên đã ký vào tháng 5 vừa qua. Hãng sẽ tiếp tục triển khai thử nghiệm trên các chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo từ bây giờ cho tới hết tháng 8/2021 và chuyến bay VN5055 từ Hà Nội đi London ngày 2/9/2021.
Hiện nay, ứng dụng IATA Travel Pass vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và tiếp tục được IATA theo dõi, cải thiện để phù hợp với từng thị trường. IATA sẽ hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Vietnam Airlines xuyên suốt quá trình chạy thử nghiệm.
IATA Travel Pass là một trong những giải pháp được kỳ vọng giúp Việt Nam khôi phục các đường bay quốc tế nhanh chóng, an toàn. Nhất là mở ra cơ hội cho ngành du lịch và hàng không sau ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Việc áp dụng “hộ chiếu vaccine” ở một số quốc gia
“Hộ chiếu vaccine” là một hình thức thấp hơn “hộ chiếu sức khỏe điện tử”, nhằm xác nhận rằng một người đã được tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ. Theo Tiến sĩ Brad Perkins, Giám đốc y tế tại Commons Project Foundation, tổ chức phi lợi nhuận phát triển CommonPass, “hộ chiếu vaccine” có thể là một nhu cầu bình thường mới mà chúng ta sẽ phải giải quyết để kiểm soát và ngăn chặn đại dịch COVID-19. Việc cấp “hộ chiếu vaccine” được kỳ vọng có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế thế giới, đặc biệt là của ngành du lịch và lữ hành.
Không phải đến bây giờ, “hộ chiếu vaccine” mới xuất hiện. Ngay từ những năm 1880, học sinh và giáo viên ở Mỹ đã được yêu cầu nộp bằng chứng về việc chủng ngừa bệnh đậu mùa trước khi tham gia các lớp học.
Năm 1897, nhà khoa học người Nga Waldemar Haffkine đã phát triển một loại vaccine chống lại bệnh dịch hạch. Phương pháp điều trị đột phá của ông ngay lập tức được thực dân Anh ở Ấn Độ sử dụng. Để đảm bảo rằng các địa điểm hành hương của người theo đạo Hindu và đạo Hồi không biến thành các cụm bùng phát dịch bệnh, chính quyền địa phương yêu cầu mọi người phải tiêm phòng và mang theo bằng chứng trước khi vào các địa điểm này.
- WHO không ủng hộ việc sử dụng hộ chiếu vaccine
- Đức thông báo thời điểm cấp 'hộ chiếu vaccine' Covid-19
- 'Hộ chiếu vaccine' - thẻ thông hành xanh vượt đại dịch?
Với nhu cầu du lịch hàng không tăng mạnh trong nửa sau của thế kỷ XX, Liên hợp quốc đã thông qua các quy tắc tương tự vào năm 1951 và sau đó một lần nữa vào năm 1969, được gọi là Quy định Y tế quốc tế (IHR). Những quy định này, cùng với sự bùng phát dịch sốt vàng da trên diện rộng, đã dẫn đến sự ra đời của "thẻ vàng", một loại giấy chứng nhận du khách quốc tế từng phải mang theo trong nhiều thập kỷ để xác minh được việc đã chủng ngừa nhiều loại bệnh truyền nhiễm…
Hiện nay, để đối phó với đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia cũng lựa chọn giải pháp “hộ chiếu vaccine” thế hệ mới. Theo đó, “hộ chiếu vaccine” có thể ở dạng giấy chứng nhận hoặc dạng thẻ, app công nghệ… nhằm cung cấp thông tin xác thực, chứng minh rằng một người đã tiêm đủ số mũi vaccine phòng COVID-19. Có thể kể đến một số hình thức “hộ chiếu vaccine” của một số quốc gia như: Israel có Green Pass, Đan Mạch có Coronapas, Liên minh châu Âu sử dụng Chứng chỉ COVID Kỹ thuật số EU, Trung Quốc cũng có “hộ chiếu vaccine” của mình dưới dạng ứng dụng WeChat mini…
Từ đầu tháng 6/2021, Đức, Hy Lạp, Đan Mạch, Bulgaria, Séc, Croatia và Ba Lan đã triển khai hộ chiếu vaccine, sớm hơn một tháng so với kế hoạch chung của Liên minh châu Âu (EU) là từ ngày 1/7. Đây là hành động để chuẩn bị cho mùa du lịch hè trở lại sau thời gian người dân bị hạn chế đi lại quá lâu để phòng, chống dịch.
Đối với EU, Chứng chỉ COVID Kỹ thuật số EU được kỳ vọng giúp mở lại biên giới trong khối và các nước thành viên, chỉ được phép áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại trong trường hợp ngoại lệ để bảo đảm tình hình dịch tễ. Chứng chỉ này có thể sử dụng khắp các quốc gia EU và được quản lý qua ứng dụng điện thoại để xác định thời gian họ được tiêm vaccine. Nó cũng được chấp nhận ở một số quốc gia nằm ngoài khối như Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.
Tại Romania, du khách không cần phải cách ly, miễn là họ có thể xuất trình bằng chứng về việc tiêm vaccine COVID-19 và mũi thứ hai đã tiêm được hơn 10 ngày trước khi tới đây.
Với Thái Lan, từ 1/7, du khách quốc tế tiêm vaccine được chào đón tại Phuket. Dù khách đến vẫn phải thực hiện kiểm dịch, nhưng thời gian được rút ngắn xuống còn một tuần.
Mới đây Chính phủ Israel đã quyết định triển khai “hộ chiếu sức khỏe” cho trẻ từ 3 tuổi. Theo đó, bắt đầu từ ngày 18/8/2021, tất cả trẻ em trên 3 tuổi tại Israel đều phải có “hộ chiếu sức khỏe” nếu muốn đến một số khu vực. Trước đó hồi cuối tháng 7, nước này cũng đã khôi phục hệ thống “thẻ xanh” đối với tất cả người trên 12 tuổi nhằm siết chặt kiểm soát việc đi lại của người dân…
Đối với Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, “hộ chiếu vaccine” chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số trở lên được tiêm chủng. Và khi áp dụng "hộ chiếu vaccine", phải lưu ý, xem xét và thông tin đầy đủ để áp dụng, triển khai đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Minh Duyên/TTXVN (tổng hợp). Ảnh: TTXVN phát
Tags