Từ tháng 10/2021 đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành tổng cộng 30 đoàn thanh, kiểm tra đối với 21 công ty chứng khoán và 9 tổ chức phát hành trái phiếu.
Trong đó, có nội dung thanh, kiểm tra liên quan đến việc tuân thủ quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế..
Đây là thông tin được ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết tại buổi họp báo giới thiệu Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế do Bộ Tài chính tổ chức chiều 19/9.
Theo đó, kết quả, đối với 21 công ty chứng khoán thì có 6 công ty chứng khoán có vi phạm liên quan đến việc cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Một số công ty chứng khoán đã bị xử phạt là Chứng khoán Quốc tế, Thành công, Tiên phong.
Ông Lê Công Điền cho biết, có công ty cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, cung cấp dịch vụ đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp khi chưa được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép nghiệp vụ bảo lãnh phát hành. Còn có công ty vi phạm không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, công bố thông tin sai lệch, không đúng thời hạn.
Cùng đó, với doanh nghiệp phát hành qua kiểm tra 9 doanh nghiệp thì phát hiện 8 công ty vi phạm quy định như: không đảm bảo thông tin hồ sơ chào bán, thông tin không chính xác và công bố thông tin sai lệch, thông tin không đúng thời hạn…
Trong số đó, 2 tổ chức phát hành không phải công ty đại chúng vi phạm quy định tại Luật Chứng khoán. Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group và Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup chào bán trái phiếu ra công chúng nhưng không đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán theo quy định. Uỷ ban Chứng khoán đã xử phạt 600 triệu đồng với mỗi doanh nghiệp trên và yêu cầu thu hồi trái phiếu phát hành, hoàn trả tiền mua trái phiếu cho nhà đầu tư nếu nhà đầu tư có yêu cầu.
Cùng với đó, 2 tổ chức phát hành không phải công ty đại chúng khác là Công ty CP Đầu tư thương mại Hồng Hoàng, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Bất động sản Seaside Homes kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Bộ Tài chính. Kết quả, 2 doanh nghiệp nêu trên vi phạm công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP bị xử phạt 70 triệu đồng.
Có 4 tổ chức phát hành là công ty đại chúng thanh tra định kỳ vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin gồm: Công ty cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai, Công ty cổ phần Tân Phú Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi, Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC. Bộ Tài chính đang xem xét xử lý theo quy định. Ngoài ra, theo kết quả rà soát đối với nội dung đơn của nhà đầu tư, Uỷ ban Chứng khoán đã xử phạt Công ty cổ phần Đầu tư Công nghiệp Việt Hưng vi phạm về công bố thông tin không đúng thời hạn.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an phát hiện xử lý đối với hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ và đã chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để tiếp tục điều tra làm rõ.
- Lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ có xu hướng tăng
- Các kênh đầu tư thay thế khi cổ phiếu và trái phiếu cùng giảm giá
- Bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau khi 'mạnh tay' xử lý sai phạm
Ông Lê Công Điền cho biết, thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, giám sát, tiếp tục thanh tra, kiểm tra các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi pham.
Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2019 đến nay, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh, bình quân khoảng 467.000 tỷ đồng/năm. Từ năm 2021, khi triển khai Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, tuy có giảm trong các tháng đầu sau khi triển khai quy định mới nhưng thị trường đã nhanh chóng lấy lại đà phát triển với khối lượng phát hành năm 2021 đạt mức 637.000 tỷ đồng. Quy mô thị trường đến cuối năm 2021 tương đương 15% GDP.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực về quy mô huy động vốn nhưng theo Bộ Tài chính sự phát triển nhanh của thị trường cũng đã phát sinh các rủi ro mới như một số doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu nhưng phát hành trái phiếu với lãi suất cao, khối lượng lớn.
Thùy Dương/TTXVN
Tags