(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ khi Alexander Fleming phát hiện ra Penicillin vào năm 1941, kháng sinh đã có vai trò hết sức quan trọng trong y học. Nhờ có kháng sinh mà nhiều căn bệnh nhiễm khuẩn (viêm phổi, viêm ruột…) được điều trị dễ dàng và các phẫu thuật có thể tiến hành vì ngăn ngừa được tình trạng nhiễm trùng. Từ kết quả đó, hàng trăm triệu người trên thế giới đã được cứu sống.
Và không những kháng sinh để điều trị bệnh cho con người, kháng sinh còn được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất.
Lợi ích to lớn của kháng sinh là không thể chối cãi và vì thế việc lạm dụng trong điều trị và trong chăn nuôi có thể xảy ra nếu chúng ta không có một chương trình quản lý hiệu quả.
Việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài, lạm dụng, người dân dùng thuốc điều trị vô tội vạ, những lỗ hổng trong quản lý dược phẩm...làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, và hậu quả của việc đề kháng kháng sinh sẽ thế nào?
Kháng thuốc khiến thời gian điều trị kéo dài, phát sinh thêm chi phí, nguy cơ tử vong cao và nguy cơ không có thuốc điều trị trong tương lai. Các kháng sinh mới thì chưa được tìm ra, còn kháng sinh cũ ngày càng bị kháng thuốc nhiều hơn. Hiện đã xuất hiện các chủng siêu vi khuẩn có khả năng kháng lại tất cả kháng sinh hiện có.
Các chuyên gia trên thế giới lo ngại một ngày “vũ khí” chống vi khuẩn không còn, và tại Việt Nam, nhìn nhận vấn đề trên Bộ Y Tế đã sớm có những giải pháp nhằm kiểm soát vấn đề trên như: tuyên truyền dùng kháng sinh phải có trách nhiệm hay mới nhất là ban hành quyết định số 772/QĐ-BYT về chương trình quản lý kháng sinh.
Với mục tiêu của chương trình: tăng cường sử dụng hợp lý kháng sinh, giảm hậu quả không mong mốn khi dung kháng sinh, nâng cao chất lượng y tế, ngăn ngừa vi khuẩn đề kháng kháng sinh và giảm chi phí điều trị y tế. Hiện Ban Giám Đốc của bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đã và đang thực hiện nghiêm túc chỉ đạo trên, với bước đầu kiểm soát các kháng sinh cần phê duyệt. Không ngừng đào tạo và nhắc nhở tuân thủ trong đội ngũ bác sĩ tập trung vào xây dựng các hướng dẫn điều trị, các biện pháp can thiệp, biện pháp tối ưu hóa liều sử dụng kháng sinh, chẩn đoán theo kết quả vi sinh và có đánh giá đo lường.
Ds. Phan Khắc Xuân Vy - Trưởng khoa Dược
(Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long)