(Thethaovanhoa.vn) - Cùng với sự phát triển hiện nay, nhịp sống của các thành phố lớn, các đô thị cũng được cho là gây ra tiếng ồn lớn đến mức báo động. Mặc dù tiếng ồn là một dạng ô nhiễm rất nguy hại, nó không chỉ ảnh hưởng tới thính giác mà còn đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần… tuy nhiên hiện lại ít được quan tâm như các loại ô nhiễm khác.
Tiếng ồn và những tác hại khó lường
Từ lâu nay, người dân ở các thành phố lớn, các khu đô thị phát triển không chỉ chịu cảnh ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí mà còn phải gánh chịu thêm nhiều loại tiếng ồn lớn đến mức báo động.
Đặc biệt, vào giờ cao điểm ở các thành phố lớn như một bản “hợp xướng” với đủ loại âm thanh: tiếng động cơ xe tham gia giao thông xen lẫn với những tiếng còi, hay nhiều thể loại âm nhạc được bật với công suất lớn từ các cửa hàng, trung tâm điện máy... nhằm thu hút sự chú ý của mọi người. Cùng với đó, người dân của không ít các khu đô thị, khu chung cư đang phải chịu đựng những âm thanh của các công trình xây dựng xung quanh. Đó là chưa kể tiếng nhạc từ các nhà hàng ăn uống, các quán cà phê...
Các chuyên gia môi trường đã lên tiếng cảnh báo rằng, tiếng ồn đô thị được ví như kẻ sát nhân giấu mặt, bởi đôi khi trong cuộc sống với nhiều mối quan tâm khác, chúng ta không nhận ra hoặc thấy đó cũng bình thường nên dường như mọi người chấp nhận chung sống với nó, chứ ít để ý đến tác hại nguy hiểm của những tiếng ồn đó.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong ba thập niên trở lại đây, ô nhiễm tiếng ồn ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của con người, nhất là tại các nước đang phát triển. Trong khi đó, các chuyên gia y tế cho rằng, ô nhiễm tiếng ồn hiện chỉ xếp sau ô nhiễm không khí về những tác động đến sức khỏe của người dân.
Tiếng ồn không chỉ khiến người nghe cảm thấy khó chịu, phiền toái, rối loạn mà còn bị xâm phạm sự riêng tư, gây cản trở công việc. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tiếng ồn lâu dài phát ra trên 1 tần số nhất định có thể gây ảnh hưởng tiêu cực và lâu dài đến sức khỏe con người, cả về thể chất lẫn tinh thần. Ngoài ra, không chỉ tiếng ồn với âm lượng lớn là gây hại, gần đây nhiều báo cáo cho thấy âm thanh dao động với tần số cao (ultrasound) vượt quá ngưỡng nghe của tai người, có tác động rất hại đến cơ thể. Tiếng ồn tác động đến tai, sau đó tác động đến hệ thần kinh trung ương, rồi đến hệ tim mạch, dạ dày và các cơ quan khác, sau đó mới đến cơ quan thính giác.
Ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng tới sức khỏe và hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau, như mất ngủ, khó chịu, khó tiêu, huyết áp cao, bệnh tim và bệnh điếc. Khi tác động đến các cơ quan khác như hệ thần kinh trung ương, tiếng ồn sẽ gây kích thích, ảnh hưởng xấu đến não bộ, gây chứng đau đầu, chóng mặt, sợ hãi, giận dữ vô cớ. Đối với hệ tim mạch, tiếng ồn làm rối loạn nhịp tim và sự tuần hoàn máu, làm tăng huyết áp. Tiếng ồn có thể khiến rối loạn quá trình tiết dịch và tăng axit trong dạ dày, làm rối loạn sự co bóp, gây viêm loét dạ dày... Nếu sống trong môi trường bị ô nhiễm tiếng ồn, giấc ngủ của chúng ta sẽ không được sâu và dài, nên khi thức dậy, khả năng tập trung của cơ thể sẽ bị giảm, dễ bị kích động và mất dần khả năng tự kiềm chế. Đồng thời, sức đề kháng của cơ thể cũng yếu đi, mà thể hiện rõ nhất là khả năng miễn dịch kém.
Ở người già, mất ngủ vì tiếng ồn là thủ phạm làm tăng các loại hormone gây stress, làm lượng mỡ trong máu và đường huyết tăng cao... Còn đối với trẻ em, ở trong môi trường bị ô nhiễm tiếng ồn kéo dài hoặc phát ra thường xuyên đều bị ảnh hưởng đến việc học tập, khiến các em đọc hiểu và ghi nhớ kém hơn...
Những quy định nghiêm khắc để đảm bảo môi trường sống an toàn
Thống kê của tổ chức thế giới về âm học cho thấy, cứ khoảng 10 năm tiếng ồn do giao thông trong các đô thị lại tăng gấp 2 lần, nghĩa là lớn hơn khoảng 10 DexiBen (đơn vị đo tiếng ồn).
Để đối phó với ô nhiễm tiếng ồn, một số chuyên gia môi trường đã đề xuất các giải pháp, theo đó, muốn giảm tiếng ồn trong khu dân cư, đầu tiên phải kêu gọi ý thức trách nhiệm và tự giác của người dân để mọi người cùng chủ động không gây tiếng ồn lớn trong nhà, nhất là những gia đình tổ chức sản xuất ngay tại nơi cư trú. Việc thay đổi từ hành vi, từ những thói quen nhỏ là bóp còi xe hoặc để xe nổ máy quá lớn khi đi vào khu dân cư hay mở nhạc quá lớn cũng rất cần thiết.
Theo ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề xuất, cần xây dựng lộ trình giảm bớt phương tiện cá nhân để giảm bớt áp lực giao thông, nghiên cứu những vật liệu chống ồn để xây dựng đường sá, tường cách âm… Đồng thời, khuyến khích và tiến tới quản lý chặt chẽ, sử dụng các phương tiện có động cơ đạt chuẩn và giảm âm thanh phát ra tiếng ồn... Ông Thức khẳng định “Tổng cục Môi trường sẽ cố gắng tăng cường vai trò, liên kết giữa các ngành xử lý các vụ việc môi trường nói chung trong đó có xử lý và kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn”.
Trong khi đó, PGS-TS Phạm Đức Nguyên - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội môi trường xây dựng Việt Nam cho rằng, giải pháp căn cơ là ngay từ khâu quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông cần thực hiện những giải pháp chống tiếng ồn...
Song song với việc thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, các doanh nghiệp xây dựng về ý thức hạn chế tiếng ồn, điều quan trọng cần sự lắng nghe của chính quyền địa phương các cấp đối với những phản ánh của người dân để sớm có những biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
Theo đó, điều 17 của Nghị định 155 năm 2016 quy định: tùy theo mức vượt quy chuẩn về tiếng ồn mà đối tượng vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền với mức thấp nhất là 1 triệu đồng và mức cao nhất là 160 triệu đồng. Đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quá 30 dbA thì cơ sở gây ô nhiễm tiếng ồn bị đình chỉ hoạt động từ 6-12 tháng…
Tâm Bùi/TTXVN (tổng hợp)
Tags