Kết quả một nghiên cứu quy mô lớn công bố ngày 28/7 tại Anh cho thấy khoảng 5% số người từng mắc COVID-19 bị mất khứu giác hoặc vị giác trong thời gian dài.
Mất khứu giác được cho là dấu hiệu nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng đến nay vẫn chưa rõ triệu chứng này xảy ra có thường xuyên không và kéo dài bao lâu. Để tìm hiểu, các nhà nghiên cứu đã phân tích kết quả của 18 nghiên cứu trước đó đối với 3.700 bệnh nhân mắc COVID-19.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí BMJ của Hiệp hội Y khoa Anh, các nhà nghiên cứu cho biết 4% bệnh nhân chưa hồi phục khứu giác và 2% chưa hồi phục vị giác sau 6 tháng kể từ khi mắc COVID-19.
Các nhà nghiên cứu ước tính tình trạng mất khứu giác có thể tồn tại dai dẳng ở 5,6% số bệnh nhân, trong khi 4,4% có thể hoàn toàn không lấy lại được vị giác. Có một số người thậm chí không thể hồi phục khứu giác sau hơn 2 năm kể từ khi mắc COVID-19. Nghiên cứu cũng cho thấy phụ nữ ít có khả năng phục hồi các giác quan này hơn so với nam giới.
Các nhà nghiên cứu cho biết hầu hết bệnh nhân sẽ lấy lại khứu giác và vị giác trong 3 tháng đầu tiên sau khi mắc COVID-19. Tuy nhiên, nhiều người có thể bị rối loạn khứu giác và vị giác kéo dài. Những người này cần được kịp thời phát hiện, điều trị và theo dõi lâu dài.
- Những người mắc Covid-19 có nguy cơ cao hình thành cục máu đông trong phổi
- Người mắc Covid-19 thể nặng bị mất tới 10 điểm IQ
- Nghiên cứu đầu tiên chỉ ra tỷ lệ tử vong ở người mắc Covid-19 Delta cao hơn do Omicron
Chuyên gia miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London, Danny Altmann, nhận định kết quả nghiên cứu là hồi chuông cảnh báo về những gánh nặng tiềm ẩn của chứng "COVID kéo dài" (Long COVID).
Nghiên cứu không bao gồm dữ liệu về những biến thể của virus SARS-CoV-2. Các nghiên cứu công bố trước đây đã chỉ ra rằng các dòng phụ của biến thể Omicron lưu hành gần đây ít có khả năng gây ra triệu chứng mất khứu giác.
Phan An/TTXVN
Tags