Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc

Thứ Hai, 28/06/2021 12:11 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Người ta thường nói “Có một nơi để về, đó là nhà; Có những người để yêu thương, đó là gia đình; Có được cả hai, đó là hạnh phúc”.

Gia đình Việt Nam qua những bức ảnh xưa bồi hồi xúc cảm

Gia đình Việt Nam qua những bức ảnh xưa bồi hồi xúc cảm

Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) là một sự kiện văn hoá lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống của gia đình Việt Nam, là ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình.

Gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân; là cơ sở, nền tảng để phát triển xã hội. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hệ trọng của dân tộc. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước.

Văn hóa gia đình - truyền thống cần giữ gìn và phát huy

Được hình thành và phát triển trong suốt tiến trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, gia đình truyền thống Việt Nam là sự kết tinh của những tinh hoa văn hóa tinh thần cao quý của dân tộc. Gia đình vừa là tấm gương phản chiếu trung thực những giá trị to lớn của văn hóa truyền thống Việt Nam, vừa là nơi sáng tạo, lưu giữ và trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Trải qua nhiều thế hệ, truyền thống gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực, giá trị tốt đẹp, góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Ở thời đại nào, văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội, giữ vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong đó, đạo đức là cốt lõi của văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống và được thể hiện cụ thể qua gia giáo (giáo dục trong gia đình), gia pháp (phép tắc sống của gia đình), gia phong (phong cách, nề nếp) và gia lễ (là phép ứng xử trong gia đình theo một nguyên tắc có tôn ti, trật tự, theo lễ tiết hay việc thờ cúng tổ tiên). Tuy chịu ảnh hưởng từ nho giáo, những nội dung căn bản này đã được Việt hóa, góp phần tạo nên những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Và nét đặc sắc nhất trong gia đình truyền thống chính là trọng tình trọng nghĩa. Điều này được thể hiện một cách sáng rõ trong đời sống gia đình Việt Nam qua sự yêu thương, che chở, thủy chung, nhường nhịn, hiếu thảo, kính trên nhường dưới… giữa các thành viên trong gia đình.

Trong những năm gần đây, thiết chế gia đình Việt Nam đang có sự thay đổi từ truyền thống (3,4 thế hệ cùng sống chung) sang hiện đại (hai thế hệ: cha mẹ và con cái), song văn hóa gia đình vẫn tương đối ổn định và được tôn trọng. Những quan niệm cơ bản về vị trí, vai trò của gia đình đối với sự tồn tại, phát triển của cá nhân và đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Dù ở giai đoạn lịch sử nào, gia đình vẫn là tổ ấm, là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc, che chở và là nơi nương tựa của mỗi người trong suốt cuộc đời. Từ khi sinh ra đến khi rời bỏ cõi đời, trong cuộc đời mỗi người không đâu có được những tình cảm thiêng liêng, sâu nặng, bền vững như trong gia đình.

Hiện nay, gia đình Việt Nam đang được xây dựng với những giá trị nhân văn tiến bộ theo tiêu chí ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên dân chủ và cởi mở hơn. Quyền và lợi ích của mỗi cá nhân ngày càng được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Đời sống của các gia đình được cải thiện cả về vật chất, văn hóa và tinh thần nên trẻ em được gia đình tạo điều kiện tốt cho sự hình thành, phát triển nhân cách và thể chất.

Cùng với đó, gia đình Việt Nam đang tiếp thu và xây dựng những giá trị nhân văn mới mà tiêu biểu là quyền bình đẳng giới và quyền trẻ em. Trách nhiệm giữa nam và nữ trong việc chăm lo đời sống gia đình được chia sẻ và tôn trọng. Tỷ lệ phụ nữ cùng tham gia quyết định các công việc quan trọng của gia đình như sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội ngày càng cao. Sự thay đổi này là cần thiết và phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội mới.

Tiếp tục mạnh công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới

Có thể nói, gia đình chính là nền tảng vững chắc của xã hội. Chính gì vậy, xã hội càng hiện đại càng phát triển, chúng ta lại càng phải giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình, như yêu thương ông bà, cha mẹ, anh chị em trong nhà; cách "kính trên, nhường dưới", "chị ngã, em nâng", "môi hở, răng lạnh", "bầu ơi thương lấy bí cùng"… Những truyền thống này đã thấm sâu trong mỗi người con đất Việt, góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân tộc.

Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn cầu hóa hiện nay, Đảng ta càng nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của gia đình với tư cách là “tế bào” vững chắc của xã hội, là môi trường lành mạnh để xây dựng nguồn lực con người; coi xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Và việc chọn ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam càng khẳng định trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội phải thường xuyên quan tâm, xây dựng gia đình no ấm và bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em; đồng thời, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.         

Ngày 24/6/2021, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.         

Trong đó nhấn mạnh: Sau hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác xây dựng gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể đã xác định công tác xây dựng gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình công tác. Nhiều gia đình đã tiếp cận được những dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao. Kinh tế hộ gia đình đã đóng vai trò quan trọng trong thu nhập quốc dân; nhiều hộ gia đình đã nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng.

Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình được coi trọng và có nhiều tiến bộ. Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Chăm lo, vun đắp, xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình là giá trị cao đẹp mà mỗi người Việt Nam luôn quan tâm thực hiện và hướng tới. Các giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân luôn được coi trọng... Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam; thực hiện thành công Mục tiêu Thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.         

Nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng gia đình; nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Xác định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước. Gia đình là đối tượng tác động, thực hiện và thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước...

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình theo hướng lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình. Các chính sách về gia đình phải hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, chú trọng đến đối tượng trẻ em và người bệnh tật, cao tuổi. Xây dựng danh mục dịch vụ công thuộc lĩnh vực gia đình. Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản đối với gia đình, hỗ trợ gia đình phát triển bền vững, hạnh phúc và thực hiện bình đẳng giới...

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác xây dựng gia đình. Xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; chương trình giáo dục quốc gia về gia đình; chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc...

Đẩy mạnh, đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình; các rủi ro đối với gia đình, giúp người dân chủ động phòng ngừa các ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình...

Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2021), thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có Thông điệp gửi đến toàn thể các gia đình trên khắp mọi miền Tổ quốc, gia đình Việt Nam ở nước ngoài. Thông điệp nhấn mạnh: Từ quá khứ đến hiện tại, khi đất nước có chiến tranh hay hòa bình, gia đình vẫn luôn là một bộ phận quan trọng của xã hội, là nền tảng vững chắc góp phần làm nên sức mạnh dân tộc. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng, biết ơn và dành sự tri ân sâu sắc đến các gia đình đã đóng góp, hy sinh cho Tổ quốc. Trong giai đoạn phát triển mới, gia đình vẫn giữ vai trò, vị trí trung tâm trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân Việt Nam. Gia đình vẫn là nơi kết nối, gắn kết các thế hệ, giữ gìn, phát huy những chuẩn mực, giá trị, tinh hoa văn hoá dân tộc, là mạch nguồn vun đắp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là ngôi nhà an toàn nhất, vững chắc nhất cho mỗi thành viên trước những khó khăn, rủi ro trong cuộc sống.         

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nước ta, nhiều cán bộ, bác sĩ, chiến sĩ đã không quản ngại gian khổ, hiểm nguy đi vào tâm dịch. Chính gia đình đã luôn là điểm tựa, niềm tin, động viên họ vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều gia đình quyên góp ủng hộ vật chất, tinh thần, gương mẫu, động viên người thân chấp hành tốt chủ trương, chung sức cùng Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị phòng, chống dịch bệnh, để Việt Nam trở thành điểm sáng được bạn bè thế giới ghi nhận đánh giá cao.

Mỗi người Việt Nam đều có gia đình nhỏ của riêng mình, song cũng có chung một gia đình lớn thiêng liêng chính là đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến. Tôi mong mỗi gia đình Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài không ngừng phấn đấu vươn lên, mỗi người dân Việt Nam hãy thể hiện cao nhất trách nhiệm công dân, trách nhiệm, tình cảm với người thân trong gia đình tiếp tục vun đắp, xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm nhân lên những niềm vui, hạnh phúc, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, niềm tự hào, khát vọng cống hiến, trao truyền những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc, là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước Việt Nam thân yêu - Vì một Việt Nam vươn xa toàn cầu, hùng cường và thịnh vượng.

 Phương Nam/TTXVN (tổng hợp)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›