(Thethaovanhoa.vn)- Chỉ cách Hà Nội khoảng 70km, Hòa Bình đang dần trở thành địa bàn cung ứng các sản phẩm nông nghiệp sạch và đa dạng cho Thủ đô và cả nước.
Hiện nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 9,8 nghìn ha diện tích cây quả, chiếm 5% diện tích cây ăn quả có múi toàn quốc. Trong đó: cam, quýt 5,2 nghìn ha, sản lượng 7,8 vạn tấn; bưởi 4,2 nghìn ha, sản lượng 4 vạn tấn. Diện tích được chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ khoảng 1.063 ha chiếm khoảng 10,2% diện tích.
Hàng loạt giống cây trồng mới được công nhận chính thức, công nhận sản xuất thử như: cam V2, cam C36, cam CS1 (lòng vàng), bưởi đỏ Hoà Bình hay sự di thực một số giống thành công như: bưởi da xanh, quýt Ôn Châu, quýt Nam Sơn, quýt Hà Giang đã làm phong phú, đa dạng bộ giống cây có múi tại tỉnh với gần 20 giống khác nhau.
Các giống cây trồng mới, chất lượng cao, quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến được ứng dụng rộng rãi, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung, phát huy lợi thế của địa phương như: Vùng cam tại huyện Cao Phong, vùng bưởi tại huyện Tân Lạc…
Diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Hòa Bình là 2,68 nghìn ha, 4,5 nghìn lồng nuôi cá (chủ yếu tập trung trên hồ Hòa Bình), sản lượng 8,3 nghìn tấn (nuôi trồng 6,6 nghìn tấn). Các địa phương có thế mạnh phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn như: Huyện Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong và Thành phố Hòa Bình.
Với quy trình chăm sóc đảm bảo, theo tiêu chuẩn VietGAP, cá được khai thác đúng tuổi thương phẩm và tuyệt đối không sử dụng hóa chất độc hại, được Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia chứng nhận.
Hiện có 41 cơ sở nuôi trên 20 lồng, 2 cơ sở nuôi trên 100 lồng. 7 doanh nghiệp được cấp chứng nhận đã ký kết liên doanh với các hộ dân nuôi cá lồng hợp quy chuẩn VietGap, cung cấp trên 2 nghìn tấn cá thương phẩm/năm ra thị trường. Nhãn hiệu chứng nhận “Sông Đà - Hoà Bình” cho sản phẩm cá, tôm nuôi tại hồ thuỷ điện Hoà Bình đã thành thương hiệu nổi tiếng, có chỗ đứng trên thị trường.
Diện tích trồng rau của tỉnh Hòa Bình đạt trên 9.000 ha, sản lượng đạt 157 nghìn tấn. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất rau hàng hóa, tập trung có thị trường tiêu thụ, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng như: Vùng sản xuất bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột, lặc lày... tại các huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy; sản xuất rau hữu cơ tại huyện Lương Sơn, Yên Thủ; su su tại huyện Mai Châu, Tân Lạc....
Hiện toàn tỉnh có 10 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ với tổng diện tích được chứng nhận là 72 ha, chiếm gần 2% diện tích gieo trồng.
Tỉnh Hòa Bình nổi tiếng bởi 2 giống gà là gà ri Lạc Sơn (còn gọi là gà Mò) và gà Lạc Thủy. Đây là giống gà mới được các nhà khoa học phát hiện năm 2013. Trên địa bàn có 55 cơ sở nuôi gà thương phẩm quy mô từ 3-10 nghìn con, 2 trang trại nuôi gà đẻ trứng thương phẩm quy mô 120 nghìn con. 4 trại gà giống tổng quy mô hơn 300 nghìn gà bố mẹ. 37 trang trại nuôi lợn nái và hậu bị quy mô 300 - 3.000 con.
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình còn có những đơn vị chú trọng đầu tư nghiên cứu và áp dụng các quy trình sản xuất chế biến nhằm tăng giá trị cho nông sản Hòa Bình. Các sản phẩm chế biến từ nông sản như: tinh dầu, mứt vỏ hoặc ruột, rượu, xà phòng, xi rô cam và bưởi... Sản phẩm gà, cá, thịt lợn đã sơ chế đóng sẵn, sản phẩm qua chế biến như: cá kho, ruốc cá, chả cá.. đem lại sự lựa chọn phong phú cho người tiêu dùng nhất là khách du lịch đến khi đến với Hòa Bình.
Năm 2018 giá trị xuất khẩu hàng nông sản ước đạt 7,8 triệu USD. Các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực có dưa chuột muối, ớt muối, tinh bột sắn, mía tím…
Phạm Chung